29/06/2010 05:30 GMT+7

Gian nan đòi quyền sở hữu trí tuệ

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TT - Để có được kết thúc thắng lợi trong phiên tòa xét xử vụ kiện tranh chấp bản quyền sở hữu trí tuệ ngày 17-6 tại Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Đắk Lắk, ông Hoàng Thịnh - nguyên đơn - phải “hầu tòa” hơn chục lần, gian nan, mệt mỏi.

AQxirD7V.jpgPhóng to

Đoàn thanh tra của Sở Khoa học - công nghệ Đắk Lắk kiểm tra và phát hiện cơ sở sản xuất gạch của ông Nguyễn Đình Mỹ có dùng máy đùn gạch gắn trục cào vi phạm bản quyền - Ảnh: CTV

Vi phạm bản quyền, bồi thường hơn 400 triệu đồng

Tòa đã tuyên buộc bị đơn là ông Nguyễn Đình Mỹ bồi thường cho ông Hoàng Thịnh 412 triệu đồng (351 triệu đồng tiền vi phạm bản quyền và 61 triệu đồng chi phí luật sư).

Sản phẩm máy đùn gạch gắn trục cào của ông Hoàng Thịnh được Cục Sở hữu công nghiệp (nay là Cục Sở hữu trí tuệ) ra quyết định cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 319 ngày 20-12-2002. Thế nhưng sau đó một số cơ sở cơ khí, trong đó có cơ sở của ông Nguyễn Đình Mỹ (cùng ở thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana với ông Thịnh) đã làm nhái sản phẩm.

Đầu năm 2003, ông Thịnh gửi đơn khiếu nại đến Cục Sở hữu trí tuệ, thanh tra Bộ Khoa học - công nghệ và ngành chức năng của tỉnh Đắk Lắk. Nhiều đoàn chức năng về kiểm tra, giải quyết khiếu nại của ông nhưng không kết quả. Ông Thịnh cho biết cực chẳng đã ông mới kiện ra tòa nhưng “nào ngờ mệt mỏi thế!”.

Sáu lần bị hoãn phiên tòa

Ngày 26-8-2008, TAND tỉnh Đắk Lắk thụ lý vụ án. Sau nhiều lần tạm hoãn phiên tòa, ngày 11-11-2008 TAND tỉnh Đắk Lắk đã tạm đình chỉ vụ án để trao đổi nghiệp vụ với TAND tối cao. Ngày 29-12-2008, TAND Đắk Lắk ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án, từ đó cho đến ngày xét xử sơ thẩm 17-6-2010, hàng chục lần ông Thịnh phải ra tòa.

Ông Thịnh kể: suốt hai năm liền, nhiều lần tòa có giấy triệu tập ông lên làm việc, giải quyết vụ án... ông lại cẩn thận tập hợp tài liệu, chứng cứ để chứng minh trước tòa. Lặn lội từ nhà cách tòa hơn 30km, lên đến nơi thì nhận quyết định... hoãn phiên tòa. Lại ra về trong mệt mỏi, thấp thỏm! Ngay luật sư của ông Thịnh cũng mệt mỏi vì suốt hai năm trời mà vụ án vẫn chỉ... chờ đưa ra xét xử sơ thẩm. Tòa hoãn, luật sư lại phải bay về Sài Gòn chờ lịch mới.

Đưa chúng tôi một tập giấy dày bao gồm các giấy triệu tập, quyết định đưa vụ án ra xét xử, thông báo hoãn phiên tòa, thông báo đổi lịch xét xử... ông Hoàng Thịnh cho biết: “Đây chỉ mới 2/3 trong số những thông báo, quyết định của tòa án gửi cho tôi. Ban đầu tôi không có ý định tập hợp lại nên cũng thất lạc nhiều nhưng sau tôi thấy tòa hoãn hoài nên giữ lại làm kỷ niệm”.

Trong số bảy lần phiên tòa bị hoãn, chỉ có một lần do chính ông Thịnh xin hoãn, sáu lần còn lại là do bị đơn, người đại diện lợi ích và quyền lợi hợp pháp của bị đơn xin hoãn. Ngoài ra còn do thay đổi người tiến hành tố tụng, do cán bộ tòa án, hội thẩm bận việc đột xuất, do chưa thống nhất được phương hướng giải quyết vụ kiện với TAND tối cao...

pTqv8CgW.jpgPhóng to

Ông Hoàng Thịnh - Ảnh: Trung Tân

Tám năm theo đuổi vụ kiện

Trao đổi lại với chúng tôi ngày 28-6, ông Hoàng Thịnh cho biết ông và ông Nguyễn Đình Mỹ đã thỏa thuận miệng là ông Mỹ chỉ phải thi hành án 50% số tiền mà tòa tuyên buộc bồi thường. Ông Mỹ có năm ngày (kể từ 26-6) để chuẩn bị tiền thi hành án. Sau khi trừ chi phí cho luật sư là 61 triệu đồng, số tiền còn lại sẽ tặng Hội Người mù tỉnh Đắk Lắk.

Chúng tôi đã liên lạc với ông Nguyễn Đình Mỹ qua điện thoại, ông Mỹ cũng xác nhận có thỏa thuận như trên. Sau khi làm biên bản thi hành án tại tòa xong, cả ông và ông Thịnh sẽ đến Hội Người mù tỉnh Đắk Lắk cùng đứng tên tặng lại số tiền đó. Sau đó ông Mỹ cũng sẽ tổ chức một buổi liên hoan để khép lại vụ kiện kéo dài này.

Hiện tại ông Hoàng Thịnh đang tiến hành gửi văn bản kiến nghị đến sở khoa học - công nghệ các tỉnh Bình Định, Kon Tum, Đắk Nông, Bình Thuận... để yêu cầu các chủ cơ sở cơ khí trên địa bàn tỉnh ngưng sản xuất máy đùn gạch có gắn trục cào mà ông được bảo hộ và phải bồi thường cho ông vì đã vi phạm bản quyền. Ông Thịnh cho biết thêm số tiền thu được (nếu có) ông cũng tặng luôn cho hội người mù các tỉnh đó.

Tại sao một người suốt gần tám năm trời theo đuổi kiện tụng, tốn rất nhiều tiền cho chi phí đi lại, ăn ở và rất vất vả như thế khi nhận được tiền lại làm từ thiện?

Ông Thịnh nói: “Tôi theo kiện vụ này không đơn thuần là đòi lại bản quyền của tôi bị người khác đánh cắp, mà tôi đòi sự công bằng theo Luật sở hữu trí tuệ. Tôi thắng kiện để chứng minh công sức mình bỏ ra nghiên cứu phải được công nhận. Có như thế tôi cũng như nhiều người sáng chế khác mới ra sức nghiên cứu tiếp các sản phẩm khác, góp phần làm kinh tế phát triển. Hơn nữa, tôi nghĩ không chỉ có một mình tôi bị vi phạm bản quyền sáng chế, nhiều nhà khoa học, nhà sáng chế khác cũng bị tình cảnh tương tự nhưng chưa một lần họ kiện ra tòa vì quá mệt mỏi và tốn kém. Vụ án của tôi là lần đầu tiên một vụ tranh chấp bản quyền sở hữu trí tuệ được đưa ra xét xử tại Đắk Lắk. Tôi muốn tạo tiền lệ về mặt pháp lý việc phải tôn trọng, tôn vinh những sáng tạo, sáng chế của người khác”.

Trong rất nhiều lần nói chuyện với người viết trước và sau khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, ông Hoàng Thịnh cho biết mười năm ông âm thầm sáng chế tạo ra một sản phẩm đem lại lợi ích, rồi sản phẩm được bảo hộ bản quyền, đem đến niềm vui về mặt tinh thần cho ông nhiều hơn là tiền bạc.

Khi phát hiện sản phẩm của mình bị nhái, ông đã khiếu nại khắp nơi, đơn thư gửi khiếu nại có thể tính bằng ký và không biết bao nhiều lần đi về các tỉnh lân cận rất tốn kém. Có những lúc cũng rất buồn nhưng ông vẫn kiên trì theo kiện để từ thắng lợi của ông sẽ đem lại lợi ích cho nhiều người sáng chế khác.

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên