07/03/2015 08:11 GMT+7

Thân thuộc từ Bến Tre đến Philadelphia

ĐOÀN LÊ QUỲNH TRÂN (Đại học Franklin & Marshall)
ĐOÀN LÊ QUỲNH TRÂN (Đại học Franklin & Marshall)

TT - Mẹ kể hồi nhỏ ở dưới quê, buổi tối ông bà ngoại không cho học bài muộn vì sợ tốn dầu thắp đèn. Bây giờ ở Mỹ, thư viện trường mở cửa đến 2g, hành lang ký túc xá đèn thắp sáng đêm không tắt.

Philadelphia (Mỹ). Ảnh: CNN

Tôi thức khuya mở đèn xem phim bộ, ăn kem đến khi thấy ngán thì thôi. Mẹ kể hồi nhỏ buổi tối mẹ thèm ăn mía mà không dám nói, nằm lăn lộn hoài không ngủ.

Bây giờ tôi không chịu cảnh thiếu thốn như mẹ với mấy dì mấy cậu hồi xưa, thức ăn trong nhà ăn của trường nhiều đến mức thừa mứa, tủ lạnh trong phòng ký túc xá lúc nào cũng đầy nước ép, kem, trái cây.

Mẹ kể hồi nhỏ ở dưới quê mẹ đi học xa ông bà ngoại nên tối ngủ gặp ác mộng. Mẹ nhớ ông bà ngoại đến nỗi đòi nghỉ học ở nhà nhưng ông bà ngoại nhất quyết không cho.

Bây giờ tôi cũng học xa nhà, không phải cách mấy ấp mấy xã như mẹ ngày xưa mà cách đến nửa vòng Trái đất.

Nhưng ngăn cách giữa tôi với ba mẹ chỉ là khoảng cách địa lý, còn giữa mẹ với ông bà ngoại hồi xưa là chiến tranh bom đạn, là mấy ấp chiến lược tôi chỉ biết trong sách sử lớp 12.

Tôi cũng không gặp ác mộng giống mẹ vì nhớ ba mẹ, muốn nói chuyện với ba mẹ là có Facetime, có Messenger.

Từ nhỏ đến lớn tôi đi học toàn được tiếp xúc với bạn bè gia đình có điều kiện, nhất là khi đi du học. Ngồi giữa các bạn nước ngoài ăn mặc sáng loáng, nhiều người ăn được chút xíu là bỏ tại “đồ ăn dở quá”, “táo chua quá”, “cái này vị kinh quá” mà nhớ ông bà ngoại, mấy cậu mấy dì, mấy đứa em đứa cháu ở dưới quê. Mẹ dẫn bà ngoại đi ăn không bao giờ dám nói giá tiền...

Chuyện cho con học hết THPT ở Việt Nam rồi đi học đại học ở nước ngoài không có gì xa lạ với nhiều gia đình ở TP.HCM. Nhưng ở dưới quê, ông bà ngoại với mấy dì mấy cậu đi khoe, đi kể khắp nơi: “Cháu tui đi Mỹ học đó nha”.

Ông bà ngoại cả đời làm ruộng, buôn bán ngoài chợ, nuôi cả chục đứa con. Chuyện có đứa cháu gái đi du học nước ngoài chắc hẳn đáng tự hào lắm.

Trước hôm tôi ra sân bay, bà ngoại mang chai mật ong dưới quê lên để tôi mang qua Mỹ uống cho mập. Giờ trên bàn học tôi là nguyên chai mật ong dán băng keo kín mít...

Thật không biết diễn tả như thế nào nhưng đứng trên đất Mỹ, tôi thấy như mình đang mang một điều gì đó rất lam lũ, rất chân chất và thân thuộc từ Bến Tre đến Philadelphia.

Một điều gì đó làm tôi không bị lạc hút giữa đám đông người qua lại ở sân bay Philadelphia. Sau này tôi muốn con tôi biết nó thật sự đến từ đâu.

Tôi sẽ không dám bảo nó những điều lớn lao như nguồn cội và gốc gác, tôi chỉ đơn giản muốn nó nghe được giọng và từ địa phương của người miền Tây, ăn được mắm, cá khô, biết được những trò chơi con nít ở quê.

Tôi muốn nó không xa lạ với những hạt mồ hôi và những nốt chai sần, tôi muốn nó biết rằng ở Philadelphia hay ở đâu đi nữa, mẹ nó vẫn mang theo những hạt mồ hôi và những nốt chai sần từ Bến Tre ấy.

ĐOÀN LÊ QUỲNH TRÂN (Đại học Franklin & Marshall)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên