08/05/2005 18:45 GMT+7

Trẻ bỏ nhà "đi bụi": Khi gia đình không còn là chỗ dựa

Theo Phụ Nữ VN
Theo Phụ Nữ VN

Một thực trạng đáng báo động trong xã hội hiện nay là: Hiện tượng trẻ em bỏ nhà di bụi đang trở thành một “phong trào” của vị thành niên, đa số các em thuộc con nhà khá giả.

TnGNn9si.jpgPhóng to
Một thực trạng đáng báo động trong xã hội hiện nay là: Hiện tượng trẻ em bỏ nhà di bụi đang trở thành một “phong trào” của vị thành niên, đa số các em thuộc con nhà khá giả.

Một lí do chung nhất khiến nhiều em rời bỏ tổ ấm chính là khi hạnh phúc gia đình, bố mẹ các em nảy sinh các mâu thuẫn, dẫn đến ly hôn, cả 2 không ai quan tâm đến cuộc sống của con. Khi đã rời bỏ tổ ấm gia đình, đa số các em phải gánh chịu những hậu quả đáng tiếc như: Nghiện ngập, trở thành tội phạm, bị xâm hại…

Khi tổ ấm không đủ “ấm”

Vũ Thế Thạch , được sinh ra trong nhung lụa, em từng là học sinh chăm ngoan của một ngôi trường phổ thông nổi tiếng đất Hà thành. Bố em là chủ một doanh nghiệp làm ăn phát đạt, mẹ có tiệm vàng buôn bán riêng. Cuộc đời em bắt đầu bước vào ngõ cụt kể tù ngày mẹ em đòi ra toà ly hôn. Bố em không chịu ly hôn vì sợ tai tiếng, sợ chia tài sản, nhưng hàng ngày ông vẫn cặp bồ trước mặt mẹ em. Để trả thù chồng, mẹ em cũng mang “người tình” về nhà. Trong nhà Thạch tự dưng xuất hiện 2 cặp “vợ chồng hờ” (bố em và người tình, mẹ em và nhân tình ).

Ngày nào Thạch cũng chứng kiến những trận cãi vã xúc xiểm của bố mẹ. Khi mẹ em thuê đầu gấu trừng trị bố em cũng là lúc bố em quyết định ra toà ly hôn, bỏ đi vào Nam sống. Toà án giao em cho mẹ nuôi nhưng mẹ em tuyên bố chỉ nuôi Thạch đến năm 18 tuổi, còn sau đó “mặc kệ cha con nó, mặc kệ xã hội”. Thạch sa sút dần trong học tập và bắt đầu ăn cắp tiền của mẹ. Em bỏ học liên miên, nhà trường thông báo cho mẹ em, nhưng bà thản nhiên bảo “nó thích nghỉ học thì cho nghỉ luôn”.

Thạch càng dấn sâu vào con đường hư hỏng. Một ngày, em gói ghém mọi đồ đạc, lấy đi gần 5 cây vàng của mẹ, bỏ nhà ra đi. Em thuê nhà trọ, ở cùng “bạn gái”. Lúc này mẹ Thạch đã mệt mỏi với các cuộc chơi bời trác táng với người tình, muốn tu tâm sửa tính, quay lại chăm bẵm con, thì không còn cơ hội gần con nữa. Bà tìm đủ mọi cách để tìm Thạch nhưng vô hiệu.

Thạch đã trở thành một tay cờ bạc, cá cược hạng “siêu” trên vùng đất Cảng. Khi hết tiền, Thạch tụ tập đám con nghiện tổ chức cướp giật trên đường phố. Khi bị công an đưa vào trung tâm giáo dưỡng. Thạch kiên quyết không khai báo nơi ở của bố mẹ, em nhận mình là trẻ mồ côi và không ngần ngại tuyên bố “ rời trường giáo dưỡng em sẽ tiếp tục đi bụi, làm “đại ca” chốn giang hồ”…

Cũng được sinh ra trong một gia đình giàu có, cô bé Hoài An từng là học sinh xuất sắc. Vết trượt của cuộc đời em khi bố mẹ thường xuyên gây gổ, cãi vã trước mặt em. Em thường van xin bố mẹ đừng cãi vã nhau nữa nhưng chẳng ai để ý đến lời cầu khẩn của em. Được một cô bạn trong trường rủ rê, một ngày em lấy trộm 1.000.000đ của bố mẹ bỏ nhà ra đi.

Em cùng cô bạn đến khách sạn, vũ trường ăn tiêu, đập phá. Hết tiền, hai em không dám về nhà, tính chuyện đi ăn cắp. Nhiều phi vụ ăn cắp không thành, An và cô bạn quyết định trở thành gái bán hoa trong một khách sạn ở QN. Bố mẹ em tìm thấy em trong đợt vây bắt của công an khi em đang hành nghề.

Đứng trước cảnh cô con gái chăm ngoan, hiền thục ngày nào nay trở thành “gái giang hồ” khét tiếng, Bố mẹ Hoài An mới thấy ân hận về lỗi lầm của mình. Họ đang cố gắng tìm cách đưa An trở về con đường hoàn lương trong sáng, tiếp tục đưa em trở lại trường học. Không biết mọi cố gắng hiện thời của bố mẹ em có đạt kết quả gì không bởi An đã nhiễm thói ăn chơi sa đọa, lối sống bất cần và không còn đủ lòng tin vào bố mẹ mình nữa …?

Gia đình không hạnh phúc, cha mẹ mải lo kiếm tiền xem nhẹ việc giáo dục con cái… là những nguyên nhân khiến trẻ bỏ nhà đi bụi. Thảm cảnh mà nhiều em bỏ nhà ra đi phải gánh chịu là trở thành tội phạm, nghiện ngập và nạn nhân của HIV/AIDS.

Nhân viên phụ trách đường dây nóng của trung tâm tư vấn dịch vụ truyền thông- Uỷ ban DS, GĐ&TE cho biết: Mỗi ngày đường dây nóng nhận được nhiều ca tư vấn, trong đó số trẻ em có ý định bỏ nhà đi bụi chiếm tỷ lệ khá cao. Đa số các em là con của các gia đình khá giả, thiếu sự quan tâm chăm sóc của gia đình. Và khi các em bỏ nhà đi lang thang thì cũng thuộc nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vậy cũng nên cảnh báo việc nhiều trẻ em con nhà khá giả đứng trước nguy cơ trở thành đối tượng trẻ em đặc biệt khó khăn…

Gia đình hạnh phúc- ngăn chặn con đường lầm lạc

Nhiều đứa trẻ bỏ nhà ra đi chỉ muốn cha mẹ nhận ra sự tồn tại của mình, quan tâm đến mình hơn. Ở bất kỳ lứa tuổi nào, trẻ em cũng khát khao một tổ ấm hòa thuận, hạnh phúc. Muốn con nên người, hơn bao giờ hết các bậc cha mẹ phải luôn quan tâm, chăm sóc con cái và tạo lập một gia đình có nền nếp.

Khi các bậc cha mẹ không quan tâm đến con cái thì sẽ đồng nghĩa với việc đẩy con em mình ra khỏi nhà. Và trẻ em đã “đi bụi” sẽ dễ dàng nhiễm các thói hư, tật xấu, đã đi bụi được một lần thì sẽ bỏ nhà đi tiếp lần hai, vô số lần tiếp theo…

Mỗi một tổ ấm gia đình cần có kỹ năng chăm sóc, vun đắp hạnh phúc mỗi ngày, trong đó các cặp vợ chồng khi giải quyết những mối bất hoà với nhau nên đặt đứa con của mình làm “trung tâm”. Để từ đó có lực chọn những cách hành xử sao cho đứa trẻ không cảm thấy tổn thương, không mất lòng tin ở cha mẹ và không muốn rời bỏ tổ ấm của mình ra đi. Chỉ có khi đó, những bậc phụ huynh ấy mới thực sự là “lá chắn” cho con mình và cũng là cách để bảo vệ con em trước những thảm họa, cạm bẫy xã hội đang rình rập…

Theo Phụ Nữ VN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên