23/05/2015 09:15 GMT+7

Cổ tích một chuyện tình

MINH TÂM
MINH TÂM

TT - Bà Nguyễn Thị Trang - phó chủ tịch phường 1, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu - chia sẻ rằng tấm lòng bà Nguyễn Thị Tuyền thật hiếm có.

Bà Tuyền đã tiếp thêm nghị lực cho chồng qua nhiều năm kiên trì, từ người nằm liệt một chỗ giờ có thể chống nạng tự đi... 

Hai vợ chồng nồng ấm bên nhau - Ảnh: Minh Tâm
Hai vợ chồng nồng ấm bên nhau - Ảnh: Minh Tâm

Năm 1985, ông Trịnh Thanh Phương lên đường làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia.

Duyên

Một ngày định mệnh năm 1987, trong trận chiến ác liệt ông chỉ kịp nghe tiếng nổ long trời rồi ngất lịm. Mở mắt thấy mình còn sống, nhưng đốt sống cổ bị thương khiến đôi chân không cử động được. Năm đó ông mới 21 tuổi.

Ông được đưa về quê nhà. Gia đình vốn đơn chiếc, ông là con trai đầu lòng, còn em gái út bấy giờ tuổi hãy còn quá nhỏ. Cha ông mất sớm nên việc mưu sinh dồn hết trên vai mẹ. Cuộc sống vô cùng khó khăn.

Bà tên Nguyễn Thị Tuyền, gần nhà ông. Bà mồ côi mẹ từ nhỏ, cha lại mù lòa nên đã sớm quang gánh tảo tần lo cho mấy đứa em. Mỗi khi sang nhà ông chơi thấy ông nằm liệt trên giường với đôi mắt buồn đau tuyệt vọng, rồi thấy người mẹ chăm sóc con trai hai mươi mấy tuổi đầu như chăm sóc đứa trẻ khiến lòng bà trào lên nỗi thương cảm. Vậy là những khi rảnh rỗi bà tới lui nhà ông để phụ chuyện cơm nước giặt giũ...

Sự quan tâm của bà làm ông xúc động nhưng nghĩ đến cảnh đời mình gói gọn trên chiếc giường khiến ông từ chối tình cảm của bà. Ông nhớ lại: “Tôi có thái độ “ba gai ba góc” để Tuyền giận đừng quan tâm đến tôi nữa...”.

Còn bà kể: “Lúc đó tôi chỉ nghĩ ảnh đang tuổi trai tráng mà nằm hoài một chỗ nên chán nản, bực bội, cáu gắt là chuyện đương nhiên. Thôi mình cứ nhịn ảnh, hễ ảnh cau có thì mình tránh đi nơi khác. Ảnh hết quạu mình lại sang chơi”.

Sự dịu dàng, kiên nhẫn của bà đã khiến ông không thể khước từ mãi. Còn bà chăm sóc ông riết nên tình cảm ngày càng sâu đậm. Thấy không thể sống thiếu nhau nên cả hai quyết định nên duyên chồng vợ...

Kỳ tích xuất hiện

Về làm vợ ông không bao lâu, bà đối mặt với một thực tế khắc nghiệt khác: vết thương trên người khiến ông không còn khả năng có con. Điều đó đồng nghĩa với việc bà mất đi cơ hội làm mẹ. Đau buồn nhưng bà tự nhủ: “Âu cũng là số phận. Thôi, cốt sao hai vợ chồng sống tình nghĩa đầm ấm có nhau”.

Bà động viên ông tập vật lý trị liệu. Lúc đầu bà nâng đầu ông lên, chêm gối để chồng quen dần. Sau đó ông tự dùng tay từ từ nhấc đầu lên. Rồi ông tập cử động nửa phần thân trên. Hai vợ chồng cứ kiên nhẫn từng chút, từng chút một, lần hồi ông tự nhấc mình ngồi dậy. Khỏi nói họ vui mừng đến cỡ nào. Và ông tiếp tục tập đi.

Ông vịn tay lần theo vách bước những bước yếu ớt. Bà theo sát bên cạnh, mỗi khi ông loạng choạng bà ôm hai bên hông ông giúp ông giữ thăng bằng. Sau đó ông tập dùng nạng để đi.

Ông bồi hồi: “Mỗi lần bước một bước là đau thấu óc khiến tôi chảy nước mắt. Vợ không ngừng động viên “ráng lên ông rồi sẽ đi được thôi”. Những lời động viên ấy đã giúp tôi có thêm niềm tin”.

Vậy đó, bằng sức mạnh của một trái tim đầy ắp thương yêu, bà tiếp thêm nghị lực cho chồng để qua ba năm kiên trì tập luyện, từ người nằm liệt một chỗ, giờ ông có thể chống nạng tự đi được, nắm tay vợ cùng đi tiếp trên quãng đường dài yêu thương...

Cứ vậy suốt 24 năm qua, ông và bà bên nhau như hình với bóng. Kinh tế dần dễ thở hơn khi lương thương binh hằng tháng của ông ổn định. Ông bà được đền bù một nền tái định cư. Các ban ngành hỗ trợ cộng thêm với vay mượn người thân, ông bà đã có một căn nhà tường khá tươm tất. Hạnh phúc ngày càng tròn đầy hơn khi con nuôi - cũng là đứa cháu - ngoan hiền, chịu khó học hành.

Nghĩa tình vợ chồng nghèo

Ngày bà về làm dâu cũng là lúc sức khỏe mẹ chồng đổ dốc. Bấy giờ số tiền trợ cấp thương binh của ông rất ít. Vì vậy bà phải lo miếng ăn cho cả gia đình bằng nghề làm móng tay móng chân dạo.

Do phải chăm sóc chồng và mẹ chồng khiến bà chỉ đi làm nửa buổi nên số tiền kiếm được chỉ đủ mua gạo, bà phải đi hái rau dại ngoài đồng cho bữa ăn có thêm món canh rau. Khi ông tập đứng được, hai vợ chồng cùng bắt cá ở ao mương.

Ông ngồi phía trước quăng chài xuống ao, còn bà ngồi phía sau ôm eo ông giữ lại. Không ít lần ông vãi mạnh tay khiến bà giữ ông lại không nổi, cả hai theo trớn té ùm xuống ao. Có lẽ vậy mà mớ cá tép chung tay chài được càng thêm vị nghĩa tình.

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên