18/07/2015 10:53 GMT+7

Hôn nhân là chặng cuối của tình yêu!?

HỒNG HÀ
HỒNG HÀ

TT - Họ ra tòa ly hôn, chấm dứt gần bốn năm hôn nhân - kết quả của sáu năm tìm hiểu, yêu đương mặn nồng....

Hôn nhân là chặng đường dài cần vun đắp Ảnh: QUÂN NAM
Hôn nhân là chặng đường dài cần vun đắp - Ảnh: Quân Nam

Lý do thành vợ thành chồng thật đơn giản: vì yêu. Nhưng lý do chia tay thì rất nhiều...

Với Hương, người vợ, là do chồng vô lo, không biết chia sẻ với vợ con. Còn với Tuấn là vì vợ không còn hiền ngoan như ngày trước, đã trở thành một người khác. Trong lúc cãi vã, Hương có thể nhiếc móc anh thậm tệ khiến lòng tự trọng của anh bị tổn thương.

Ngày mới cưới, họ được ví như đôi chim câu, đi đâu cũng có nhau. Đúng vậy thật, vợ chồng làm việc gần nhau, sáng chở nhau đi, tối đón nhau về. Rồi khi con trai đầu lòng - cu Bin - chào đời, hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ như nhân đôi, nhân ba. Song bông hoa hạnh phúc chóng tàn bởi những cuộc cãi vã xuất hiện.

Vợ chồng nếm mùi vất vả của chuyện trông con nhỏ. Lúc đầu, những lời to tiếng xảy ra chỉ vì những lý do nhỏ như con khóc, con đau... Dần dần, Hương mất ngủ nhiều đêm sinh ra cáu gắt, bực bội. Chưa kể Tuấn làm cha rồi mà như thời trai trẻ, sáng dắt xe đi làm, tối về bế con chút chút rồi lăn ra ngủ, cùng lắm chỉ đi chợ, phụ vợ nấu bữa cơm đơn giản cho hai vợ chồng.

Mâu thuẫn thật sự xảy ra sau thời gian nghỉ hộ sản, do không có người trông con, lại không có điều kiện thuê người giúp việc, Hương nghe lời Tuấn nghỉ việc ở công ty để chăm sóc con. Một suất lương của Tuấn phải san sẻ ba, bảy đường nào tiền ăn, tiền nhà, tiền bỉm, sữa cho con... Vợ chồng Hương quay mòng trong tiền bạc.

Cuộc sống hôn nhân thay đổi quá nhanh và quá nhiều đến mức có lúc Hương thấy mình bị stress, cô không muốn cười, không muốn hỏi han, chia sẻ chuyện công việc của chồng như trước. Có một khoảng cách vô hình giữa vợ chồng đã nảy sinh và ngày càng lớn dần. Những cuộc cãi vã xảy ra ngày thường xuyên và nghiêm trọng hơn.

Tuấn không kịp đưa tiền mua sữa cho con, Tuấn đi làm không về kịp chở Hương đưa con đi viện, Tuấn không rửa chén, giặt đồ... tất cả đều thành lý do để Hương to tiếng, chỉ trích. Lời qua tiếng lại, một lần Hương không kiềm chế được đã hét vào mặt chồng anh là người ích kỷ, vô tích sự, không đáng mặt đàn ông để vợ con khổ sở, thiếu thốn.

Quá bất ngờ trước thái độ của vợ, Tuấn đã giáng một cái tát nảy lửa vào mặt Hương. Lòng tự trọng đàn ông trong Tuấn dấy lên, uất hờn đàn bà trong Hương ùa đến, không ai chịu ai. Sau giờ làm việc, Tuấn mệt mỏi khi nghĩ đến gương mặt lạnh lùng, nặng trịch của vợ mỗi lúc anh về nhà. Gia đình không còn là tổ ấm khi người đi không muốn về và người nhà không mong nhớ người đi.

Cái kết không có hậu đã đến khi một lần giữa họ xảy ra cãi vã và Tuấn không kiềm chế được lại vung tay đánh vợ. Sau ba lần hòa giải bất thành, tòa án ra bản án ly hôn, Hương được quyền nuôi con, Tuấn nhận quyền cấp dưỡng.

Dấu chấm hết trong hôn nhân của họ đến quá nhanh khiến ai cũng bất ngờ. Ở họ không có sự phản bội, không có sự xa cách làm nhạt nhòa, mà chỉ vì ít nhiều thiếu sự quan tâm, sẻ chia, sự nhường nhịn và kinh nghiệm sống mà họ đã đánh mất mái ấm. Giá như họ biết rằng cuộc sống đời thường ai cũng có lúc khó khăn và rồi khó khăn nào cũng sẽ qua nếu cả hai biết vun vén, san sẻ...

Chia tay

Chị bảo cuối cùng cũng nói được hai chữ ấy để chấm dứt cuộc hôn nhân dài gần bốn năm, có vui nhưng buồn nhiều. Chia tay là để chấm dứt những ngày giận hờn, cãi vã nhau vì những chuyện không đâu, vì những chuyện đôi khi rất nhỏ nhưng cái tôi của hai người lớn quá, thành ra không thể biến nó nhỏ hơn và coi như không.

Ngược lại, những chuyện “nhỏ như con thỏ” của anh chị như chuyện ai sẽ đưa đón con, cuối tuần đi đâu, ăn gì... cũng trở thành vấn đề lớn, rồi giận và tiếp tục “chiến tranh lạnh”.

Anh bảo chị sao dễ giận quá, nhưng anh đâu biết kiểu nói “xóc óc” của anh ai nghe cũng dễ bị tổn thương. Phụ nữ vốn thích dịu dàng, ngọt ngào thì dẫu anh có sai cũng “chín bỏ làm mười”.

Cái sai ai mà không có, nhưng nói về cái sai sao cho tế nhị, sao cho nghe vừa lòng người để tâm phục khẩu phục là chuyện khó, đòi hỏi người xử lý tình huống phải hiểu được người bạn đời của mình.

Chị biết tính anh hay nói to tiếng, nhưng chị vẫn cứ trách dù anh nói mà “ruột để ngoài da”, kiểu sa sả vậy chứ thương vợ, thương con... Biết vậy mà cứ có chuyện chị lại một hai quy kết cho anh cái “tội”: đàn ông gì mà ưa nạt nộ vợ con!

Rồi cu Bin sẽ thế nào? Tôi hỏi và chị bảo cả hai sẽ cùng lo, cùng chăm sóc cho con. Tụi chị quyết định chia tay nhưng không đi bước nữa vì cơ bản còn thương nhau, chỉ vì không hợp tính nhau lắm nên ở chung thường cãi vã, tốt nhất là chia tay để con cái không chứng kiến cảnh lục đục đó.

Rồi chị nói những người chia tay vì có thêm người thứ ba, thứ tư chen vào thì sẽ không chu toàn cho con, còn anh chị vì muốn tốt cho con mà chia tay nên sau này, thay vì để ý nhau từng chút rồi giận hờn (có lúc có cớ nhưng vô cớ cũng không ít) thì dành thời gian để ý dạy con sao cho ngoan.

Tôi nghe câu chuyện của chị, nghĩ đó cũng là tình yêu mà anh chị dành cho nhau, dành cho con, dẫu nhìn từ bên ngoài thì có vẻ như đổ vỡ, không trọn vẹn. Nhưng có lắng nghe từ bên trong mới thấy đó là quyết định để không phải đổ vỡ thêm, để có thể bình an mà sống tiếp, sống tốt vì mầm sống của anh chị đã gieo và có với nhau - đó là con trai.

LƯU ĐÌNH LONG

HỒNG HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên