16/04/2017 15:54 GMT+7

Ngựa non háu đá… thì đã sao?

PHƯƠNG LAN
PHƯƠNG LAN

TTO - ​Trẻ tuổi mới lớn mà yêu cầu làm gì cũng thận trọng, cân nhắc là một đòi hỏi không dễ với trẻ. Nên chăng, phụ huynh có thể để trẻ tự trưởng thành hơn bằng cách cho trẻ cơ hội trải nghiệm?

Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần


Không nông nổi… làm sao học cách thành công?

​Hà Xuân, 16 tuổi, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM, chia sẻ với chúng tôi em cùng nhóm bạn lập nhóm giao hàng trong ngày thứ 7, chủ nhật để kiếm thêm thu nhập.

"Công việc tiến triển khá tốt, nhưng hầu hết phụ huynh chỉ muốn tụi em tập trung học tập. Cha mẹ nói tụi em làm mấy bữa là chán thôi. Tại sao người lớn lại quan niệm con cái hành động tùy hứng, quyết định nhanh chóng và buông xuôi dễ dàng?”.

Trước khi hành động, trẻ có thể nôn nóng và hiếu thắng. Thậm chí trẻ còn cảm nhận được nỗi lo lắng về sự thất bại của mình, nhưng trẻ chủ quan và xem thường cảm giác đó.

Trẻ không quan tâm, không để ý đến cảm giác lo sợ hay khó chịu của người khác trước hành động của mình. Vì thế, có thể trẻ sẽ không tránh khỏi vấp váp. Song, “mỗi lần vấp là một lần bớt dại”, cha mẹ nên tận dụng cơ hội này để giúp con trẻ trưởng thành hơn.

​Giúp con bớt tính bốc đồng

Một số gợi ý sau có thể giúp cho phụ huynh những phương cách uốn nắn con một cách thực tế:

- Sẵn sàng tiếp nhận ý kiến: Đừng để trẻ “tự bơi” với những ý tưởng “táo bạo”. Tiếp nhận ý kiến của con là cách thấu hiểu con hơn. Nên tôn trọng ý kiến của trẻ. Không nên cho rằng “con còn vắt mũi chưa sạch” hay “biết gì mà làm”… dễ khiến con trẻ bị tổn thương và bất chấp làm liều.

- Cùng lập kế hoạch: Cha mẹ nên cùng con lập kế hoạch cụ thể, càng chi tiết, rõ ràng càng tốt. Để cho trẻ tự lường hết các tình huống có thể xảy ra, đề ra các phương án giải quyết. Sau đó sẽ dần dần thực hiện từng bước nhỏ và biết chờ đợi, kiểm nghiệm.

Trong lúc hành động, cha mẹ khéo léo khích lệ và kết hợp phương pháp luyện tập tính kiên trì, nhẫn nại cho con. Ví dụ như chơi cờ, đọc sách, đi câu cá đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và sáng tạo...

- Biết cân nhắc, đánh giá: Giúp trẻ cân nhắc kỹ càng, chắc chắn trước khi hành động. “Nếu con quyết định làm việc đó nhưng thất bại thì con sẽ ra sao? Con đã chọn được phương pháp tốt nhất để hành động chưa?”.

Khi trẻ đưa ra ý tưởng của mình, cha mẹ không nên vội vàng chê bai, phản bác. Cha mẹ cùng trẻ làm rõ những khó khăn và thuận lợi, mạnh dạn nói với trẻ thấy cảm giác lo lắng hay sự tin tưởng của mình, nhằm khích lệ trẻ bộc lộ ý nghĩ và tâm trạng. Sẵn sàng góp ý để trẻ tự tin hơn với quyết định của mình.

Phải suy đi tính lại nhiều lần một quyết định nào đó để con trẻ thấy rằng người lớn làm gì cũng suy xét, tính toán một cách tỉ mỉ, thận trọng. Không có bài học nào hiệu quả bằng những kinh nghiệm mà chúng tự tích lũy.

- Kịp thời rút kinh nghiệm: Khi mong muốn khẳng định mình, trẻ có thể không thể tránh khỏi những sai lầm, thất bại. Để trẻ không buông xuôi, nản chí, cha mẹ cần giúp trẻ nhận ra những lỗi lầm của mình khi nóng vội.

Những đứa trẻ mới lớn thường trải qua một giai đoạn bốc đồng, nông nổi để trưởng thành. Cha mẹ đừng quá lo lắng vì điều đó. Thay vì vậy, cần đồng hành với con, giúp con điềm tĩnh và vững bước hơn cho những quyết định lớn sau này.

Trẻ “háu đá” thường quyết tâm để đạt được những mơ ước của mình. Do đó, chúng sẽ có nhiều cơ hội để nếm trải và tôi rèn bản thân. Cha mẹ nên xem đó là điều thuận lợi và tạo môi trường hỗ trợ kịp thời để trẻ trui rèn.

PHƯƠNG LAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên