04/09/2016 08:48 GMT+7

Niềm hi vọng của Lê Minh Châu

 UYÊN TRINH
UYÊN TRINH

TTO - Gặp Lê Minh Châu sau chuyến trở về từ Mỹ tham dự hội nghị của Liên Hiệp Quốc, ánh mắt và nụ cười ấy vẫn còn lấp lánh niềm tự hào.

Lê Minh Châu - Ảnh: U.T.
Lê Minh Châu - Ảnh: U.T.

“Châu là nạn nhân chất độc da cam nhưng anh có thể đạt được giấc mơ trở thành nghệ sĩ bằng cách vẽ bằng miệng

Đại sứ NGUYỄN PHƯƠNG NGA

Lê Minh Châu là người khuyết tật đầu tiên của Việt Nam tham gia kỳ họp thứ 9 “Công ước về quyền của người khuyết tật” tại Liên Hiệp Quốc diễn ra ở New York cuối tháng 6 vừa qua. Châu cũng là nhân vật chính của bộ phim Chau, beyond the lines, được đề cử nằm trong top 5 “Giải Oscar cho phim tài liệu ngắn hay nhất” năm 2016.

Hành trình bi kịch

Tiếp tôi trong căn phòng trên đường Phan Văn Trị (quận 5, TP.HCM), Châu niềm nở giới thiệu phòng tranh đã được hoàn thành sau chuyến trở về từ Mỹ. Phòng trưng bày những tác phẩm và bức tranh đang vẽ dở đêm qua cùng những tuýp màu, cọ vẽ ngang dọc trên khay. Bức tranh vẽ ca sĩ Nguyên Nhung vẫn là thứ cuốn hút tôi mỗi khi bước vào nơi này.

Cứ ngỡ mình đứng trước một con người bằng xương bằng thịt, lúc thì ngỡ một ảnh nghệ thuật mà nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp nào đó chụp được. Nhưng không, đó là những nét vẽ sinh động, họa hình chân thực suốt 10 đêm thức trắng của Châu.

Những dòng chữ tiếng Anh trên bảng khiến tôi thắc mắc. Anh cười đáp: “Hai năm nữa, tôi rời Việt Nam rồi”. Thì ra Châu vừa được học bổng 5 năm ngành mỹ thuật của một trường đại học ở New York, nên giờ đang ôn thi Toefl. “Được qua Mỹ học mỹ thuật thật là một điều may mắn. Qua đó, Châu sẽ vừa học, vừa làm, vừa sáng tác tranh kiếm tiền” - Châu chia sẻ.

Lê Minh Châu, sinh năm 1991, là nạn nhân của chất độc da cam, chân tay tong teo. Sáu tháng tuổi, Châu được gửi vào làng Hòa Bình của Bệnh viện Từ Dũ. Đó là nơi mà Châu luôn biết ơn, nơi đã ươm mầm giấc mơ hội họa, để có được một Lê Minh Châu của ngày hôm nay. Đến lớp anh vẽ bằng tay, nhưng đêm về anh tập vẽ bằng miệng, vì anh nghĩ đôi bàn tay yếu dần đi, muốn được vẽ mãi thì không còn cách nào khác là phải tập vẽ bằng miệng.

“Có khi bị rách cả quai hàm vì cọ gãy, rồi đổ màu, có lần phải uống màu. Phải tập thời gian lâu lắm thì mới vẽ bằng miệng thuần thục được. Nhưng vì đó là đam mê của mình, bỏ không được, ngày nào không vẽ là buồn lắm” - anh kể.

26 tuổi, nặng 35kg, người Châu gầy nhom nhưng ai gặp cũng phải bất ngờ trước tốc độ của anh mặc dù phải di chuyển bằng hai gối. Hai đầu gối tróc hết da đến chai sạn, dính đầy đất cát, đen sì. Lên xuống cầu thang, anh dùng chân trái đẩy về trước rồi lấy thế để nhích chân phải tới, mọi thứ nhanh như tép. Mọi hoạt động hầu như anh đều dùng miệng. Dùng miệng gắp chiếc áo trong tủ, dùng miệng gắp cục sạc cho vào balô rồi choàng tay vào dây đeo thuần thục và nhanh tới mức khiến người đối diện bối rối.

Đôi tay yếu, Châu cố mở cửa tủ quần áo đến mấy lần mà không được, khung xương sườn trên cơ thể gầy nhom lộ ra. Đôi bàn tay tong teo phải làm giá đỡ cho chiếc điện thoại và phải cúi sát xuống mỗi khi có ai gọi đến.

Đôi mắt anh trầm buồn, giọng nói nhỏ hơn khi nhắc về những tháng ngày anh rời làng Hòa Bình. Năm ấy Châu 17 tuổi, về Đồng Nai sống ở một ngôi chùa, mọi thứ khó khăn, anh lại lặn lội lên Sài Gòn xin làm cho một xưởng giày dép rồi ông chủ không chấp nhận nữa. Châu lang thang sống ở dưới chân cầu Bông. Nhắc về những ngày lang bạt, Châu rơm rớm, nói rằng đó là thời gian không muốn nhắc lại vì nó đong đầy những kỷ niệm buồn của cuộc đời anh.

Châu kể: “Lúc đó mình chẳng biết phải đi đâu, nghĩ mình vô tích sự, chết đi cho xong. Trước mắt chỉ một màu đen tối cùng cực. Nhưng cũng may có người cô khuyên ngăn và đưa về Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ em mồ côi huyện Hóc Môn học nghề. Vào trung tâm tiếp tục học vẽ và là người có tranh sơn dầu được bán đầu tiên”.

Không người thân thiết, một mình tự lập giữa đất Sài Gòn, với người bình thường đã khó, với một người như Châu lại càng khó khăn hơn. Đôi mắt xa xăm nhớ về ngày mở phòng tranh, hai bàn tay trắng, phải mượn người anh 1,5 triệu đồng rồi bươn chải đủ thứ để duy trì phòng tranh. Khách hàng đầu tiên là một người Canada mua bức tranh đang vẽ với giá hơn 3 triệu đồng. Vị khách ấy vì yêu quý Việt Nam nên rất thích thú trước bức tranh Châu đang vẽ về đồng quê ở miền Tây.

Mỗi lần vẽ, Châu phải cắn chặt bút vẽ - Ảnh: U.T.
Mỗi lần vẽ, Châu phải cắn chặt bút vẽ - Ảnh: U.T.

Người của hi vọng

Châu đăng ký tham gia nhiều cuộc thi vẽ tranh và giành nhiều giải thưởng. Anh nằm trong top 3 tại các cuộc thi của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Nét vẽ xanh, cùng các cuộc thi khác tại TP.HCM. Để lại nhiều cảm xúc nhất với Châu là cuộc thi với chủ đề Chiến thắng nỗi đau được tổ chức quy mô cả nước. Mặc dù chỉ giành giải khuyến khích nhưng anh đã vẽ như chính nỗi đau anh trải qua, chính hi vọng về sự quan tâm của mọi người dành cho những đứa trẻ như mình.

Lê Minh Châu bây giờ đã là một họa sĩ được nhiều người biết đến. Anh là nhân vật chính của bộ phim được đề cử nằm trong top 5 giải Oscar Chau, beyond the lines của nữ đạo diễn Courtney Marsh.

Với Châu, đó là 8 năm đầy kỷ niệm, cũng là thời gian gắn kết hai con người xa lạ với nhau, và đã có lần nữ đạo diễn muốn từ bỏ bộ phim. Châu kể lúc về Đồng Nai, ở huyện không có mạng, Châu phải ra tỉnh gửi email cho Courtney Marsh.

Từng email động viên, chia sẻ mà đến giờ Châu vẫn nhớ như in, để đến tận bây giờ, nữ đạo diễn này là người bạn cực kỳ thân thiết với Châu, giúp Châu vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Chau, beyond the lines là bộ phim kể về cuộc đời Lê Minh Châu, một di sản còn lại của chiến tranh ở Việt Nam, vừa qua cũng đã được chiếu tại Liên Hiệp Quốc.

Cũng chính nữ đạo diễn Courtney Marsh là người giúp Châu vượt qua bỡ ngỡ ban đầu trên nước Mỹ. Courtney Marsh luôn cận kề bên Châu, luôn theo sát, quan tâm, giúp đỡ, dẫn Châu đi tham quan nhiều nơi.

Trong hội nghị vừa qua, anh cũng có buổi triển lãm và bán đấu giá 11 bức tranh tại New York. “Châu là nạn nhân chất độc da cam nhưng anh có thể đạt được giấc mơ trở thành nghệ sĩ bằng cách vẽ bằng miệng” - đại sứ Nguyễn Phương Nga, trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, đã giới thiệu về Châu như thế trong hội nghị ngày 14-6-2016.

Đại diện quốc gia

Ngày đầu tiên, khi được đại sứ Nguyễn Phương Nga giới thiệu với đại diện hơn 100 quốc gia tham dự hội nghị, Châu vừa vui vừa hồi hộp nhưng đầy tự hào khi đón tất cả những ánh mắt đổ dồn về phía mình. Sự hãnh diện và vinh dự ấy khiến Châu luôn nở nụ cười niềm nở suốt hội nghị, căn dặn mình phải thể hiện thật chuyên nghiệp để tô đẹp cho sự kiêu hãnh của một đại diện Việt Nam.

Châu kể bằng giọng chất chứa đầy nỗi nhớ về những địa danh, những món ăn được thưởng thức trên nước Mỹ, về những người Châu được tiếp xúc, học hỏi. Điều làm anh xúc động nhất là sự thân thiện của đại sứ Nguyễn Phương Nga, dù giữa nơi đất khách quê người nhưng tình cảm của đại sứ với Châu làm Châu chưa bao giờ cảm thấy đơn độc. “Đại sứ dặn mình về Việt Nam cố gắng hơn nữa, cố gắng giữ gìn sức khỏe và cố gắng làm tất cả những gì có thể để không hối tiếc”, Châu nói.

Với Châu, đây là một chuyến đi đầy ý nghĩa khi Châu là nạn nhân da cam đầu tiên của Việt Nam có tiếng nói tại hội nghị của các bên tham gia Công ước về quyền của người khuyết tật lần thứ 9. Chuyến đi còn cho anh gặp gỡ những họa sĩ nổi tiếng, có thêm nhiều bạn bè trên thế giới. Mang niềm vinh dự đó, Lê Minh Châu hi vọng sẽ có người thứ hai, thứ ba... của Việt Nam tham dự hội nghị Công ước về quyền của người khuyết tật.

UYÊN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên