23/01/2010 08:10 GMT+7

Giờ học chào cờ

VĨNH HÀ - LƯU TRANG
VĨNH HÀ - LƯU TRANG

TT - Buổi chào cờ mỗi sáng thứ hai đang trở thành những tiết học thú vị giúp học sinh hào hứng bước vào tuần học mới. Đó là cách làm mới hiện nay ở nhiều trường trên toàn quốc.

EDPBNZIX.jpgPhóng to
Học sinh khối 5 Trường tiểu học Trần Bình Trọng (Q.5, TP.HCM) với chuyên đề sinh hoạt tiểu phẩm khối 5 Rèn chữ - giữ vở trong tiết chào cờ đầu tuần sáng 11-1-2010 - Ảnh: Như Hùng

Trước đây, nội dung giờ chào cờ chỉ bó hẹp trong việc thực hiện nghi thức, thông báo tình hình thi đua, nêu các trường hợp kỷ luật, tuyên dương cá nhân, tập thể tiến bộ... Hiện nay, các hoạt động kỹ năng sống, sinh hoạt chủ điểm, bổ trợ kiến thức... đều được chuyển tải ngay trong giờ chào cờ, biến 45 phút đầu tuần thành một tiết học sinh động.

Nhận diện điều tốt - xấu

Trường tiểu học Trần Bình Trọng, Q.5, TP.HCM dành khoảng 15 phút mỗi giờ chào cờ cho học sinh biểu diễn các hoạt cảnh tình huống. Kịch bản liên quan đến một chủ đề nào đó gần gũi như nhắc bạn chăm học, nhận diện thói xấu, biết ơn cha mẹ, thầy cô... Đạo diễn, kịch bản và diễn viên chính là các em học sinh.

Không phải nơi nào cũng thành công

Tại Hà Nội, một số trường thất bại khi triển khai những ý tưởng đổi mới nội dung sinh hoạt dưới cờ cho học sinh. Một số giáo viên phụ trách công tác đoàn thể của các trường cho biết: rất khó và mất thời gian khi phải thiết kế hàng chục chương trình. Nếu những nội dung giáo dục lồng ghép không khéo sẽ khiến học sinh không còn hứng thú, cảm thấy bị áp đặt.

Anh Mai Quang Phương - tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Phan Đình Phùng, Q.3, TP.HCM - cho biết: “Mặc dù rất khó nhưng nhà trường đã cố gắng lồng ghép những bài học kỹ năng sống, lịch sử, đạo đức ngay trong tiết chào cờ. Kết quả là học sinh rất mong chờ tham gia giờ chào cờ với các hoạt cảnh, chương trình văn nghệ, cuộc thi vấn đáp thật sự sinh động...”.

Tiểu phẩm mang tên Rèn chữ, giữ vở của học sinh khối 5 có nội dung như thế này: có một học sinh lười biếng, học yếu, chữ viết rất xấu. Một hôm, em mơ thấy những con chữ của mình biết đi, biết chạy. Các nét chữ rất xấu và nguệch ngoạc nên chúng cứ chạy nghiêng ngả. Em giật mình tỉnh dậy mới biết mình đang mơ. Thấy sách vở lộn xộn trên bàn học, em liền sắp xếp lại cẩn thận. Các bạn trong lớp đến giúp em chép lại bài vở và chỉ cho em biết cách giữ vở sạch chữ đẹp.

Đơn giản là thế nhưng dưới sân trường, hơn 1.300 học sinh chăm chú theo dõi. “Hiếm có tiết học nào khiến các em chăm chú như vậy. Hai tuần một lần, nhà trường tổ chức làm mới cho tiết chào cờ. Những tuần trước, học sinh lên sân khấu thi kể chuyện về tấm gương Bác Hồ, biểu diễn các tiết mục hát múa minh họa. Với lứa tuổi học sinh tiểu học, các hoạt động thế này tạo ra môi trường học thân thiện, lôi cuốn các em đến với các bài học về đạo đức, lễ nghĩa, truyền thống lịch sử một cách hào hứng” - thầy Quách Minh, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết.

Tiết chào cờ ở Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, Hà Đông, Hà Nội lại làm những học sinh cấp III thật sự xúc động khi nghe cô giáo chủ nhiệm lớp 11 đọc những lá thư “Yêu thương không bao giờ muộn” do chính học sinh viết. Những tâm sự, suy nghĩ, sự bày tỏ tình cảm với bố mẹ, thầy cô, những người thân yêu đã khiến cả học sinh lẫn thầy cô giáo rơi nước mắt.

Một giáo viên cho biết: “Suy nghĩ chân thành, cảm động của những người bạn cùng trang lứa có tác động tích cực đến các học sinh khác và các em đã có những thay đổi trong động cơ học tập, thái độ sống, đặc biệt là tình cảm đối với người thân, thầy cô giáo”.

Một tiết học thật sự

Kể về buổi thi “Bình tác phẩm văn học trong chương trình phổ thông” - một trong những nội dung diễn ra tại buổi chào cờ đầu tuần, Lê Văn Hoàng - học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội - nói: “Nhờ vậy tụi mình học văn một cách hứng thú hơn”.

“Bình tác phẩm văn học trong chương trình phổ thông” là cuộc thi được phát động toàn trường, cũng trải qua các vòng sơ khảo, chung khảo và Trường Phan Huy Chú đã chọn buổi chào cờ đầu tuần để tổ chức các cuộc tranh giải nhất, nhì, ba.

Bà Nguyễn Thị Nhiếp - hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Trong hơn một năm qua, trường tổ chức được 64 chương trình, bao gồm các cuộc thi trí tuệ, biểu diễn nghệ thuật, diễn đàn trao đổi. Tùy theo chủ đề của mỗi tháng, các lớp luân phiên đảm nhận xây dựng các tiểu phẩm, chương trình văn hóa văn nghệ phù hợp theo từng chủ đề chào mừng các ngày lễ lớn”.

Ở Trường THPT Nguyễn Huệ, Hà Đông, Hà Nội, những thông tin, nhận xét của ban giám hiệu chỉ chiếm thời gian rất ngắn. Mỗi tháng, nhà trường yêu cầu một tổ chuyên môn có trách nhiệm thiết kế một chương trình ngoại khóa, kéo dài khoảng hai giờ, ngay sau lễ chào cờ đầu tuần. Những chương trình này phải gắn với hoạt động dạy học như buổi ngoại khóa giới thiệu tác phẩm văn học đang được giới trẻ quan tâm, trao đổi giữa thầy cô giáo với học sinh về những tác phẩm các em yêu thích, hoặc công bố những bài văn hay, hoặc trò chơi đố vui... để tiết chào cờ có thể trở thành một tiết học thật sự.

Tại TP.HCM, từ đầu năm học này, Sở GD-ĐT đã có văn bản chỉ đạo về việc nâng cao hiệu quả giờ sinh hoạt dưới cờ sáng thứ hai đầu tuần. Trong đó đề xuất thay đổi cả nội dung và hình thức, xây dựng các chuyên đề sinh hoạt để tiết chào cờ mang tính giáo dục cao hơn, tạo sinh khí mới cho một tuần học tập. Tuy nhiên, nhiều ban giám hiệu vẫn gặp khó khăn khi triển khai chủ trương này.

Nguyên nhân là do sân trường không đủ chỗ cho học sinh, thiếu cán bộ chuyên trách về sinh hoạt ngoại khóa và tổng phụ trách, chương trình học tập còn nặng, thiếu thời gian triển khai các hoạt động ngoài giờ. Dù vậy, tiết chào cờ đang được cổ vũ thành một tiết trình diễn trước học sinh về cách nhìn nhận, nhận diện những điều hay, điều đẹp và cả cái xấu - tốt trong cuộc sống.

VĨNH HÀ - LƯU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên