22/01/2011 02:30 GMT+7

Những ngã rẽ

CÔNG LÊ - THU DIỆP
CÔNG LÊ - THU DIỆP

TT - Làm vợ, làm mẹ là đích đến của bao phụ nữ. Nhưng liệu như thế đã đủ với những phụ nữ từng ấp ủ rất nhiều dự định cho riêng mình?

CFPE8czB.jpgPhóng to
Khi kết hôn, cuộc sống của phụ nữ sẽ thay đổi rất nhiều với trách nhiệm và niềm hạnh phúc làm mẹ, làm vợ - Ảnh: Quân Nam

Chị T.Mỵ (38 tuổi, họa sĩ) tâm sự: “Năm đầu đại học tôi có ước mơ đi chuyến xuyên Việt bằng xe máy. Năm thứ hai dành dụm ít tiền tôi mua một chiếc xe máy, nhưng chưa có đủ lộ phí và bạn bè cùng đam mê. Năm thứ tư tôi bận hẹn hò, yêu đương. Tốt nghiệp xong chúng tôi cưới nhau, một vòng xoáy mới kéo tôi đi: việc làm, nhà cửa rồi bầu bì, con cái. Chuyến đi xuyên Việt thay bằng những lộ trình đều đặn: nhà - công ty, nhà - chợ, nhà - trường mẫu giáo, nhà - công viên...”.

Còn Ngọc Tuyết (30 tuổi, làm việc tự do) chia sẻ: “Tốt nghiệp đại học, lấy chồng rồi sinh liền hai con. Tôi có những ước mơ lớn và cố giữ chúng không bị lụi tàn, nhưng chẳng thể toàn tâm khi cứ bị phân tán bởi chuyện bếp núc. Sự bận rộn thường ngày lôi ước mơ du học ra khỏi tâm trí tôi lâu rồi”!

Cuộc sống phụ nữ sau hôn nhân như sợi dây thừng quấn quanh cái cột “gia đình”. Phụ nữ kết hôn vẫn chạy theo những đam mê trong sự nghiệp khó vun vén cho hạnh phúc riêng. Còn ai toàn tâm toàn ý lo cho gia đình thì dần dần phải rút hẳn khỏi “chính trường” của những phụ nữ năng động và cầu tiến.

Bước chậm chứ không dừng lại

Chấp nhận bước chậm lại, chọn đường đi chọn lọc, Ngọc Tuyết nhìn nhận: “Thông tin trên Internet hiện nay khá nhiều để tôi phát triển cá nhân và nghề nghiệp chuyên môn, chỉ cần trang bị tiếng Anh và nuôi giữ đam mê. Đợi thêm vài ba năm nữa, khi hai con lớn hơn, tôi sẽ đi làm công việc mình thích. Chậm còn hơn không, phải không!”.

Mạnh mẽ hơn, Lam Tuyền (30 tuổi, một chuyên viên môi trường) khẳng định: “Nếu không điều tiết tốt, phụ nữ dễ trở thành ôsin cho mọi thành viên trong gia đình. Tôi cho rằng phụ nữ hoàn toàn không nên rút khỏi “chính trường”, có chăng là rút một chân về”.

Đâu là điểm cân bằng?

Phía sau một người đàn ông thành đạt luôn có bóng dáng một người phụ nữ. Nhưng liệu người phụ nữ tuyệt vời này có hạnh phúc không? Bài toán cho điểm cân bằng hôn nhân khó có lời giải nếu chính những người vợ ấy không tìm ra những lối đi dù nhỏ hẹp.

“Để cân bằng đời sống tinh thần tôi cố gắng giữ mối quan hệ với cuộc sống bên ngoài gia đình, cho mình chút không gian riêng. Thỉnh thoảng để con ở nhà, ra ngoài cà phê với bạn bè...” là những cách Ngọc Tuyết trung hòa cuộc sống bận rộn của mình.

“Phụ nữ biết chăm sóc bản thân mình cũng là cách cân bằng cuộc sống” - Lam Tuyền cho biết. Dù chưa có con nhưng cô cũng chia sẻ cùng chồng định hướng trong tương lai: “Sẽ có lúc giao con cho ông bà để vợ chồng được bên nhau đi du lịch, giải trí cuối tuần. Chịu khó tập tành cho con tự lập giúp người mẹ, người vợ có nhiều thời gian nghỉ ngơi, không bị áp lực, cáu bẳn”.

Còn Diễm My (30 tuổi, giảng viên Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM) cho rằng điểm cân bằng cuộc sống sau hôn nhân là nhận được sự đồng cảm của người chồng. “Thật may mắn chồng tôi hoàn toàn ủng hộ những quyết định trong công việc của tôi. Đôi khi tôi hay đi công tác xa, anh nói thà để tôi đi rồi về nhà vui vẻ, hạnh phúc, còn hơn là ngăn cấm để lúc nào tôi cũng “nung nấu” và ray rứt những việc chưa làm được” - Diễm My hạnh phúc chia sẻ.

Đồng suy nghĩ với chồng Diễm My, anh Hoàng Dũng (36 tuổi, giảng viên Đại học Công nghiệp) luôn ủng hộ vợ toàn quyền quyết định sự nghiệp của mình: “Kiến thức của vợ cũng bổ trợ cho sự nghiệp của chồng. Chẳng ai hi sinh gì cả, việc nhà và con cái là trách nhiệm chung của vợ chồng. Ai cũng đều có 24 giờ/ngày, những người hay than thở không có thời gian chỉ là không biết cách điều tiết và quản lý quỹ thời gian của mình mà thôi”...

Nếu sự siết chặt hay nới lỏng sợi dây tình yêu trên chiếc cột gia đình vẫn làm bạn chênh vênh những dự cảm bất an, hãy chọn cho mình một điểm tựa trên chính niềm đam mê của bạn với cuộc đời này. Để khi những chơi vơi, nỗi buồn bất ngờ ập đến, bạn luôn tìm thấy lý do, niềm tin để tiếp tục sống và yêu.

Sẽ thế nào nếu sớm mai thức dậy bạn không còn thấy người chồng cạnh bên? Toàn bộ cuộc sống, tình yêu và ước mơ của bạn sẽ cuốn gói ra đi sau một cuộc hôn nhân tan vỡ?

Sau kết thúc là sự khởi đầu

Hình như ai cũng có thời gian chống chếnh sau một cuộc tình đổ vỡ vì những thói quen còn ở lại như vết thương ngày ngày làm ta đau nhói. Chia tay chẳng bao giờ là điểm cuối của một câu chuyện. Cuộc hành trình tìm lại cuộc sống của chính mình, tìm thấy con đường để đạt được sự yên bình - thư thái trong tâm hồn, để biết yêu và đón nhận tình yêu dường như là điều mỗi phụ nữ nên có.

Ăn, cầu nguyện, yêu (*) nhắc tôi nhớ cuộc sống thật ra có quá nhiều đam mê, nhiều hạnh phúc chúng ta bỏ lỡ. Nhờ có cuộc hành trình này Elizabeth tìm được sự cân bằng trong cuộc sống. Cô sống những ngày bình lặng nhất đời mình. Cô sống cho bạn bè, cho gia đình và đặc biệt là cho bản thân.

Phụ nữ cũng cần có một cuộc sống thật sự sau những trách nhiệm, để cân bằng và không lạc lối nếu hôn nhân bất ngờ thất bại. Hãy tìm cho mình điểm tựa như liều thuốc an thần cho trái tim. Cuộc đời không bao giờ là ngõ cụt khi còn có một điểm tựa. Cuộc sống không gói gọn trong tình yêu. Dù bất cứ điều gì mất đi, cứ sống và tìm kiếm hạnh phúc. Để mỗi lần nỗi buồn đến lại vơi đi...

Hay có lẽ khi người ta dành quá nhiều yêu thương cho quá khứ thì không thể tìm thấy điều gì đó tươi đẹp ở hiện tại? Mỗi chúng ta đều va chạm rất nhiều lần trong đời. Mình phải sống cho mình, cho những gì mình cần, cho cảm xúc. Vì sau hết nỗi nhớ vẫn chỉ là nỗi nhớ.

Những ngày bước qua nhiều nỗi đau, tôi học được ý nghĩa của những lần chia tay và bắt đầu. Dù cuộc sống có dài dòng hay mệt mỏi cỡ nào cũng hãy tự cho mình một phút dừng lại làm điều gì đó khác đi. Khóc và cười, suy cho cùng thì nước mắt và tiếng cười đều quý giá như nhau. Đúng vậy không?

HỒNG ÂN

(*) Ăn, cầu nguyện, yêu - tự truyện của Elizabeth Gilbert.

CÔNG LÊ - THU DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên