23/09/2009 04:20 GMT+7

Giang hồ tuổi teen

Tiến sĩ tâm lý HUỲNH VĂN SƠN
Tiến sĩ tâm lý HUỲNH VĂN SƠN

TT - Từ những vướng mắc nhỏ trong gia đình, mâu thuẫn bạn bè ở nhà trường, sự lệch lạc về giá trị sống do phim ảnh..., nhiều học sinh đã tập tành ăn chơi rồi bước vào chốn giang hồ: đâm thuê chém mướn, cướp giật, hút chích...

Giang hồ tuổi teen

TT - Từ những vướng mắc nhỏ trong gia đình, mâu thuẫn bạn bè ở nhà trường, sự lệch lạc về giá trị sống do phim ảnh..., nhiều học sinh đã tập tành ăn chơi rồi bước vào chốn giang hồ: đâm thuê chém mướn, cướp giật, hút chích...

Bị đuổi học, lông bông ra đường quậy phá, trở thành những giang hồ nhí khi mới 13-14 tuổi. Cho đến khi nhận ra thì có em đã vào tù, người chết trẻ, đứa lang thang bụi đời... Cần vòng tay đưa ra cho những lối về chênh vênh.

Kỳ 1: “Lấy số” kiểu học đường

Tài “lợn” (các nhân vật trong loạt bài này đã được đổi họ tên - PV), 14 tuổi, nam sinh lớp 8 ở một trường THPT quận Bình Thạnh (TP.HCM), lạnh lùng tuyên bố: “Ở trường phải ráng quậy ra trò mới được nể nang, mới được các “em” ngưỡng mộ, không thì bị ăn hiếp, bị chê là hai lúa. Nhục như con... trùng trục!”.

Theo Tài “lợn”, ở một số trường THPT có giang hồ nhí, nhóm đầu bò đầu bướu đều âm thầm đưa ra tiêu chuẩn “ba không” để chọn cán bộ lớp. Đó là: không còn “zin”, không học giỏi, không nhiều chuyện. Mục đích là để dễ bề bao che, qua mặt thầy cô giáo ở trường. Nói theo kiểu giang hồ nhí thì cán bộ lớp phải là người “có họa cùng chia, có phúc cùng hưởng!”.

ImageView.aspx?ThumbnailID=363078
Quái xế nhí đua xe tốc độ  - Ảnh: Minh Dũng

Khẳng định “đẳng cấp”

Không chỉ cán bộ lớp, cả học sinh bình thường, nếu không “biết điều” hay léng phéng thưa bảo với cô chủ nhiệm là bị đám đầu bò đầu bướu dạy cho một bài học như chơi. Một nữ sinh cùng nhóm với Tài “lợn” kể với vẻ thản nhiên: “Để được vui chơi, học hành an toàn, nhiều bạn gái sẵn sàng “câu” cho được những tay giang hồ nhí máu mặt để “lấy số”.

Bù lại, các em phải biết vui vẻ hết cỡ, biết chiều các đại ca nhí như vợ chiều chồng. Nói là “bù” chứ thật ra tụi nó cũng khoái lắm. Ở nhà thì bí đủ điều, vô lớp thì học với hành nhức cả đầu. Tụi này thèm cuộc sống tự do như thế”!

Như để minh chứng cho những gì mình nói là đúng, cô nữ sinh với nét mặt non choẹt này kể tiếp: “Mới chuyển lên lớp 6, em có biết gì đâu. Đạp xe đi học, thấy bạn mới nên cười xã giao. Vậy mà tụi nó nói em láo, cười đểu, rồi nắm đầu đập sưng mặt, rách áo. Em đâu biết luật chơi của chúng nên đi trình bày với ban giám hiệu khiến bọn chúng bị kỷ luật.

Theo nguyên tắc của giang hồ ở trường, nếu bọn chúng bị kỷ luật nhẹ thì em bị đánh nhẹ, kỷ luật nặng thì em bị đánh nặng. Không chịu được những trận trả thù, em nghe lời bạn thân cặp bồ với một đại ca lớp 10. Sau đó nhờ anh này dằn mặt, từ đó đi học thảnh thơi, còn bọn nó gặp em phải cúi đầu cười chào một cách nể trọng”.

"Có khá nhiều nguyên nhân đẩy các em ra khỏi cuộc sống đời thường: gia đình ruồng bỏ, cha mẹ không quan tâm... Nỗi đau lớn nhất của việc xuất hiện những giang hồ nhí là xã hội sẽ có thêm một phần tử tạo ra biết bao nguy cơ cho những con người lương thiện"

Tiến sĩ tâm lý HUỲNH VĂN SƠN

Những ngôi nhà đã được đập vỡ chờ quy hoạch ở gần sông Sài Gòn thuộc quận 2, hay những ngôi nhà hoang nằm sâu trong hẻm thuộc phường 25, quận Bình Thạnh là điểm tập kết của nhiều học sinh đi bụi.

Theo chân Tài “lợn” đến các địa điểm này một vài lần, dù đã nghe kể nhiều nhưng chúng tôi vẫn không khỏi giật mình trước những gì mắt thấy. Nhiều nữ sinh trên người vẫn còn mặc chiếc áo gắn phù hiệu của trường, trốn học ra đây quấn quýt, ôm hôn những người bạn trai cởi trần trạc 13-14 tuổi.

Trên tay các “đại ca nhí” đầy rẫy vết thẹo do tàn thuốc và nhiều lần xăm đi sửa lại. Xung quanh mảnh chiếu rách mà chúng ngồi là kim tiêm, nước suối, cơm hộp vương vãi lung tung... Như sợ người lạ đánh giá thấp “đẳng cấp” của mình, một “đại ca nhí” chửi đổng: “Khách sạn, rượu ngoại tụi này đâu thiếu. Thích ra đây kiếm cảm giác đi hoang thôi”.

Cuộc chiến dưới cây phượng vĩ

Không chỉ cặp bồ với các “đại ca nhí” ở trường để có số má trong đám ăn chơi, nhiều khi các nhóm đầu gấu học đường bày ra những trò ẩu đả theo kiểu “tranh chấp lãnh địa” của giới giang hồ người lớn để khẳng định “đẳng cấp” của nhóm. Chiều cuối tuần trên bãi đất hoang gần trạm thu phí ở quận 9, khi mọi người đang đá bóng, bất ngờ có hai nhóm học sinh chạy xe máy kéo đến với nét mặt đằng đằng sát khí.

Sau một hồi cãi cọ, một học sinh nam tóc bờm ngựa hất hàm: “Giờ sao? Tụi mày thích “hát rong” (giải hòa), “bật co” (chơi tay đôi) hay “kéo chài” (đánh hội đồng)?”. Một nam sinh nhóm bên kia tóc xanh tóc đỏ đáp lại: ““Bật co” nữ mày! Bên nào thua từ nay phải “ăn cỏ” (nhường địa bàn)”.

Sau khi giao kèo, mỗi bên cử ra một nữ sinh lao vào đánh nhau trước sự reo hò của cả hai nhóm. Chỉ với mấy đòn cào, nắm tóc, xé áo, cả hai đều lộ cả phần trên của cơ thể trước hàng chục cặp mắt của bạn khác giới. Bạn gái của nhóm “tóc bờm ngựa” sặc máu mũi, bị đối thủ bóp cổ dúi đầu xuống đất.

Được thế, nhóm bên kia reo hò dữ hơn, tiếng chửi thề át cả một góc trời. Như được cổ vũ, nữ sinh của nhóm “tóc cầu vồng” vừa đè đối thủ xuống vừa tát liên tục đến khi đối thủ khóc, xin thua cuộc mới thôi.

Chứng kiến cảnh tượng này, một người dân ở cạnh đó lắc đầu ngao ngán: “Tui hiểu hết nổi đám nhỏ rồi, cứ hễ có gì xích mích là lôi nhau ra đây phân xử như giang hồ vậy. Lúc đầu chúng tôi còn can ngăn, nhưng khi thấy chúng hung dữ như vậy ai cũng sợ”. Hỏi chuyện, hóa ra địa bàn mà chúng tranh giành chỉ là hàng ghế đá dưới tán cây phượng vĩ trước cổng trường, nơi cả đám vẫn thường tụ tập bàn tán tính chuyện ăn chơi sau giờ tan học.

Chứng kiến cảnh này, Tài “lợn” cười híp mắt ra vẻ xem thường: “Tụi này cùi bắp quá, nam sinh trường em chơi sốc hơn. Nhẹ thì cả thùng sơn vô đầu, nặng thì mã tấu, kiếm Nhật làm tới”. Cũng như phần lớn các bạn trong nhóm đầu gấu sân trường, Tài “lợn” gia nhập giới giang hồ nhí chỉ vì những bực mình vớ vẩn của tuổi mới lớn.

Tài tâm sự: “Phần lớn bạn bè trong nhóm đều con nhà giàu, chúng sẵn sàng bao hết mọi chi tiêu, miễn là mình dám chơi tới bến! Hồi trước em học giỏi và ngoan lắm, nhưng khi ba mẹ sinh thêm hai em nữa thì em hết được cưng như trước đây. Em cảm thấy mình bị bỏ rơi, chán quá mới theo bạn đi ăn chơi cho bõ ghét”!

Dù không còn dạy ở trường cũ tại Bình Thạnh nữa nhưng mỗi khi nhắc đến đám học trò cũ, cô giáo V.T.L. vẫn rùng mình không dám nêu tên thật. Cô nói: “Chẳng ai dám khuyên nhủ chúng cả, vì như thế đối với chúng là xúc phạm, là xem thường. Nếu ai đó lỡ lời thì thế nào cũng bị chúng trả thù. Nhẹ thì ném phân vào nhà, bắn trái thúi, bắn ná vô đầu. Nặng thì trùm bao đập một trận cảnh cáo. Như Tài “lợn” đã từng trùm bao đập thầy giáo ngất xỉu”.

 THẾ ANH - SƠN BÌNH 

___________________

Sài Gòn lên đèn cũng là lúc giang hồ nhí xuất hiện quậy phá và kiếm ăn. Đi “hái trái cây” để có tiền “nhậu khói nhậu khâu”, xong lại “chà đồ nhôm” cho hết đêm dài.

Kỳ tới: Đêm đi hoang

----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Ý kiến bạn đọc

* Ngày xưa khi còn đi học, tôi và bạn tôi chỉ nghĩ đánh nhau là chuyện của mấy đứa "lưu manh", học dốt của trường. Nhưng giờ thấy sao mà sợ mấy cô cậu học trò quá, cứ có chuyện gì là đem nhau ra "xử" không cấn biết đó là ai, rồi thù hằn qua lại. Chỉ có chuyện nhìn nhau thấy ghét là cũng đánh nhau được rồi.

Chuyện “giành lãnh địa” chỉ là hàng ghế đá ngay góc sân trường cũng là điều đáng suy nghĩ, mới nhỏ vậy mà đã tập tành giành địa bàn thì sau này còn giành nhau tới gì nữa. Chúng ta đang tiến tới nền giáo dục hiện đại, một nền văn hoá lành mạnh, hy vọng các cơ quan chức năng sẽ tìm ra những cách để hoàn thiện hơn nhân cách cuả những cô cậu học trò này.

Đừng để cái xấu tồn tại từ lúc nó vừa "phôi thai" cho đến lúc trưởng thành.

T.X.

* Tôi thấy tuổi teen tụ tập băng nhóm bây giờ nơi nào cũng có. Một số do cha mẹ lo tìm kế sinh sống hằng ngày, không có thời gian để quan tâm con cái nhiều. Một số do cha mẹ bất hòa, ly dị, gia đình khó khăn, không ai quan tâm các em, không học hành, lêu lỏng rồi sinh ra trộm cắp…

Đôi khi chỉ vì một chuyện nhỏ thôi, cho là mình bị người ta xúc phạm, các bạn trẻ đó liền tụ tập băng nhóm lại để “hỏi tội” người đó, để tạo uy cho mình…

Những người dân như chúng tôi nhiều lúc thấy những vụ "thanh toán giang hồ" mà không ai dám lên tiếng vì ai cũng ngại. Còn phía chính quyền thì không ai thưa kiện thì không hay biết gì hết!

Tôi viết đôi dòng này kính mong các gia đình, nhà trường và chính quyền các cấp hãy chú ý quan tâm đến những bạn tuổi teen nhiều hơn, đừng để xảy ra những hậu quả khó lường khi mọi chuyện đã rồi.

Tran Thanh Binh

Tiến sĩ tâm lý HUỲNH VĂN SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên