16/04/2017 15:48 GMT+7

Tận cùng đau khổ, tận cùng yêu thương với người chồng điên

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Bao nhiêu năm lấy anh là chừng ấy thời gian chị chăm sóc mẹ chồng mù lòa, cha chồng tật nguyền và người chồng bị tâm thần sau một cơn nạn.

Chị Vạn (thứ 2 từ phải sang) canh cánh mong muốn đưa chồng đi chữa bệnh mà chưa thành - Ảnh: Trần Mai
Chị Vạn (thứ 2 từ phải sang) canh cánh mong muốn đưa chồng đi chữa bệnh mà chưa thành - Ảnh: Trần Mai

Chị tên Nguyễn Thị Vạn, 42 tuổi, thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi. Anh Nguyễn Lân (46 tuổi), chồng chị, từng là một thanh niên làng chài khỏe mạnh 19 năm trước.

“Vạn” niềm đau

Chị Vạn bây giờ khác với cô gái xinh đẹp năm xưa, khuôn mặt sạm đầy nếp nhăn, mái tóc đen tuyền ngày đó giờ cũng đen nhưng đó là màu của thuốc nhuộm, còn tóc chị đã bạc trắng từ lâu.

“Lần đầu tôi gặp anh lúc tàu vào cửa biển Mỹ Á (quê chị, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi), mấy anh ngư dân trạc tuổi chọc ghẹo bọn con gái chúng tôi, duy chỉ có anh ngồi im lặng trên tàu, tôi thấy lạ, hỏi thì chủ tàu nói đó là Lân, mẹ cha đều khuyết tật. Biết hoàn cảnh của anh nên tôi quý anh”, chị Vạn kể.

Chị thương anh, xin được về làm vợ, gia đình biết chuyện cấm ngăn bởi chẳng ai muốn con gái mình lại gắn đời vào gia cảnh khốn cùng như thế. Nhưng chị kiên quyết chọn anh. Tuổi 22, Vạn trở thành vợ Lân trong đám cưới sơ sài ở làng chài nghèo An Vĩnh.

Niềm vui lớn khi một mầm sống lớn dần trong bụng chị. Mỗi ngày, anh đi biển chị ở nhà đan lưới thuê. Nhưng ngày vui ngắn ngủi mà đời buồn thì quá dài.

Một lần uống rượu cùng bạn trong phiên biển trúng lớn, anh ngủ, ngã từ giường xuống đất rồi từ đó chẳng còn ai nhận ra anh Lân hiền lành nữa.

Ngày chị vượt cạn, cũng là lần duy nhất từ ngày anh phát bệnh, chị Vạn thấy chồng tỉnh táo đến thế. “Anh nắm tay tôi mãi cho đến khi đứa con ra đời, nhìn con cười rồi vô thức trở lại”, chị Vạn tâm sự.

Thân cò tần tảo

Chị nói cuộc sống của vợ chồng mình rất khổ, nhiều lúc nghe người ta nói bỏ nhà dẫn con đi cho sướng, chị cũng muốn buông xuôi nhưng nhìn gia đình chị tự an ủi mình. “Lúc khỏe mạnh thương yêu, giờ bệnh hoạn bỏ cho ai”, chị cười mà đôi mắt đỏ hoe.

Năm 1999, túp lều tranh không còn sau một lần anh Lân lên cơn. Vay mượn, chị xây được căn nhà gạch tô vôi làm chốn đi về.

Bà Nguyễn Thị Củ (90 tuổi, mẹ chồng) ngồi nghe chị kể cũng rớt nước mắt: “Sinh bé Tâm - Nguyễn Thị Thu Tâm, con gái út chị Vạn - được một tháng con Vạn phải cõng con đi mót cá ngoài bến cảng. Vì mới sinh gặp phải gió nên ngất xỉu, hai mẹ con rớt xuống nước, may có mấy người thấy vớt lên chuyển đi viện cấp cứu...”.

Ngồi bên cạnh vợ, anh Lân tỉnh hơn mọi ngày. Bé Tâm hay bị ba đánh. Chị Vạn ôm đứa con gái vào lòng khóc rấm rứt: “Tôi suốt ngày đi làm, mỗi lần ảnh lên cơn là đánh con”.

Mỗi ngày, chị đều quần quật ngoài bến cá làm thuê, tối đến lại vào lò hấp cá chạy chợ từng bữa. Chị không thấy khổ bởi điều ấy, thứ làm chị lo lắng nhất là ngày nào cũng phải đi tìm anh khi anh không tỉnh trí.

Bữa cơm miền biển chẳng có gì ngoài đĩa cá kho và tô canh rau. Chị ngồi giữa, hai bên là chồng và mẹ, hết bỏ thức ăn bên này lại tới bên kia. Anh Lân cắm cúi ăn, chốc chốc chị nhắc: “Anh ăn chậm thôi kẻo đổ”.

Nhiều lần chị Vạn muốn đưa chồng đi chữa bệnh nhưng không có tiền để chạy chữa cho anh dài ngày được.

“Tôi chỉ hi vọng nơi nào đó có thể chữa bệnh cho anh, để có thể nhận ra vợ con. Đứa lớn đã nghỉ học đi làm em nuôi (nấu ăn trên tàu cá), chỉ còn bé út là tương lai của cả nhà”, chị khóc.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên