11/08/2012 05:40 GMT+7

Ba tôi

Audio_Docbao
Audio_Docbao

TT - Bác Tư Quyền - một cụ nông dân hiền lành, cần mẫn được bà con ở ấp Bình Thọ 1, xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang quý mến, chính là ba tôi.

nNbGbREb.jpgPhóng to
Nhân vật trong bài bên chiếc xe đạp cũ - Ảnh do tác giả cung cấp

Ba tôi tên thật là Nguyễn Văn Liếng, là con trai trưởng trong một gia đình có tám anh chị em. Ba tôi phải bỏ lỡ việc học hành ở cái tuổi lên chín, lên mười. Ngày ngày, ba cùng ông tôi cày thuê cuốc mướn để có được bữa ăn cho gia đình dù chỉ là khoai sắn. Ba tôi lại rất ham học. Ngoài việc đồng áng, ba miệt mài học ở ông tôi nghề thợ mộc. Ba cùng mẹ thành thân, năm chị em tôi lần lượt ra đời. Cuộc sống tuy khó khăn nhưng ông bà nội tôi rất hạnh phúc trong tình yêu thương, kính trọng của con dành cho cha mẹ, cháu dành cho ông bà.

Rồi năm tháng bình yên ấy chóng qua đi khi chuyện không may xảy ra vào một chiều mưa lầy lội năm 1988. Ông tôi đội nón lá ra vườn sau nhà, chẳng may ông giẫm phải vỏ chai bị bể. Chân ông bị cắt sâu, chảy nhiều máu. Ông chỉ rửa sạch rồi cầm máu bằng mấy lá thuốc nam. Không ngờ vết thương ngoài da chóng lành nhưng bên trong thịt ở bàn chân bị nhiễm trùng và tụ mủ, sưng phù. Nhà không có tiền, ông kiên quyết không đi bệnh viện, không ngờ vết thương loét ra. Ba tôi năn nỉ ông mãi mới đưa được ông vào Bệnh viện Đa khoa Tiền Giang. Một tháng ông điều trị, ba tôi nghỉ làm theo chăm sóc ông.

Mỗi lần về thăm nhà, ba tôi dầm mưa, gồng mình trên chiếc xe đạp không còn đủ đầy tay thắng, khi dừng lại ba phải thắng bằng chân. Tôi thấy thương ba biết dường nào! Nhưng đoạn đường dài hơn 30km không làm ba thôi hi vọng. Ba vui mừng khi nói với má tôi rằng: Mấy bữa rày ông ăn được, ngủ ngon. Vậy mà có một chiều ba về, vội lấy cho ông thêm ít đồ dùng, mắt ba đỏ hoe, nhòe lệ. Rồi ba tôi đi vài hôm, má bảo với tôi: Ông đã chuyển lên Trung tâm Ung bướu ở Sài Gòn (*). Khi biết ông bị cắt một đoạn chân, tôi bật khóc. Lúc đó, tôi chỉ biết con đường từ bệnh viện ông nằm về nhà là xa xôi lắm. Ba cũng theo nuôi ông suốt hai tháng dài.

Cứ một tuần vài lần ba tôi lại đi, về để mang ít thực phẩm chay do bà tôi tự làm vì ba và ông tôi đều ăn chay trường. Ba vẫn đi về trên chiếc xe đạp cũ ấy. Có khi tối lắm ba mới về nhà, dặn dò má con tôi đôi việc rồi tất tả lên đường cho kịp chuyến phà đầu tiên. Gặp đêm mưa dầm, ba tôi phải cõng chiếc xe đạp và hành lý trên vai oằn nặng, chân bám víu từng bước trên con đường sình lầy hơn 3km mới ra tới đường cái. Có lần ba về nhà với hai chân tê cứng vì đạp xe suốt tám giờ trên đoạn đường dài hơn 100km. Tôi hỏi: Sao đường xa quá ba không đi bằng xe đò cho đỡ mệt? Ba cười hiền và bảo: Đi, về hai chuyến xe phải mất mươi ngàn đồng, số tiền ấy ba dành lại mua thêm vài viên thuốc cho ông!

Hiện tại tôi là giáo viên công tác tại trường mầm non ở Q.11, TP.HCM. Quãng đường tôi về thăm ba sau vài tuần làm việc còn ngắn hơn quãng đường ba đi ngày xưa một đoạn. Tôi được đi bằng xe máy, còn ba tôi phải vượt đường xa vời vợi bằng chính sức lực của mình. Ba vượt qua mọi khó khăn bằng tấm lòng của một người con chí hiếu. Một ngày nọ ba mừng vui đến chảy nước mắt khi ông được xuất viện về nhà. Nhưng sau đó bệnh của ông lại tái phát, vết thương mãi mãi không lành được và gần một năm sau ông cũng ra đi. Từ đó, ba tôi thường thở dài và ray rứt: Nếu lúc đó ba cứ đưa ông vào viện sớm hơn có lẽ chân ông không bị cắt. Nhưng ba ơi! Con hiểu là ba không dám trái ý ông vì ba rất sợ ông buồn.

Không chỉ riêng ông bà nội mà với ông bà ngoại của tôi, ba tôi cũng dành cả tình thương sâu kính của một chàng rể thảo. Bà ngoại mất, ba tôi thọ tang bà suốt hai năm và chưa một lần vắng mặt trong suốt 11 lễ cầu siêu cho bà. Còn ông ngoại tôi qua đời hơn 35 năm rồi. Giờ đây, tóc ba tôi bạc trắng, tay chân yếu dần, đi lại khó khăn. Vậy mà ngày giỗ ông, ba về nhà cậu thắp hương và quỳ lạy trước bàn thờ ông bằng tất cả niềm tôn kính như ngày đầu tiên ba đến làm lễ ông để xin cưới má tôi.

Tôi xin được cảm ơn ban tổ chức cuộc thi viết về người con hiếu thảo đã cho tôi có cơ hội viết về ba tôi với tất cả niềm tự hào; ba tôi đã nuôi dạy chúng tôi thành nhân không chỉ bằng lời, mà ba đã dạy chúng tôi bằng cả cách nghĩ, cách sống và cả tấm gương hiếu hạnh, hiền đức của cuộc đời ba.

(*) Hiện là Bệnh viện Ung bướu TP.HCM

Ban tổ chức cuộc thi Người con hiếu thảo đã nhận được bài dự thi của các tác giả: Lê Văn Trọng (Hà Nội); Nguyễn Mạnh Hùng, Lê Ngọc Trân, Nguyễn Văn Học (Đà Nẵng); Phạm Văn Hoanh (Quảng Ngãi); Nguyễn Thị Bích Nhàn (Phú Yên); Nguyễn Hữu Tuyết Viên (Bình Thuận); Trí Nhân, Thụy Tâm, Đinh Thị Cẩm Nhung (Khánh Hòa); Cao Thị Cúc, Đặng Thị Yến Hương, Đặng Thị Thu Hiền, Phi Hải, Phạm Văn Dũng, Nguyễn Văn Hùng, Kim Phúc, La Hoàng Em, Nguyên Châu, Nguyễn Thị Tố Ngân, Dương Quỳnh Anh, Trần Lệ Khánh, Trần Huệ Mẫn, Huỳnh Văn Ron, Trần Văn Tám, Lê Thị Nhung (TP.HCM); Bùi Kim Hoàng, Nguyễn Nguy Anh (Bình Dương); Nguyễn Thị Cẩm Vân (Long An); Nguyễn Thị Kim Thoa (Tiền Giang); Nguyễn Văn Đặng, Kim Chi (Bến Tre); Nguyễn Chiêu Dương, Dương Hồng Nguyên (Trà Vinh); Nguyễn Quốc Nam (Cần Thơ); Nguyễn Văn Hồng (Kiên Giang); Hồ Cẩm Kim, Phạm Nguyên Ngọc, Lâm Mỹ Hạnh (An Giang); Tuong_vy_88@; Nguyễn Thị Thảo, Hoàng Thị Hoa, Nguyễn Thị Huyền, Nhật Nguyệt, Bùi Trọng Tâm, Nguyễn Xuân Minh, Hồ Toàn.

b3CmBPSs.jpgPhóng to
Audio_Docbao
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên