02/05/2015 10:02 GMT+7

​Nhật ký của bố

M.H.
M.H.

TT - Hai ngày sau khi bố mất, tôi tìm được cuốn “nhật ký” của ông. Đó là cuốn vở học sinh bố tôi vốn dùng ghi chép những lần lấy hàng, những khoản tiền thiếu của khách sửa xe.

Cuốn vở nhàu nhĩ, vằn vện vệt dầu mỡ đen nhẻm. Nửa đầu cuốn vở là danh sách hàng hóa và ghi nợ, nửa sau bố viết nhật ký. Bố viết rất chăm, kể từ ngày đầu tiên tự đi bệnh viện khám đến trước khi mất chừng hai tháng hầu như ngày nào bố cũng viết, dù chỉ vài dòng tóm tắt sự việc hôm đó.

Ngày 31-7 lên bệnh viện nội tiết tỉnh. Bác sĩ nói bị bướu cổ, mai phải đi Hà Nội khám lại. Ngày 1-8 ra Hà Nội, Huệ (tên em gái tôi) đón ở Giáp Bát. Hai bố con đi khám, chờ tới chiều, bác sĩ cho đi sinh thiết... Và kể từ ngày đó, nhật ký của bố dằng dặc những lần truyền hóa chất, tia xạ.

Hôm nay truyền mấy chai, đau chỗ nào, khó thở ra sao, thái độ của bác sĩ như thế nào bố đều ghi lại hết. Rồi: cháu Quỳnh (bạn tôi) tới thăm, cho bố ba trăm ngàn. Tối, cháu H. cũng là bạn học của con vô mua na và sữa cho bố...

Tổng cộng bố truyền hóa chất và xạ trị được bốn lần. Xen giữa những lần điều trị đó bố được về nhà. Nghỉ vài hôm, bố lại đi thăm đàn ong cách nhà 4-5km. Mấy năm gần đây bố có niềm đam mê mới ngoài sửa xe đạp là nuôi ong mật. Bố nuôi rất khéo.

Mật bố làm ra thơm ngon nhất, chưa tới kỳ thu hoạch mà người ta xếp hàng đặt trước rất nhiều. “Ngày..., đàn ong phát triển tốt, tướng sắp nở. Có hai đàn bị bệnh, đã cho uống thuốc. Trong người không được khỏe”.

Những câu chữ mô tả về sức khỏe rất ngắn gọn nhưng cấp độ đau đớn tăng dần và mật độ càng về sau càng dày đặc hơn. Có hôm bố đang đi thăm ong thì mệt quá phải nhờ người đưa về. Sau này bố không còn đủ sức trông nom, đàn ong rủ nhau bay đi hết.

Hai mươi sáu tết là ngày giỗ ông nội. Khi ấy bố đã mệt lắm. Nhưng bữa đó bố dậy sớm, uống trước hai viên giảm đau, mặc quần áo chỉnh tề ngồi đợi khách. Thấy anh em con cháu quây quần bố vui, ăn được một chén cơm đầy.

Bố viết: “Bữa nay trong người thấy rất khỏe. Ước chi có ba ngày tết được bình an thế này. Bác sĩ nói phải cố gắng tăng được vài ký mới điều trị tiếp được. Còn bao nhiêu dự định chưa làm...”.

Tôi giấu bố chuyện bác sĩ điều trị nói sau khi chụp PET/CT: “Em đưa bố về nhà ăn thêm một cái tết nữa đi, khối u đã di căn vào xương và nhiều nơi khác, những phương pháp điều trị trước giờ không có hiệu quả”.

Đó là những dòng nhật ký cuối cùng. Bố không viết thêm gì nữa.

Những dòng nhật ký đơn sơ như cuộc đời bố. Tôi đọc hết và đêm đó đứng trước bàn thờ khóc. Bố đã khao khát được sống, được khỏe mạnh để làm tiếp bao nhiêu dự định. Nhưng không chỉ vậy, cuốn nhật ký nói thêm bố cảm thấy nhỏ bé, cảm thấy bất lực, cảm thấy lo sợ như thế nào khi đối diện với căn bệnh quá hiểm nghèo.

Bố hay nói một đời người là hai đời trẻ con. Chúng tôi càng lớn, bố càng già đi và dần dần sẽ như đứa trẻ. Ngày bé thơ con đủ trò quậy phá, oái oăm mà cha mẹ vẫn thương, vẫn chiều chuộng. Vậy cớ gì khi cha mẹ già đi và tính tình như đứa trẻ, con cái lại được quyền cáu bẳn và cảm thấy phiền?

Khi ấy những đứa con phải đủ vững chãi, phải đủ bao dung và yêu thương để cha mẹ mình yên tâm dựa vào. Như khi bố nắm chặt tay tôi lúc sắp truyền chai hóa chất đầu tiên, như khi bố líu ríu chạy về phòng bệnh ôm chặt lấy tôi không rời lúc tôi trở về từ thành phố xa xôi sau bốn tháng xa bố...

Và đọc nhật ký, tôi chợt nhận ra trước giờ cứ nghĩ rằng mình hiểu hết mọi lo toan, suy nghĩ của bố, nhưng không phải. Có những ngóc ngách sâu trong tâm hồn người cha mà những đứa con sẽ khó lòng nhận ra hết được.

Trong những ngày đau đớn nhất bố vẫn viết: Bố mẹ thương và rất lo lắng chuyện của chị N. (chị gái tôi). Rồi: Huệ nghỉ học vào bệnh viện chăm bố đã mấy ngày. Hôm nay hai bố con phải chạy từ sáng tới chiều tối mà vẫn chưa làm được xét nghiệm.

Cũng may là có con. Rồi 4g30, H. (là tôi) cấp cứu dưới tầng một... Suýt mất đồ... (bữa đó kim truyền của bố bị tắc, bác sĩ tháo ra làm lại, máu phun xối xả. Tôi quá lo lắng và sợ bố bị đau nên sau khi làm xong cho bố, tôi ngất xỉu phải cõng xuống phòng cấp cứu.

Đồ đạc để trên phòng bệnh suýt bị lấy mất nếu không có những bệnh nhân khác giữ giùm. Dù khi đó rất đau, bố vẫn nhớ chính xác thời gian lúc tôi ngã xuống).

Vậy đó. Ai còn cha mẹ hãy yêu thương và làm bất cứ gì có thể, ngay lúc này đi, chứ đừng nghĩ chừng nào rảnh sẽ đưa mẹ đi chơi, chừng nào kiếm được khá tiền sẽ mua cho bố cái xe đạp điện... Bởi cái chừng nào ấy sẽ trôi đi theo những toan tính hằng ngày.

Đôi khi những thứ cha mẹ cần chẳng phải là chuyến đi chơi hay chiếc xe đạp điện, đơn giản chỉ là sự có mặt của chúng ta...

M.H.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên