01/08/2015 09:30 GMT+7

Chuyện tình son sắt theo vòng xe lăn

KHOA NAM - NHƯ NGỌC
KHOA NAM - NHƯ NGỌC

TT - Căn phòng trọ 8m2 nằm hun hút cuối con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo không tài sản đáng giá nhưng ở đó lại lấp lánh một tình yêu tuy đơn sơ, giản dị nhưng son sắt thủy chung của hai cụ già nguyện gắn bó với nhau suốt đời.

Hằng đêm, cụ bà vẫn đẩy cụ ông đi bán vé số, vừa để mưu sinh vừa như đi dạo Ảnh: K.NAM
Hằng đêm, cụ bà vẫn đẩy cụ ông đi bán vé số, vừa để mưu sinh vừa như đi dạo - Ảnh: K.NAM

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, cũng chừng đó thời gian cụ ông nương tựa phận mình vào đôi vai cụ bà, tình cảm của họ lăn đều theo vòng xe lăn sớm tối đi về có nhau.

Đưa bàn tay nhăn nheo bóp nhẹ đôi chân teo nhỏ vì tai nạn cho chồng là cụ ông Võ Văn Năm (91 tuổi), cụ bà Trần Thị Huỗi (73 tuổi) kể lại chuyện tình đầy chông gai của mình mà giọng nhẹ nhàng như gió thoảng.

Thập niên 1970, cụ Huỗi khi đó đương tuổi xuân thì rời Châu Đốc (tỉnh An Giang) xuống Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) học nghề thợ may. Còn cụ ông Võ Văn Năm chạy xe tải đường dài chở cá từ Kiên Giang đi Sài Gòn. Hai người phải lòng nhau rồi nên duyên từ ấy.

Khoảng năm 1974, trong một lần cho xe xuống phà, ông Năm xuống xe bất cẩn bị xe khác chạy tới đụng mạnh vào người.

Sau đó là chuỗi ngày ông Năm phải nằm một chỗ trong Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) chữa trị. Đến khi ra viện, tài sản đã đội nón ra đi gần hết, hai chân ông Năm yếu dần rồi teo nhỏ không thể chạy xe.

“Hai vợ chồng gom góp vốn liếng ít ỏi còn lại mua một cái sạp trong chợ Bắc Sơn buôn bán rau cải, tạp hóa đắp đổi qua ngày” - cụ Huỗi kể.

Xen giữa câu chuyện của cụ Huỗi, thi thoảng ông Năm lại nhăn nheo khóe mắt cười cười rồi lấy khăn chặm lên đôi mắt già nua. Thấy ông Năm cười, cụ Huỗi cũng cười theo rồi trách móc đầy yêu thương: “Cười vậy chớ có nhớ gì nữa đâu, ổng già cả lụm cụm quên hết trơn rồi”.

Cụ Huỗi kể thêm bây giờ mỗi sáng cụ thức sớm nấu cho cụ ông chén cháo trắng ăn với chà bông, “ông dậy lúc nào thì dìu ra quán phía trước hẻm uống trà. Tới chiều ông thầu đem vé số tới giao thì nhận, trả tiền rồi đẩy xe đi bán với ổng. Bán từ 5g chiều tới 8-9g tối được hơn 100 vé.

Thời gian bán vé số cũng coi như đi dạo mát cho thư thả. Ngoài tiền bán vé số, hằng tháng phường cấp thêm cho tui với ổng 360.000 đồng tiền chế độ cho người cao tuổi, số tiền này tui dành đóng tiền nhà trọ, tiền điện, tiền nước.

Thỉnh thoảng ai cho gạo, mì thì để dành những hôm không bán vé số được đem ra ăn”.

Khi chúng tôi hỏi về những ý định cho chuỗi ngày sắp tới, cụ Huỗi cười âu yếm nhìn sang phía ông rồi đáp mà như tự nói với chính mình: “Tui tính tới chừng ổng theo ông bà thì tui hỏa táng, đem tro cốt ổng gửi vô chùa, tui cũng theo ổng vô đó sống hết quãng đời còn lại”.

Bây giờ cụ Huỗi chỉ mơ một mái nhà, dẫu là nhà lá, để sinh sống ổn định những ngày cuối đời. Nhưng theo ông Trần Hồng Nhạn - chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Vĩnh Lạc, TP Rạch Giá, hai vợ chồng ông Năm và bà Huỗi không thuộc diện được hỗ trợ nhà ở vì họ không có đất riêng.

Tuy nhiên, phường Vĩnh Lạc đã kết hợp với chi hội người cao tuổi khu phố 2 đặc biệt lưu ý, quan tâm hoàn cảnh này. Riêng cụ ông Võ Văn Năm được nhận tiền trợ cấp 180.000 đồng/tháng dành cho người cao tuổi và miễn 100% tiền bảo hiểm y tế hằng năm.

“Chúng tôi nhiều lần gợi ý gửi ông bà vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tại xã Mong Thọ (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) để được chăm sóc tốt hơn nhưng cả hai đều từ chối vì muốn được sống an nhàn, tự do bên ngoài, không muốn gò bó, phụ thuộc ai” - ông Nhạn nói.

KHOA NAM - NHƯ NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên