31/07/2004 07:12 GMT+7

Những chàng trai "quên" lớn lên

NGUYỄN THỊ OANH
NGUYỄN THỊ OANH

TT - Câu chuyện về những người chồng “luôn xin phép mẹ” của bạn Vy Thanh không phải là không phổ biến do bối cảnh đặc biệt của xã hội VN.

Tính “con nít” (lời của Vy Thanh) không chỉ biểu hiện qua chuyện gì cũng xin phép mẹ mà còn qua sự thiếu tinh thần trách nhiệm với vợ con, suốt ngày nhậu nhẹt, đàn đúm với bạn bè. Một hiện tượng rất thường được báo chí nêu lên và dạo nọ trên Báo Phụ Nữ có một diễn đàn thật sôi nổi về tính “vô tư” của các ông chồng.

Bên này trách bên kia nhưng theo tôi lỗi là ở phụ nữ, là những người mẹ. Dù phản đối câu nói chung “con hư tại mẹ” nhưng tôi lại chủ trương “con trai hư tại mẹ”.

Có một nghịch lý trong vai trò và vị trí của người phụ nữ VN. Một đàng là tư tưởng chồng chúa vợ tôi vẫn còn phảng phất, nhất là khi biểu hiện ra bên ngoài, nhưng đàng khác nhiều khách nước ngoài nhận xét là người phụ nữ VN rất mạnh.

Trước giải phóng tôi có tiếp một nhà hoạt động xã hội người Áo. Tôi đưa ông đi xem những cơ sở hoạt động xã hội. Ông tấm tắc khen phụ nữ VN rất giỏi và rất mạnh. Một bác sĩ tâm thần người Bỉ làm việc lâu năm ở VN và một nhà dân tộc học người Pháp mà tôi quen cũng có nhận định tương tự. Ngày nay chỉ nhìn vào đội ngũ nữ doanh nhân chúng ta cũng có thể đồng ý với điều này.

Vì sao họ mạnh? Các nhà khoa học vừa kể cho rằng có lẽ người đàn ông bên ngoài là “chúa” nhưng trong gia đình thì yếu vì ít biết lo toan. Còn phái yếu lại “mạnh” vì phải âm thầm gánh lấy trách nhiệm dù bề ngoài luôn phải giữ lễ nghĩa phong kiến. Họ mạnh cả với con và có xu hướng đùm bọc quá đáng. Một nghịch lý là họ chưa thoát khỏi tư tưởng trọng nam khinh nữ nên rất cưng đứa con trai.

Thường bé trai trong nhà chỉ biết học, ăn rồi chơi.Còn bé gái thì nhận trách nhiệm trong gia đình khá sớm. Đã vậy còn được giáo dục theo tinh thần chịu đựng, hi sinh. Đứa con trai do đó kéo dài tâm lý “con nít” nếu không được giáo dục tính tự lập. Rồi có các bà “mẹ kăngguru” úm con trong túi hoài không cho nó thoát ra.

Con gái thì đi lấy chồng, còn con trai thì dễ có nguy cơ bị úm lâu dài hay vĩnh viễn như trường hợp của bài báo. Tâm lý “sở hữu” càng mạnh nơi các bà mẹ đơn thân nuôi con (trai) một.

Còn một điều nữa mà các nhà xã hội học rất quan tâm đến là “ranh giới” trong gia đình để bảo đảm mối quan hệ hài hòa cũng như hạnh phúc cá nhân và lứa đôi... Đại gia đình không thể can thiệp quá sâu vào gia đình hạt nhân. Cha mẹ phải bảo đảm sự tự do và tự lập đúng lúc và chính đáng của con cái. Vì giáo dục gia đình là giúp con lớn lên để sống độc lập. Điều này gia đình VN dường như chưa quan tâm đủ.

Những điều tôi vừa nêu là những ý tưởng ban đầu mang tính giả thiết. Rất cần những cuộc nghiên cứu thật nghiêm túc để có một chính sách giáo dục gia đình thật đúng đắn. Trước mắt các bạn gái trẻ khi tìm hiểu bạn trai nên quan tâm đến mối quan hệ của anh ta với mẹ.

Bản thân bạn gái nên ý thức về tâm lý trọng nam khinh nữ còn phảng phất và xu hướng “kăngguru” tiềm ẩn trong mỗi chúng ta, để con cái trưởng thành đúng lúc. Còn các bạn trai đừng để mình “bị” cưng chiều như em bé.

Khi mẹ có xu hướng “úm” quá mạnh thì mặc dù hết sức yêu mẹ cũng nên cố gắng tự khẳng định mình và nhẹ nhàng từng bước thoát ra khỏi vòng dây. Bởi lẽ nếu rơi vào tình trạng “con nít” hay như phương Tây hay nói “chưa cắt dây rốn” thì bạn khó tạo hạnh phúc cho gia đình hạt nhân của bạn.

NGUYỄN THỊ OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên