14/08/2016 10:03 GMT+7

Bỏ làm thầy, đi trồng lúa

THƯƠNG HOÀNG
THƯƠNG HOÀNG

TTO - Anh Hai “kỹ sư lúa” là cái tên mà người dân vùng Rạch Bà Mười đã đặt cho ông Nguyễn Thanh Liêm, ngoài 50 tuổi.

Ông “kỹ sư lúa” Hai Liêm trong kho lúa giống của mình - Ảnh: T.H.
Ông “kỹ sư lúa” Hai Liêm trong kho lúa giống của mình - Ảnh: T.H.

“Cho đến nay, Hai Liêm thực sự là nông dân sản xuất giỏi của Viện Lúa chúng tôi

Bà ĐẶNG THỊ THẮM (Viện Lúa ĐBSCL)

Từ một nông dân mạnh dạn thử nghiệm với 100kg lúa giống, ông đã làm nên thương hiệu của cuộc đời mình và là người đã ươm mầm lúa giống cho người dân vùng Rạch Bà Mười, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Vào khoảng năm 1983, lúc đó ông Hai Liêm là một giáo viên cấp I với khoản tiền lương “ba cọc ba đồng” không đủ sống nên ông quyết định nghỉ dạy về quê làm ruộng với gia đình.

Chuyển nghề

“Ông già tôi có ruộng nên tôi về làm ruộng chứ đi dạy sống không nổi” - đó là lý giải của ông khi nói về những ngày gắn bó với cây lúa.

Chăm chỉ, cần mẫn với ruộng đồng, năm 2000 ông được tham gia buổi hội thảo nông dân giỏi tại tỉnh, trong buổi hôm đó Hai Liêm tình cờ gặp một người bạn - chủ cơ sở kinh doanh lúa giống tại xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai. Người bạn đã gợi ý cho Hai Liêm về mô hình trồng lúa giống mang lại chất lượng và năng suất cao hơn.

Sau buổi hội thảo và từ câu nói của người bạn “không thể sống mãi với lúa lương thực”, ông về nhà trăn trở và nhen nhóm ý định trồng lúa giống. Lúc ấy ở xứ Rạch Bà Mười chưa một ai trồng lúa theo mô hình này nên đối với Hai Liêm quyết định đó giống như một sự thử thách chính mình.

Sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu và tham khảo ý kiến từ bạn bè, các chuyên gia lúa ở trạm khuyến nông, trại giống của huyện, vụ mùa đông xuân đầu tiên ông mua 100kg lúa giống OMCS 2000 (thuộc diện lúa ĐBSCL) trồng thử nghiệm, thời điểm đó loại giống này đang phát triển mạnh.

“Giá mua lúa giống cao hơn lúa lương thực từ 3.000 - 4.000 đồng. Đối với lúa lương thực, sạ không theo hàng thẳng lối, còn muốn làm lúa giống phải sạ lúa theo hàng. Vụ đầu bà con thấy lạ nên tới xem, ai cũng bảo tôi là ba láp” - ông Liêm cười hào sảng.

Sở dĩ, người dân nghĩ Hai Liêm ba láp - dở hơi vì từ trước tới nay không có ai trồng lúa giống cũng không có ai bỏ tiền ra mua lúa giống đắt tiền hơn để kéo thành từng hàng thưa trên cánh đồng.

Khác với trồng lúa lương thực, trồng lúa giống đòi hỏi nhiều kiến thức chuyên môn hơn từ việc chọn ruộng sản xuất, chăm sóc, kỹ thuật bón phân... Có gian khổ mới biết giá trị của sự nỗ lực, phấn đấu.

Những ngày đầu chập chững với mô hình sản xuất mới, Hai Liêm như một tờ giấy trắng vì không có kiến thức gì về lúa giống, ông hay lui tới Viện Lúa ĐBSCL và trại giống huyện để xin tài liệu, có gì không biết ông lại chạy đi hỏi.

“Hồi ấy tôi đọc và nghiên cứu tài liệu nhiều lắm, có bao nhiêu đọc bấy nhiêu, có gì không hiểu phải hỏi bằng được, cũng nhờ các kỹ sư ở viện lúa và trại giống hỗ trợ, động viên nên tôi quyết làm đến cùng” - Hai Liêm nói.

“Trời không phụ lòng người”, vụ mùa đầu tiên ông thu hoạch 9 tấn/hecta, bà con trồng lúa lương thực được 7 tấn/hecta. Thấy sản lượng, chất lượng cao, ông Liêm mướn thêm đất của bà con và tiếp tục trồng lúa giống.

Tạo lập thương hiệu

Năm 2011, ông bắt đầu đăng ký thương hiệu cơ sở cung cấp lúa giống Hai Liêm, kể từ lúc đó thương hiệu của ông được mọi người biết tới, người dân trong khu vực, cả những người từng nói ông là ba láp giờ đây cũng đã tin tưởng ông.

Được sự giúp đỡ, hướng dẫn tận tình của Hai Liêm, khu vực Rạch Bà Mười thời điểm đó mạnh dạn chuyển sang trồng lúa giống mua của Hai Liêm. Nhiều năm sau này, những trại giống nổi tiếng lần lượt ra đời đều học hỏi từ mô hình lúa giống của ông.

Những ngày đầu, thấy người dân khó khăn về tài chính, ông bán lúa giống trả chậm mà không thu lãi.

Gia đình ông Tư Tòng, là một trong số nhiều gia đình mua lúa trả chậm của Hai Liêm, cho biết: “Nhờ có anh Hai mà người dân trong vùng có đời sống kinh tế khấm khá hơn. Từ khi trồng lúa giống của ông Liêm, bà con được bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường. Mọi người ở đây quý ông Liêm bởi sự uy tín với bà con”.

Nhờ kinh nghiệm lâu năm, mỗi mùa vụ ông đều dự đoán được xu hướng thị trường lúa giống, từ đó sản xuất đáp ứng nhu cầu của người dân. Ở vụ mùa này, mặc dù trên cánh đồng lúa giống chỉ vừa mọc cao bằng gang tay nhưng nhiều bà con đã tới dặn mua trước.

Nhờ vốn kiến thức chuyên môn vững, lòng kiên trì, chịu khó, cho đến nay Hai Liêm chưa bao giờ thua lỗ nặng hay có bài học nào đắt giá để đời.

“Hiện nay thị trường lúa giống ngày càng phổ biến, nhiều cơ sở cạnh tranh nhau, mình gắn bó với bà con đã lâu nên phải nắm được nhu cầu để đoán được thị trường. Ví dụ giống lúa đang thịnh hành là OM2017, OM4900. Nếu có thất bại thì cũng không gục ngã được, năm nào thời tiết xấu không bán hết được lúa giống tôi mang bán lúa lương thực” - Hai Liêm nói.

Bà Đặng Thị Thắm, kỹ sư Viện Lúa ĐBSCL, là người đã từng gắn bó và chỉ dẫn cho Hai Liêm từ những ngày ông đang thử nghiệm trồng lúa giống cho đến nay.

Bà nói: “Sau các vụ mùa, Viện Lúa đều tổ chức buổi hội thảo về chọn lựa giống, mời các cán bộ và nông dân sản xuất giỏi ở nhiều tỉnh tới giao lưu trao đổi. Từ những buổi hội thảo này ông Hai Liêm lại được mở rộng thêm vốn kiến thức về lúa giống. Cho đến nay Hai Liêm thực sự là nông dân sản xuất giỏi của Viện Lúa chúng tôi”.

Năm 2012, ông Nguyễn Thanh Liêm nhận bằng khen của Ban chấp hành T.Ư Hội Nông dân Việt Nam về thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Năm 2014 nhận kỷ niệm chương của Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam.

16 năm gắn bó với mô hình trồng lúa giống, đến nay, mỗi năm cơ sở của Hai Liêm cung cấp hơn 1.000 tấn lúa giống ra thị trường, mở rộng thương hiệu ở các tỉnh, thành miền Tây với doanh thu trên 1 tỉ đồng.

THƯƠNG HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên