18/07/2005 19:11 GMT+7

Làm gì khi con bạn nổi "cơn gió chướng" ?

Theo DNSGCT
Theo DNSGCT

Tuổi mới lớn là thời kỳ khó khăn nhất trong quan hệ cha mẹ - con cái, để chuyển từ vai trò người nuôi dưỡng có toàn quyền đối với con cái sang vai trò nhà tư vấn với "quyền lực" có phần hạn chế hơn, các bậc cha mẹ cần có sự chuẩn bị tinh thần từ trước.

3WErx06T.jpgPhóng to
Tuổi mới lớn là thời kỳ khó khăn nhất trong quan hệ cha mẹ - con cái, để chuyển từ vai trò người nuôi dưỡng có toàn quyền đối với con cái sang vai trò nhà tư vấn với "quyền lực" có phần hạn chế hơn, các bậc cha mẹ cần có sự chuẩn bị tinh thần từ trước.

Nhưng thường khi họ chưa kịp làm điều đó thì “cơn gió chướng tuổi mới lớn" đã nổi lên trong gia đình rồi! Càng muốn tiếp cận với con, chúng càng lảng tránh, càng hỏi han thì chúng càng im lặng... Hệ quả, cha mẹ càng sốt ruột lo lắng lại càng khó giữ bình tĩnh.

Các cô bé, cậu bé giai đoạn này "nổi chướng" vì chúng bắt đầu không còn muốn cha mẹ sắp đặt mọi thứ nữa, mà việc cha mẹ cứ lại gần, hỏi han... được hiểu là dấu hiệu của một sự áp đặt sắp xảy ra! Cái ý nghĩ “thể nào ba mẹ cũng bảo phải làm thế này, phải làm thế kia hoặc rầy la rằng mình đã phạm sai lầm" làm cho con cái ở độ tuổi mới lớn rất ít muốn gần gũi cha mẹ.

Vậy, muốn tiếp cận, các bậc cha mẹ phải đánh lạc hướng sự cảnh giác của chúng, phải khôn khéo vận dụng những "chiến thuật" hợp lý.

Ở tuổi mới lớn, trong đầu óc con bạn luôn thường trực ý nghĩ muốn được tự do. Chúng thích la cà quán xá, rong chơi ngoài phố... và mỗi lời rầy la, yêu cầu chúng có mặt ở nhà, vào giờ cơm tối chẳng hạn, với chúng chẳng khác gì "xiềng xích". Đừng nhiều lời. Thay vì vậy, yêu cầu con đi cùng mình đến thăm một trại trẻ mồ côi hoặc mang quà đến các nhà mở dành cho trẻ đường phố, tự khắc con bạn sẽ tự hiểu ra có gia đình là sung sướng, hạnh phúc như thế nào.

Nếu cậu con 15 - 16 tuổi nhà bạn hay dấm dẳn nói rằng "ba mẹ chẳng bao giờ làm điều gì con muốn cả!, đừng vội vàng thanh minh! Hãy nói: "Chủ nhật này con sẽ được làm cha mẹ trong một ngày". Rồi liệt kê cho cậu con "sơ sơ" một số công việc như: chuẩn bị bữa ăn sáng, kiểm tra xem em nó thức dậy có đánh răng, rửa mặt, dọn giường chưa. Rồi chuẩn bị bữa trưa, đi siêu thị mua sắm thức ăn vật dụng cho cả tuần (hãy cho cậu biết tiền bạc sẽ được cung cấp đủ, tức là nó còn chưa phải lo tới việc đó nữa đấy!).

Trở về, hãy chuẩn bị bữa tối rồi lại kiểm tra đôn đốc em chuẩn bị bài vở ngày mai... Cho cậu biết rằng chỉ cần làm xong số nhiệm vụ căn bản này thì thằng bé có thể làm bất cứ điều gì mình muốn mà trước nay cậu vẫn nghĩ là cha mẹ không làm cho mình. Thử đi, bạn sẽ thấy hiệu quả lắm đấy!

Chúng ta luôn cho rằng ở tuổi mới lớn con trai nên gần gũi với cha hơn, còn con gái nên gần gũi với mẹ. Hãy đảo ngược điều này bằng cách tiếp cận khéo léo từ sở thích của con: Mẹ đi cổ vũ trận đấu bóng của con trai còn bố thì làm phụ bếp cho con gái nấu một món ăn ưa thích. Không khí sẽ ấm áp hẳn lên, bảo đảm bọn trẻ mới lớn nhà bạn chịu "mở miệng".

Cứu tinh email: để bọn trẻ mới lớn "chát" hàng giờ trên mạng làm gì, hay "tống" cho chúng vài "bom thư” nói về bất cứ điều gì rắc rối, không ổn mà bạn nhận thấy ở chúng hoặc đã xảy ra trong mối quan hệ giữa bạn với con. Khi gõ bàn phím, người ta cảm thấy dễ bày tỏ quan điểm và có thời gian ngẫm nghĩ để nhìn nhận vấn đề hơn là nói chuyện trực tiếp.

Con bạn sẽ đỡ cảm thấy mắc cỡ hoặc khó chịu, còn bản thân bạn cũng đỡ mất bình tĩnh hơn. Tuy nhiên, hãy kiên trì nếu thư đi mà không thấy tin lại! Cứ tiếp tục và rồi chúng sẽ phải trả lời thôi.

Chuẩn bị tinh thần để sẵn sàng nghe những chuyện khủng khiếp mỗi khi chúng "mở miệng"! Ví dụ, con trai có thể kể với bố rằng nó nghi ngờ thằng bạn nó “dính" ma túy hoặc con gái nói với mẹ rằng nhỏ bạn thân của nó đi chơi biển qua đêm với bạn trai. Đừng nhảy dựng lên: "Ba/mẹ cấm con không được chơi với nó nữa!". Một lần hét lên như thế thì vĩnh viễn bạn sẽ không bao giờ còn được nghe chúng kể những chuyện tương tự.

Hãy làm ra vẻ "bàng quan" và hỏi xem chúng nhận xét gì về điều đó. Để tự con nói, rồi bạn bổ sung từ từ cho con biết thêm thật cặn kẽ, như thể một cuộc chuyện trò. Đừng đe nẹt, chỉ nhấn mạnh cho con biết cánh cửa cuộc đời sẽ khép lại đầy đau thương như thế nào khi vướng phải AIDS hoặc có thai ở tuổi mới lớn!

Làm gì khi con “làm mình làm mẩy" vì không được bạn duyệt chi một khoản tiền nào đó? Đừng giảng giải dài dòng, mà hãy "công khai tài chính” cho con biết! Lên bảng chi thu gia đình cho tất cả mọi người biết tiền bạc "biến" đi đâu, và riêng phần ăn học, sắm sửa, sách vở của các "cô cậu” đã “ngốn" hết bao nhiêu phần trăm ngân sách gia đình rồi!

Nhiều bậc cha mẹ có con ở tuổi mới lớn đều than thở rằng chúng chẳng còn chịu đi đâu với cha mẹ nữa! Hãy nhớ rằng bạn có nhu cầu muốn đi chơi với con nhiều hơn là ngược lại (hồi bạn mới lớn cũng vậy thôi). Để chúng "chịu" đi với cha mẹ, trước hết hãy để chúng được quyền chọn đi du lịch ở đâu trong kỳ nghỉ hè.

Rồi "mở" cho chúng được quyền rủ bạn đi cùng. Vui chơi với bạn bè trang lứa là rất quan trọng đối với tuổi mới lớn. Tuy nhiên, nếu đã xem xét cặn kẽ và thấy có thể yên tâm, nên cho con có những cuộc đi dã ngoại với bạn bè. Bạn phải bắt đầu học "rời xa" con từ lúc này, từ việc này rồi đó!

Cuối cùng, cần nhắc rằng một số “chiến thuật” trên đây không thể thay thế cho việc chuyển đổi sang vai trò tư vấn của cha mẹ. Tiếp cận được với tuổi mới lớn là một nửa thắng lợi rồi, nhưng nếu ở nửa phần còn lại bạn bộc lộ sự áp đặt “độc tài” thì... hỏng hết! Thậm chí khiến bọn trẻ càng “đề cao cảnh giác” hơn!

Theo DNSGCT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên