16/10/2016 14:17 GMT+7

Họa sĩ của thôn làng

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Làng Thanh Tiên (Huế) đã được bình chọn là “Làng nghề yêu thích nhất Việt Nam năm 2015”. Và người làm sống lại nghề làm hoa giấy của làng này chính là họa sĩ Thân Văn Huy - một “báu vật sống” của làng.

Họa sĩ Thân Văn Huy hướng dẫn bà Rena Bitter - cựu tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM - làm hoa sen giấy - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Họa sĩ Thân Văn Huy hướng dẫn bà Rena Bitter - cựu tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM - làm hoa sen giấy - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Giờ đây hoa giấy Thanh Tiên đã được đặt trong những không gian sang trọng ở Huế, đã lên máy bay đi đến mọi miền. Nghệ thuật của Huy đã làm sống lại một nghề tưởng như sắp mất. Đó là công lao rất đáng trân trọng của Huy

Họa sĩ Đặng Mậu Tựu (ủy viên BCH Hội Mỹ thuật VN)

Về làng Thanh Tiên hỏi họa sĩ Thân Văn Huy là bất cứ người dân nào cũng sẵn sàng đưa bạn đến khu nhà vườn xưa có tên “Liên Hoa Thanh Tịnh viên” nằm bên bờ sông Hương. Ông họa sĩ đang ngồi làm hoa giấy một mình trong căn nhà rường bày đầy hoa và tranh.

Vài ba hôm, ngôi nhà vườn ấy lại rộn ràng du khách thập phương, bởi nơi đây đã là điểm đến của các tour du lịch làng nghề xứ Huế.

Giấc mơ sen

Làng Thanh Tiên ở ngoại ô Huế, nằm bên bờ hữu ngạn sông Hương về phía cuối nguồn. Đây là nơi trồng hoa tết nhưng lại nổi tiếng với sản phẩm hoa làm bằng giấy. Tháng chạp, dân làng trở thành nghệ nhân và cả làng rợp trời hoa.

Buổi sáng, những chiếc đò ngang qua sông Hương trong sương mờ chở theo những cây hoa lên phố. Nhưng đó là hình ảnh thơ mộng của vài mươi năm về trước.

Vào khoảng đầu thập niên 2000, làng hoa giấy truyền thống ấy chỉ còn lác đác vài người làm hoa, quanh quẩn với vài mẫu cũ kỹ hoa cúc, hướng dương để cúng trên bàn thờ. Nghề hoa giấy Thanh Tiên ngắc ngoải trước nguy cơ thất truyền!

Là đứa con của làng hoa Thanh Tiên, lại là người làm nghệ thuật nên họa sĩ Thân Văn Huy hiểu rất rõ cái giá của sự mất mát này.

Nhưng ông cũng nhận ra rằng nếu vẫn chỉ quanh quẩn với những mẫu mã đơn điệu ấy thì hoa giấy Thanh Tiên sẽ khó có chỗ trên thị trường đầy ắp hàng hoa, nhất là hoa nhựa Trung Quốc đang lấn át.

Thế rồi một đêm ông nằm mơ thấy những bông hoa sen giấy. Nó khác hẳn với hoa sen giấy mà họa sĩ Huy từng nhìn thấy ông nội mình và dân làng làm ra (các bông sen giấy đó đơn giản và đã mất dạng từ 50 năm trước).

Thân Văn Huy quyết tâm tái sinh nghề hoa giấy của làng bằng cách tạo ra một mẫu hoa sen mà ông đã gặp trong giấc mơ. “Tôi cảm nhận như mình được chọn để làm việc này!” - ông nói.

Hoa giấy làng tôi sống lại rồi!

Sau khi hoàn thiện mẫu thiết kế, hoàn chỉnh các kỹ thuật chế tác hoa sen giấy từ khâu vót tre tạo cành hoa, gấp giấy tạo cánh hoa, nhuộm màu hoa cho đến khi bông sen nở lung linh trên bình gốm, họa sĩ Huy liền bắt tay vào việc truyền nghề cho dân làng.

Ông đặc biệt chú trọng dạy nghề cho thanh niên - những người chủ tương lai của làng Thanh Tiên. Cứ đến khoảng đầu buổi tối, ngôi nhà vắng lặng của ông lại râm ran tiếng cười nói của những bạn trẻ trong làng. Họ đến nhận nguyên liệu và giao sản phẩm đã làm.

Ông nhận hoa của họ, hoàn chỉnh sản phẩm rồi đưa lên các cửa hàng lưu niệm ở thành phố Huế và sân bay Phú Bài để bán cho du khách.

Không chỉ du khách, mà cả người dân Huế cũng rất ngạc nhiên khi nhìn thấy những bông sen giấy đẹp mê hồn được chế tác công phu, điệu nghệ trên tay của người đi chơi làng Thanh Tiên mua về. Lúc đó vào khoảng đầu thập niên 2000.

Bông sen giấy Thanh Tiên bắt đầu xuất hiện nhiều ở phòng khách các gia đình Huế, các quán cà phê rồi trở thành món quà Huế của du khách. Người ta mua hoa sen giấy Thanh Tiên để tặng trong lễ mừng nhà mới, gửi sang tận Mỹ, Pháp làm quà cho người thân.

“Hoa giấy làng tôi sống lại rồi!” - Thân Văn Huy sung sướng thốt lên và cho hay đây là một việc lớn trong đời mà ông đã làm được.

Kể từ khi nghề làm hoa giấy sống lại, làng Thanh Tiên trở thành điểm đến của các tour du lịch. Du khách đến chơi được ông họa sĩ và dân làng hướng dẫn làm hoa sen từ xếp giấy đến khi hoàn tất. Những bông sen kỷ niệm đó đã theo khách về tận châu Âu, Bắc Mỹ hay Tây Á.

Trong hành trang rời Việt Nam sau khi mãn nhiệm hồi đầu tháng 9 2016, bà Rena Bitter - cựu tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM - cũng mang theo những bông sen giấy do bà tự tay làm dưới sự hướng dẫn của Thân Văn Huy.

“Họa sĩ thôn làng”

Tôi về lại làng Thanh Tiên, ghé vào một cơ sở hoa giấy đầu làng, hóa ra ông chủ Thân Đình Diệu là người bà con của ông Huy. Bà Phan Thị Thanh - vợ ông Diệu - đang xếp hoa sen vào thùng giấy để chuẩn bị đưa ra sân bay gửi hàng cho khách hàng ở Sài Gòn, Hà Nội. Bà Thanh nói hàng hoa của làng gửi đi bán khắp nước.

“Nghề ni có từ xưa, đến đời ông gia (bố chồng) tui thì không làm nữa. Tưởng là chết nghề nhưng chừ thì sống lại rồi, chính là nhờ anh Huy. Dân làng quý và biết ơn anh nhiều lắm. Anh Huy đã tạo lại tiếng tăm cho làng!” - bà Thanh nói.

Festival Huế 2006, Thân Văn Huy đã biến khu vườn nhà mình thành một tác phẩm sắp đặt bằng hoa sen cùng các loại hoa giấy một thuở của làng Thanh Tiên. Du khách và người Huế nườm nượp kéo về xem “Sắc màu Thanh Tiên”.

Hoa nở khắp vườn, nở từ cổng nhà đón khách, nở trên bancông chỗ khách ngồi uống trà, nở trên chiếc ao sau vườn... Kết thúc festival năm đó, chính quyền huyện Phú Vang đã “khen ông Thân Văn Huy - họa sĩ thôn Thanh Tiên”.

Từ đó, Thân Văn Huy được bạn bè gọi bằng cái tên dân dã “họa sĩ thôn”. Và cũng từ đó, cứ đến mùa Festival Huế thì làng Thanh Tiên và khu vườn Liên Hoa Thanh Tịnh của Thân Văn Huy trở thành một tụ điểm nghệ thuật hấp dẫn du khách.

Tâm an tịnh hoa sen mới đẹp

Ghé thăm ông họa sĩ lúc trời chiều đã bảng lảng, khu vườn xanh mướt bên bờ sông Hương đã trở lại vắng lặng sau một ngày rộn ràng du khách. Ông họa sĩ với trang phục trắng tinh khiết đang ngồi lặng ngắm hoa sen.

Để làm ra bông sen đó, Thân Văn Huy đã kế thừa kỹ thuật xếp gấp cánh hoa truyền thống của làng, đồng thời sáng tạo các kỹ thuật mới bằng năng khiếu tạo hình của một họa sĩ cộng với kinh nghiệm của mấy chục năm trai trẻ kiếm sống bằng nghề in lụa, thiết kế mộc mỹ nghệ...

Họa sĩ Huy kể rằng khi làm hoa sen, ông thường niệm kinh Phật. Hoa sen là biểu tượng của Phật giáo, là tâm thanh tịnh, vô nhiễm, là sự viên mãn của giác ngộ.

“Làm bông hoa không khó, nhưng để có bông hoa đẹp thì phải chú tâm và trì chí. Tâm an tịnh thì hoa sen mới đẹp” - họa sĩ nói.

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên