17/01/2015 09:02 GMT+7

​Quy tắc giúp trẻ hình thành hành vi tốt

ThS NGUYỄN THỊ DIỆU ANH
ThS NGUYỄN THỊ DIỆU ANH

TT - Theo các chuyên gia tâm lý hành vi, việc đưa ra quy tắc là điều cần thiết, giúp trẻ hình thành những thói quen ứng xử phù hợp

Nhiều phụ huynh thường than phiền trẻ không nghe lời người lớn, làm theo ý mình, khi bị phạt thì chỉ nghe nhưng sẽ quên ngay sau đó; nhiều trẻ khác hay đánh em hoặc không biết nhường nhịn, không biết chào hỏi khi gặp người lớn.

Tuy nhiên, khi đề cập vấn đề quy tắc thì hầu hết phụ huynh đều nhận thấy rằng mình chưa đưa ra quy tắc rõ ràng cho trẻ hoặc không thường xuyên thực hiện những điều đã đưa ra.

Theo các chuyên gia tâm lý hành vi, việc đưa ra quy tắc là điều cần thiết, giúp trẻ hình thành những thói quen ứng xử phù hợp, và giúp phụ huynh biết cách quản lý hành vi của con trẻ.

1 Lợi ích của việc đưa ra quy tắc

- Quy tắc sẽ giúp trẻ hiểu điều được phép làm và điều không được phép làm. Ví dụ: Khi đưa ra quy tắc “xem tivi sau khi tắm”, trẻ sẽ hiểu rằng sau khi tắm sẽ được xem tivi, và đó là điều được phép làm; với quy tắc “im lặng khi bà ngủ trưa”, trẻ sẽ hiểu rằng khi bà ngủ trưa thì không được làm ồn mà phải chơi trong im lặng. Đó là điều được và không được làm.

- Quy tắc giúp trẻ cảm thấy an toàn, được bảo vệ. Ví dụ như khi đưa ra quy tắc “chơi hòa thuận với bạn bè”, các trẻ sẽ hiểu rằng phải chơi cùng nhau, không chọc phá, đánh nhau, nếu có điều đó thì sẽ nói với người lớn.

- Quy tắc giúp trẻ tự trọng và tôn trọng người khác. Như những ví dụ đã nêu trên, quy tắc tôn trọng giấc ngủ của bà, tôn trọng quyền được chơi của bạn bè, tôn trọng người khác là con đường giúp trẻ hiểu về lòng tự trọng.

2 Cách đưa ra quy tắc

a) Thảo luận với trẻ là về quy tắc: Phụ huynh tránh việc tự đưa ra quy tắc cho trẻ mà không có sự tham gia của trẻ, bởi vì thực hiện quy tắc trong tình nguyện và vui vẻ là điều chúng ta cần khuyến khích trẻ làm.

b) Từ dễ đến khó: Trẻ sẽ thực hiện tốt hơn với những quy tắc đơn giản và dễ đạt được, dần dần trẻ hiểu cách thức thực hiện và sẽ chấp nhận được những quy tắc khó hơn.

Ví dụ: Đối với những trẻ hiếu động, việc yêu cầu trẻ ngồi yên lặng suốt buổi học tại nhà là không thể, nên phụ huynh có thể đưa ra yêu cầu dễ thực hiện hơn như “nghỉ năm phút sau khi viết một hàng”.

c) Không bắt đầu với từ KHÔNG, ĐỪNG: Quy tắc là những điều hướng dẫn trẻ thực hiện, nếu phụ huynh dùng những từ như “không nên”, “đừng” thì trẻ không biết điều gì được phép làm.

d) Quy tắc cần là những hướng dẫn cụ thể và rõ ràng: quy tắc cần hướng đến trực tiếp những hành vi mà phụ huynh mong muốn trẻ thực hiện.

Ví dụ: Phụ huynh muốn trẻ ngồi yên tại bàn ăn lúc ăn cơm, thay vì nói “Không được chạy ra khỏi bàn”, hãy nói “Ngồi yên trên bàn”, điều này sẽ giúp trẻ hiểu cần phải làm gì.

e) Quy tắc cần phải phù hợp với sự phát triển và vấn đề hành vi của từng trẻ. Mỗi trẻ có những vấn đề hành vi cần chỉnh khác nhau, nên không có công thức chung mà tùy thuộc vào hành vi nào phụ huynh mong đợi con làm.

f) Quy tắc cần được viết rõ ra giấy và dán ở nơi phù hợp. Nếu là quy tắc về việc ăn thì cần được dán trên bàn ăn, quy tắc về học tập thì dán ở góc học tập, quy tắc về cách ứng xử chung thì dán ở nơi trẻ thường lui tới như tủ lạnh, nơi để đồ chơi...

g) Quy tắc cần được viết ngắn gọn, dễ hiểu với những từ ngữ đơn giản. Đối với trẻ mẫu giáo và những năm đầu cấp 1, trẻ sẽ vui và dễ hiểu hơn với những quy tắc được vẽ hình hoặc dùng hình thật.

3 Những thách thức đối với phụ huynh

a) Những trẻ ngoan có cần quy tắc không? Như đã nói trên, quy tắc không phải là điều khiến trẻ sợ hãi như hình phạt, mà quy tắc là những hành vi được mong đợi, vì vậy ngay cả những trẻ được gọi là ngoan thì vẫn cần những quy tắc.

b) Sự thiếu cương quyết của phụ huynh: Nếu phụ huynh cương quyết thực hiện theo đúng quy tắc đã đưa ra, trẻ sẽ thực hành đúng những hành vi được mong đợi, dần dần sẽ thành cách ứng xử của trẻ trong những tình huống tương tự.

c) Sự không thống nhất giữa các phụ huynh cùng sống trong gia đình: Nếu ba đồng ý theo quy tắc còn mẹ thì không thì đây là điều khiến trẻ khó hiểu và không thực hiện theo những điều đã được đưa ra.

d) Nên phạt gì khi trẻ vi phạm quy tắc: Theo các chuyên gia về hành vi, việc khuyến khích hành vi tốt là cách tốt nhất để trẻ giảm hành vi xấu. Khi phụ huynh thực hiện đúng và đầy đủ những bước đưa ra quy tắc, cả trẻ và phụ huynh đều dễ dàng thực hiện trong vui vẻ mà không cần phải nghĩ đến việc phạt trẻ như thế nào.

ThS NGUYỄN THỊ DIỆU ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên