13/07/2010 10:09 GMT+7

Áp dụng văn bản pháp luật nào lúc "giao thời"?

Thạc sĩ THÁI THỊ TUYẾT DUNG (giảng viên ĐH Luật TP.HCM)
Thạc sĩ THÁI THỊ TUYẾT DUNG (giảng viên ĐH Luật TP.HCM)

TT - Luật mới chưa đầy đủ trong khi luật cũ đã hết hiệu lực, thời điểm “giao thời” làm người dân bối rối.

WV2Re6SI.jpgPhóng to

Văn bản hướng dẫn cần được ban hành kịp thời

Điều 8 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 có nêu: “Văn bản quy định chi tiết phải quy định cụ thể, không lặp lại quy định của văn bản được quy định chi tiết và phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản hoặc điều, khoản, điểm được quy định chi tiết”.

Nếu điều này được tuân thủ thì sẽ hạn chế được các khoảng trống của pháp luật trong quá trình phải chờ văn bản hướng dẫn, đồng thời những văn bản hướng dẫn mới sẽ thay thế ngay những văn bản cũ.

Vừa qua, tôi có nhận được hai yêu cầu tư vấn về việc áp dụng văn bản pháp luật nào cho chính xác.

Một là câu hỏi của bà L.T.K. về trường hợp hủy bỏ quyết định tuyển dụng công chức đối với người tập sự bị xử lý kỷ luật xảy ra tháng 4-2010 thì áp dụng quy định nào. Vì theo quy định tại điều 20 nghị định 117/2003/NĐ-CP (thi hành pháp lệnh cán bộ, công chức 1998) thì người đứng đầu cơ quan quản lý công chức có quyền hủy bỏ quyết định tuyển dụng đối với người tập sự bị xử lý kỷ luật từ cảnh cáo trở lên.

Sau đó pháp lệnh này bị thay thế bởi Luật cán bộ, công chức (có hiệu lực từ ngày 1-1-2010). Nghị định 24/2010/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1-5-2010) hướng dẫn thi hành Luật cán bộ, công chức thì quy định người đứng đầu cơ quan quản lý công chức có quyền hủy bỏ quyết định tuyển dụng đối với người tập sự bị xử lý kỷ luật từ khiển trách trở lên.

Tháng 4-2010 là “giao thời” vì pháp lệnh cán bộ, công chức đã hết hiệu lực, còn nghị định 24 lại chưa có hiệu lực.

Hai là thắc mắc của ông H.V.Y.: thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT-BCVT-VHTT-CA-KHĐT ngày 14-7-2005 (thi hành nghị định 55/2001/NĐ-CP) quy định về điều kiện kinh doanh đại lý Internet, có các yêu cầu: người quản lý phòng máy phải có trình độ tối thiểu là A tin học, có sơ đồ hệ thống máy tính, có sổ tập hợp các quy định của Nhà nước về Internet. Sau đó nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28-8-2008 thay thế nghị định 55 lại không quy định các yêu cầu như trên. Như vậy thông tư 02 có còn hiệu lực áp dụng không?

Pháp luật bỏ ngỏ

Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 có quy định rõ: “Văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của văn bản hết hiệu lực cũng đồng thời hết hiệu lực cùng với văn bản đó, trừ trường hợp được giữ lại toàn bộ hoặc một phần vì còn phù hợp với các quy định của văn bản quy phạm pháp luật mới”. Đây là một trong những quy định phù hợp với thực tiễn hiện nay của Việt Nam nhưng đến Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 thì bị bỏ đi.

Điều 81 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 chỉ quy định một văn bản sẽ hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần khi ở vào một trong ba trường hợp sau: (1) Hết thời hạn có hiệu lực đã được quy định trong văn bản; (2) Được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó; (3) Bị hủy bỏ hoặc bãi bỏ bằng một văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy cũng không rõ một nghị định có hết hiệu lực không khi luật được nghị định này hướng dẫn hết hiệu lực. Ngược lại, pháp luật hiện hành cũng không có quy định nào về trường hợp một văn bản luật hết hiệu lực nhưng các nghị định hay thông tư hướng dẫn thi hành vẫn còn được áp dụng.

Khó cho người dân

Với sự phân tích như trên, rõ ràng không có một câu trả lời chính xác cho bà K. và ông Y.. Đến thời điểm hiện nay, các nghị định hướng dẫn thi hành Luật cán bộ, công chức vẫn chưa được ban hành đủ, do vậy nghị định hướng dẫn thi hành pháp lệnh cán bộ, công chức trước đây vẫn còn đang được áp dụng nếu không trái với các quy định mới, chẳng hạn như nghị định 35/2005/NĐ-CP về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức vẫn có hiệu lực một phần.

Đối với trường hợp ông Y., có thể áp dụng nguyên tắc: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”. Do đó sẽ áp dụng nghị định 97 thay cho thông tư 02.

Sự bỏ ngỏ có thể tạo ra sự tùy tiện vì sẽ có tình trạng không biết rõ văn bản nào có thể áp dụng tiếp và văn bản nào hết hiệu lực. Thêm vào đó là cảm nhận chủ quan của cơ quan có thẩm quyền khi tự họ xác định phần văn bản nào còn, phần văn bản nào hết hiệu lực. Ví dụ sau khi Bộ luật dân sự 2005 thay thế Bộ luật dân sự 1995 thì có nhiều văn bản hướng dẫn của Bộ luật dân sự 1995 vẫn tiếp tục được áp dụng nhưng không có sự thống nhất vì tùy thuộc nhiều vào cảm nhận của cơ quan áp dụng pháp luật.

Như vậy, pháp luật hiện nay bỏ trống vấn đề này nên tạo sự áp dụng không thống nhất ở các cơ quan nhà nước và khó khăn cho người dân vì không thể biết chính xác văn bản nào sẽ điều chỉnh vấn đề mình quan tâm.

Thạc sĩ THÁI THỊ TUYẾT DUNG (giảng viên ĐH Luật TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên