08/02/2005 15:46 GMT+7

Xóm Lách thần tiên bốn mùa

Theo Sài Gòn Tiếp Thị  
Theo Sài Gòn Tiếp Thị  

Nhà văn Thanh Tâm Tuyền hồi xưa có viết một cuốn sách nhan đề là Đêm Xóm Lách mịt mùng. Tôi không biết Xóm Lách trong tiểu thuyết của ông nằm ở vị trí nào trên bản đồ Sài Gòn, nhưng con xóm nhỏ mang tên Xóm Lách của tôi đích thị nằm quanh co ngoằn ngoèo sát dòng sông đen dưới chân cầu Công Lý, trước và sau giải phóng thuộc quận 3 và riêng khoảng mịt mùng thì khỏi phải bàn cãi.

wiiSncSA.jpgPhóng to
Nhà văn Thanh Tâm Tuyền hồi xưa có viết một cuốn sách nhan đề là Đêm Xóm Lách mịt mùng. Tôi không biết Xóm Lách trong tiểu thuyết của ông nằm ở vị trí nào trên bản đồ Sài Gòn, nhưng con xóm nhỏ mang tên Xóm Lách của tôi đích thị nằm quanh co ngoằn ngoèo sát dòng sông đen dưới chân cầu Công Lý, trước và sau giải phóng thuộc quận 3 và riêng khoảng mịt mùng thì khỏi phải bàn cãi.

Mịt mùng ngay từ lúc xuống Dốc Dài đi “mút chỉ cà tha” mới đến được bờ sông. Mịt mùng ngay từ lúc xuống Dốc Cụt vượt qua hàng loạt cầu tiêu công cộng, đường ngang ngõ tắt mới đến được căn nhà cuối cùng lềnh bềnh trên những cây cọc gỗ mục nát. Xin thưa, căn nhà cuối cùng ấy là sào huyệt thuở ấu thơ của tôi, là thiên đường tuyệt vời mà để chạm được nó, người ta phải né tránh và luồn lách nhau qua từng ngõ hẻm bề ngang co khi chỉ nửa mét. Xóm Lách của tôi là như vậy. Lạch tối đa, lách “tới bến”, qua nhiều cửa ải địa ngục tối tăm để gõ cửa thiên đàng.

Thiên đàng hé ra thì quả thật tuyệt vời. Không tuyệt vời sao được khi những cây bình bát, đu đủ, chuối già hoang dại mọc rậm rạp ven sông đen tạo điều kiện cho những thằng bé Tí hon, công chúa Bạch Tuyết, Aladdin, Alibaba, nàng Út rẫy dưa, cô bé Lọ lem xóm nghèo làm căn cứ địa chơi trò đám cưới ngây thơ.

Hồi đó niềm vui của tôi trồi sụt theo từng con nước thủy triều lên, lũ con gái gom bẹ dừa, lá chuối, hoa rau muống trang trí thành một túp lều cổ tích và khởi đầu đám rước ầm ĩ y chang tuồng cải lương Sơn Nữ Phà Ca của người lớn.

Chúng làm đám con trai ngẫn ngơ tròn xoe mắt thán phục mà không biết rằng trái tim tuổi 13 đang đập rộn ràng. Chúng thông minh và khả ái cực kỳ. Những đứa không sắm vai cô dâu chú rể, quan viên hai họ thì hồn nhiên giải quyết chuyện thất nghiệp bằng các trò chơi ô ăn quan, thiên đàng địa ngục, nhảy dây, đánh đũa điệu nghệ. Chúng nhảy chéo, nhảy ngược, nhảy chụm hai chân rồi biểu diễn lò cò đơn, lò cò đôi, đánh đũa chan chát, nấu nướng mời nhau… hỏi thằng nhãi nào mà chẳng mê chơi.

Nhiều đứa tóc bím, tóc thề còn bày đặt thả thuyền giấy, tàu thủy giấy chở theo cục xà bông sau đuôi phóng vèo vèo vô cùng lãng mạng. Coi, bãi đất trống ban ngày làm vựa củi sinh nhai của người lớn, chiều tối biến thành sân chơi lộ thiên trở nên lễ hội thường xuyên của trẻ con trong xóm. Những thằng con trai nhanh chóng dẹp tự ái đàn ông múa mây theo con nước lên bằng trò chơi thia lia, câu lươn, u mọi, năm mười, tạt lon, đá dế.

Tương tự như thế khi thủy triều xuống, bọn con trai lại hú như Tarzan lao ra bãi đất trống thi đua bắn bi, đánh đáo, tạt hình, chơi cờ gánh, cờ tướng, cờ cọp, cờ ca rô, dợt võ, thả diều, bắn súng bẹ chuối, chơi bông vụ, chơi rồng rắn lên mây… hoặc đến mùa Trung thu thì chơi giựt cô hồn, đẩy chiếc xe lon sữa bò gắn đèn cày trên cuộn chỉ lăn như một chiếc đèn kéo quân di động cực đẹp.

Trời ạ, biết nói thế nào về các trò chơi đã bị thất truyền. Ê, cái xóm nhỏ xíu toàn dân lao động phu phen giang hồ tứ xứ đủ “quốc tịch” Bắc, Trung, Nam nhưng bốn mùa đều thần tiên trước sự sáng tạo và tưởng tượng của trẻ thơ. Vài năm nữa mọc râu mọc ria, nở hông nở ngực làm đại ca , du đãng, đàn chị, nữ quái… tính sau. Còn bây giờ ư? Bây giờ thì làm ơn điểm danh những trò chơi mất tích.

Này nhé chơi thia lia phải biết lựa từng phiến đá, từng mảnh ngói vỡ có góc nhọn để liệng xuống sông cho nhảy chồm chồm lên mặt nước như cá lia thia đớp không khí. Chiến thắng cuối cùng thuộc về cao thủ nào có viên gạch bắn xa nhất tới bờ bên kia sông. Kỷ lục mà tới giờ tôi vẫn còn nhớ là thằng Sáu Heo bắn viên gạch nhảy tới 12 lần trên mặt nước.

Này nhé, câu lươn để cải thiện bữa ăn và thu hoạch kinh phí phụ gia đình thì phải nhớ lựa những hang xăm xắp nước mà thả mồi trùn hổ hoặc thằn lằn. Hang không có nước thường là hang rắn. Khi lươn đớp mồi câu làm ơn giả bộ ghì lại nhè nhẹ thăm dò. Đợi con lươn kéo hết hai phần ba dây cước mới ghì lần nữa… gặt nganh thật mạnh. Hà hà, câu kiểu đó bảo đảm trự lươn cáo già nào cũng bị “dính bẫy” trăm phần trăm.

Còn khi nước lớn gặp lươn nổi đầu ư? Lúc ấy khỏi thả mồi mà dùng lưỡi câu có ngạnh kẹp vào khúc củi hoặc thanh tre rà luồn dưới nước thật êm sát cần cổ lươn, gặt đẹp. Hồi đó, lũ nhóc chúng tôi thường truyền miệng nhau lươn già mọc chân biến hóa thành chồn khiến đứa nào phá kỷ lục câu lươn cũng đều nổi da gà. Thằng Đạt Điên phá kỷ lục là sợ nhất chứ còn phải hỏi.

Này nhé, chơi ô ăn quan thì không phân biệt giới tính người chơi. Lũ kẹp tóc lẫn húi cui đều nghiên cứu thật kỹ đường đi nước bước, tính nết của nhau, lừa nhau trong cách rải sỏi từng ô để cuối cùng “hết quan, toàn dân kéo về”. Đứa nào hết quân là đứa đó thua trắng máu. Chơi trò này phải nói con Huệ Mít Ướt là bá chủ.

Náy nhé, bắn súng bẹ chuối cũng không hề đơn giản. Phải biết lựa bẹ chuối không già không non, thiếp theo phải biết cách rọc chéo thẳng hàng và đều đặn trong một khoảng cách nhất định. Có thế, lúc vuốt tay “bắn liên thanh” thì tiếng súng mới rền vang và làm kẻ thù thiệt mạng trong… 5 phút. Quán quân trò nay thuộc về thằng Vinh Lé có hoa tay chứ sao.

Này nhé, chơi thả diều cũng không kém độc chiêu. Con diều nào bay cao nhất và nhận nhiều mật thư bao giờ cũng được thán phục. Làm diều quan trọng nhất là khung sườn, cách chuốt nan tre, cách cột dây lèo luôn là yếu tố quyết định. Nhiều đứa “siêu” đến mức cột dây con diều bầu không đuôi vào nhánh cây ổi rồi rung đuồi chờ được phong nguyên soái. Nguyên soái thuở đó còn ai khác hơn là thằng Lộc Què.

Này nhé, thơ mộng và thánh thiện còn trò nào hơn là “hỏa ngục và thiên đàng”. Cứ nhìn đám con gái yểu điệu thục nữ, liêu trai chí dị nối đuôi nhau qua cái cổng vòng tay của hai đứa bị thua, đôi môi không ngừng chúm chím bài hát đồng dao “Thiên đàng hỏa ngục hai bên… đến khi gần chết được lên thiên đàng” hỏi thằng con trai nào ma không ngơ ngẩn. Khi viết đến đây tự nhiên nhớ đến hai câu thơ kỳ cục “có chàng ngơ ngác tựa gà trống – E đến trăm năm còn trẻ thơ”.

Ai chà, không biết thi sĩ sáng tác ra hai câu thơ để đời kia có một đến Xóm Lách hay không, nhưng tôi trộm nghỉ rằng chắc chắn có một tuổi thơ như tôi thật đẹp, thật cổ tích, thật nhiều trò chơi và… mãi mãi.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị  
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên