25/06/2017 13:57 GMT+7

Người cứu trợ ở nơi nguy hiểm nhất thế giới

D.KIM THOA (tổng hợp từ báo Mỹ)
D.KIM THOA (tổng hợp từ báo Mỹ)

TTO - Thành phố Mosul của Iraq là một trong những nơi nguy hiểm nhất thế giới. Trong khi hàng trăm ngàn người cố thoát khỏi nơi này thì một gia đình người Mỹ đã tìm đến đây, quên mình để cứu giúp những người khác.

Gia đình ông bà Eubank và các con - Ảnh: CBS
Gia đình ông bà Eubank và các con - Ảnh: CBS

Khi mang theo người vợ và ba đứa con tới thành phố Mosul để tham gia công tác cứu trợ nhân đạo, hỗ trợ những người dân thường bị IS tấn công, không ít người cho rằng đầu óc ông David Eubank không bình thường.

Và họ càng ngạc nhiên hơn khi biết trước khi tới Mosul, người đàn ông kỳ lạ này đã cùng gia đình hỗ trợ biết bao nhiêu người dân khác từng sống trong các vùng chiến sự trải suốt từ Myanmar cho tới Afghanistan.

Làm công tác cứu trợ nhân đạo tại Mosul, ông David Eubank phải chứng kiến cảnh chết chóc mỗi ngày. Ông nói: “Chúng tôi thấy có những gia đình bị sát hại. Một thiếu phụ, có lẽ chỉ 19 tuổi, vừa sinh con, và một đứa trẻ sơ sinh đã chết trên tay tôi”.

Nhưng lần cứu sống một bé gái khoảng 5 tuổi mới đây lại là một trải nghiệm hoàn toàn khác. “Những gì tôi thấy hóa ra là khoảng 70 thi thể, phụ nữ, trẻ em, những thiếu niên ngồi trên xe lăn, và một bé gái ngồi cạnh xác mẹ”. Bọn IS đã xả súng vào một đoàn người đang trên đường chạy trốn khỏi Mosul.

Khi nhìn thấy các tay súng bắn tỉa của IS liên tục bắn về phía em bé, ông Eubank và hai người cộng sự đã quyết định rất nhanh.

Lợi dụng khói bụi mịt mờ của loạt bom vừa nổ và trong lúc đồng đội dùng súng bắn lại nhóm IS để yểm trợ, ông Eubank đội mũ bảo hiểm và áo chống đạn lao đến xốc nách thật nhanh bé gái rồi quay trở lại an toàn phía sau một chiếc xe tăng chỉ trong 12 giây.

Sau sự việc, chia sẻ với tờ Los Angeles Times, ông bảo: “Tôi nghĩ nếu mình chết vì làm việc này, vợ tôi và các con tôi sẽ hiểu”.

Với ông Eubank, công tác cứu trợ nhân đạo thực sự là công việc chung của gia đình. Sát cánh bên ông là bà Karen Eubank và ba người con.

Hai cô con gái Sahale 16 tuổi, Suuzane 14 tuổi (được đặt theo tên của bà Aung San Suu, ngoại trưởng đương nhiệm của Myanmar, người từng được trao giải Nobel hòa bình) và cậu con trai Peter 11 tuổi.

“Mặc dù mọi người đều sẽ nói đó là công việc nguy hiểm nhưng nó mang lại nhiều ý nghĩa” - bà Karen Eubank chia sẻ.

Khi một số người tỏ ý ngạc nhiên vì ông bà Eubank đưa các con tới nơi quá nguy hiểm cho chúng thì cô bé Sahale phản đối:

“Có những đứa trẻ đang ở ngoài mặt trận cùng cha mẹ và rồi cha mẹ họ bị bắn, vậy tại sao chúng tôi lại không tới đó để giúp đỡ các bạn ấy?”.

Mỗi khi một nhóm đông người bị thương được đưa vào bệnh xá, trong lúc chị Karen Eubank lau chùi máu trên sàn nhà thì Sahale và các tình nguyện viên khác hối hả hỗ trợ các y bác sĩ khác của Iraq để cứu chữa cho họ.

Hiện tại gia đình ông Eubank đã trở lại Mỹ và đang nghỉ một thời gian tại bang Washington. Tuy nhiên cả nhà đã lên kế hoạch trở lại Iraq.

Cũng theo Đài CBS, bé gái được ông Eubank cứu sống dưới mưa đạn đã được một vị tướng Iraq nhận làm con nuôi.

Sau 10 năm tham gia lực lượng đặc nhiệm của quân đội Mỹ, năm 1992 ông David Eubank rời quân ngũ. Cùng với vợ con, ông Eubank thường xuyên qua lại Myanmar.

Năm 1997 ông thành lập Tổ chức Free Burma Rangers (FBR), một nhóm cứu trợ nhân đạo chuyên hỗ trợ thuốc men, nhu yếu phẩm và các cứu trợ nhân đạo khác tới các vùng dân cư xa xôi, hẻo lánh mà các tổ chức từ thiện khác không tới được.

Nhưng hai năm qua, FBR đã chuyển phạm vi tập trung hoạt động của họ tới Mosul, nơi tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS vẫn đang giằng co với quân đội Chính phủ Iraq để giành quyền kiểm soát thành phố.

Khi tới Mosul, theo chị Hosanna Valentine (37 tuổi) - một thành viên lâu năm của FBR, điều đầu tiên ông Eubank làm là xin lỗi người dân địa phương vì những điều nước Mỹ đã làm ở đây.

Với ông, không phải mọi điều quân đội Mỹ làm tại đó là sai, nhưng có một vài điều trong đó không đúng.

Chị Hosanna Valentine nói: “Chúng tôi đến đây và giúp đỡ mọi người không phải với mong muốn có được quyền kiểm soát hay sử dụng các tài nguyên. Nếu bạn hành động vì tình yêu, điều đó sẽ làm thay đổi cuộc sống”.

D.KIM THOA (tổng hợp từ báo Mỹ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên