23/04/2017 14:56 GMT+7

Kỳ tích tình yêu

MINH TÂM
MINH TÂM

TTO - 10 năm trước, từ lời hứa hôn của cha mẹ, chị Nguyễn Thị Chúc và anh Trần Thanh Mộng (Vị Thủy, Hậu Giang) nên nghĩa vợ chồng. Và người vợ của cuộc hôn ước ấy đã làm nên kỳ tích: giúp chồng từ chỗ nằm liệt sau tai nạn, nay tự chống nạng đi lại...

Chị Chúc, anh Mộng đã trải qua hàng tháng trời vất vả, và cả nước mắt để anh có thể tự ngồi, tự đi với nạng như hôm nay - Ảnh: Minh Tâm
Chị Chúc, anh Mộng đã trải qua hàng tháng trời vất vả, và cả nước mắt để anh có thể tự ngồi, tự đi với nạng như hôm nay - Ảnh: Minh Tâm

Khi mới cưới nhau, chị 20 tuổi, còn anh 24 tuổi. Chồng làm thợ hồ, còn vợ bắt ốc, làm thuê. Hai đứa con lần lượt chào đời, cuộc sống tuy chật vật nhưng đầm ấm.

Hoạn nạn

Cứ tưởng niềm hạnh phúc đơn sơ bình yên trôi, nhưng bất hạnh bất ngờ ập xuống khi vào một ngày định mệnh năm 2015, trong lúc làm phụ hồ, anh bất cẩn té từ trên giàn giáo rơi xuống đất bất tỉnh. Lúc ấy chị đang làm thuê, hay hung tin, chị cùng người thân hộc tốc đưa anh đến bệnh viện.

Bác sĩ chẩn đoán anh bị gãy xương sống, giập tủy. Hai tháng đầu anh nằm viện, với chị là những ngày tháng kinh hoàng, bởi anh vẫn trong nguy kịch, không nói được phải gắn ống thở. Rồi khi tính mạng anh qua cơn nguy hiểm, chị lại đối diện với thực tế khác cũng khốc liệt không kém. Đó là chứng kiến cảnh anh bị stress nặng, bởi chấn thương khiến đôi chân anh bị liệt hoàn toàn.

Chị động viên, an ủi chồng nhưng dạ chị cũng rối bời bởi: “Bấy lâu nay anh là trụ cột gia đình. Làm liền tay không nghỉ, giờ nằm một chỗ, làm sao chịu nổi. Và còn bởi, hồi nào giờ hai vợ chồng cùng làm mới đủ lo cho hai con ăn học. Nay chỉ còn mình ên, liệu có kham nổi?”. Nghĩ tới đó, chị rùng mình nhưng cố động viên phải vững tinh thần còn lo cho chồng con.

Sát cánh bên chồng

Để cứu đôi chân của chồng, chị nghĩ: đứa trẻ tập bò, tập đứng, tập đi thế nào, mình cứ tập y chang như vậy bởi biết đâu may mắn sẽ xuất hiện, còn hơn để anh nằm như vầy hoài, chắc suốt đời gắn luôn với giường bệnh.

Hai vợ chồng bàn nhau, trước hết chồng phải tập ngồi, bằng cách chị đỡ anh từ từ ngồi dậy.

Phần anh lúc đầu mỗi lần rướn người là đau thấu óc, nhưng nghĩ đến vợ và hai con, nghĩ đến cảnh nếu anh buông xuôi sẽ vĩnh viễn thành người tàn phế nên anh cố gồng sức, nắm hai thanh vịn, cắn răng ráng chịu đau rướn người theo.

Mỗi ngày tập 5-10 lần như vậy. Khi anh ngồi vững, chị buông tay. Ròng rã 4 tháng trời, anh tự ngồi dậy được.

Căng nhất vẫn là tập đi. Anh chia sẻ: “Muốn đi được thì đôi chân phải cử động được. Đằng này, đôi chân tôi lúc đó bị liệt hoàn toàn, thậm chí các ngón chân co vô duỗi ra cũng không được”.

Chị nghĩ ra cách kêu anh đạp máy may. Lúc đầu anh nhấc chân lên không nổi, bởi không có lực và do mỗi lần nhích bàn chân lên đau thấu trời. Chị phải nâng bàn đạp lên để anh có trớn.

Đến khi anh đạp máy may được, chị bày kế cho anh đạp xe đạp. Chị đứng vịn cho xe đứng yên một chỗ để anh đạp tới đạp lui. Vậy là thêm 3 tháng tập nữa, anh đạp bàn đạp dù lực vẫn còn yếu...

Kế đến, anh tập bò. Mỗi buổi chiều, chị đẩy anh trên xe lăn ra sân dạo, rồi chị nâng cho anh đu cửa sổ, xong, chị bợ anh xuống xe lăn, đến khi anh tự đu lên cửa sổ, chị đẩy xe lăn ra xa, anh phải tự mình thả người đứng xuống, rồi bò đến xe lăn.

Cứ kiên nhẫn từng chút như vậy, đến 4 tháng sau, anh bò được. Hai vợ chồng ôm nhau, trên má lăn dài những giọt nước mắt hạnh phúc.

Những bước đi nghị lực

Sau đó, đến chuyện tập đi. Chị nhớ lại: lúc đó phải 2 người kèm anh, chị đi trước, anh vịn vào vai vợ, phía sau là cha chồng để đỡ anh nếu anh té. "Ảnh y như đứa trẻ mới tập đi, những bước chân loạng choạng. Khi lấy lại thăng bằng, anh đi tiếp. Anh nói với tôi đi bước nào là đau chảy nước mắt bước đó, nhưng nghĩ đến cảnh một mình vợ vừa vất vả kiếm sống, vừa phải lo chăm sóc chồng nên ráng cắn răng chịu đau".

Chị làm lan can khắp nhà, khắp sân, xuống tận cả bờ sông để anh vịn vô đó tập đi. Và khi anh vịn lan can đi thạo thì anh có thể tự mình vệ sinh cá nhân và giúp vợ chuyện cơm nước. Rồi anh từ từ bỏ lan can và dùng cặp nạng thay thế.

Hai năm dài, bàn tay thô ráp ấm áp kiên nhẫn của người vợ, cộng thêm nỗ lực của người chồng đã khiến điều kỳ diệu xảy ra khi đôi chân tưởng chừng bị liệt vĩnh viễn của anh đã có những phản hồi tích cực. Anh thổ lộ: “Nếu không có vợ chắc tôi nằm liệt một chỗ cả đời. Tôi cảm ơn bà xã nhiều lắm...”.

Chị cũng thú thật có những lúc rơi vào mệt mỏi, bế tắc nhưng sau đó lại đứng dậy bởi “mình phải cố giúp mình, nếu mình không giúp mình thì không ai giúp được”. Giờ họ vẫn đang tính toán, chị đang cố làm, tiện tặn, chắt mót sắm cho anh xe máy ba bánh dành cho người khuyết tật để anh đi bán vé số. Anh tâm sự: “Vừa kiếm tiền tiếp vợ vừa có thể đưa đón hai con đi học”.

Ngoài việc được chủ thầu hỗ trợ một số tiền, chị Nguyễn Thị Chúc đã gom góp hết tiền bạc vợ chồng cắc củm 10 năm, rồi phải vay mượn thêm để đưa anh đến bệnh viện chữa trị hết đợt này đến đợt khác. Vì vậy sau mấy tháng trời nằm viện, nhà lâm cảnh nợ nần.

Lúc đó, chị như con thoi khi vừa quần quật mưu sinh vừa lo cho chồng. Một ngày của chị bắt đầu từ 4h sáng, rồi sau bữa cơm chiều, 7h tối tập chồng đi đứng, xoa bóp đôi chân teo tóp của chồng. 8h tối chị lại tranh thủ đi bắt ốc...

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên