27/12/2014 11:54 GMT+7

​“Vô cảm” trong nhà mình

THS NGUYỄN QUẾ DIỆU
THS NGUYỄN QUẾ DIỆU

TT - Trường hợp chồng/vợ, con “vô cảm” đối với vợ/chồng, mẹ không phải hiếm, đặc biệt trong các gia đình có “truyền thống” gia trưởng. Qua trò chuyện với chị N. có thể nhận ra nguyên nhân dẫn đến sự “vô cảm” của chồng, con chị .

​Tại nhiều cuộc hội thảo, mạn đàm về chủ đề tâm lý, gia đình... không ít người bày tỏ họ gặp tình trạng “vô cảm” từ người thân khi các thành viên của gia đình ít chia sẻ với nhau.

Bữa ăn gia đình là dịp các thành viên gia đình gần gũi, chia sẻ với nhau những điều trong cuộc sống - Ảnh: T.T.D.
Nhiều người thừa nhận họ không hoặc rất ít được biết về các nội dung chi tiết liên quan đến công việc của vợ/chồng, nói chi là can thiệp vào công việc của người bạn đời. Thậm chí có người vợ không biết chồng mình đang làm ở công ty nào vì chồng cô ấy “nhảy việc” liên tục mà không nói vợ biết về công việc hiện tại

Trò chuyện với chúng tôi, chị H. (ngụ TP.HCM) than thở thấy buồn vì không nhận được sự quan tâm của chồng.

Từ chuyện việc ai người nấy biết

Vợ chồng chị H. đều là giảng viên đại học. Chị H. kể giữa anh chị dường như có một sự thỏa thuận ngầm rằng việc ở cơ quan thì “ai người đó lo, ra khỏi cơ quan là để lại cơ quan, không được đem chuyện ở cơ quan về nhà”.

Rồi chị đánh giá thêm: “Thỏa thuận này có cái hay vì về nhà mình toàn tâm toàn ý lo cho gia đình, việc ở cơ quan của người nào mà chưa giải quyết xong thì tự giải quyết bằng cách thức khuya dậy sớm để hoàn thành phần việc còn lại”. Nói là vậy nhưng chị H. thừa nhận: “Đôi lúc tôi hụt hẫng, buồn chán, nhất là những khi áp lực công việc ở cơ quan nhiều mà bản thân không nhận được sự quan tâm của chồng, cũng không dám chia sẻ”.

Tương tự gia đình chị H., gia đình anh T. và chị O. (ngụ Q.12, TP.HCM) đưa ra thỏa thuận “việc ai nấy lo” nên trong việc làm ăn, việc ở cơ quan họ tự giải quyết. Anh T. là nhân viên kinh doanh ở một công ty bán hàng gia dụng lớn. Những lần vào “mùa vụ”, công việc nhiều nhưng mỗi khi chị O. đề nghị trợ giúp thì anh T. lại gắt lên “biết gì mà làm”.

“Nhiều lần như vậy đến nỗi tôi thấy bình thường, không muốn hỏi về công việc của anh nữa dù anh thức khuya, dậy sớm, có hí hoáy với giấy tờ, tài liệu” - chị O. bộc bạch. Trong khi đó, là giáo viên, có những lúc áp lực về thời gian, thi, kiểm tra, hội giảng nhưng hiếm khi chị O. nhận được lời hỏi thăm hoặc một sự quan tâm nho nhỏ từ chồng.

Nhiều người thừa nhận họ không hoặc rất ít được biết về các nội dung chi tiết liên quan đến công việc của vợ/chồng, nói chi là can thiệp vào công việc của người bạn đời. Thậm chí có người vợ không biết chồng đang làm ở công ty nào vì chồng cô ấy “nhảy việc” liên tục mà không nói vợ biết về công việc hiện tại. Chính vì tính “độc lập” của người bạn đời khiến sự quan tâm công việc của nhau ngày một ít đi.

Đến sự “vô cảm” trong gia đình

Mỗi lần đi làm về là chị N. lại lăn ra làm việc nhà. Tuy nhiên, thời gian làm việc nhà không làm chị nản bằng sự thiếu quan tâm, chia sẻ của chồng, con. Theo chị, chồng chị đi làm về là “ôm” mấy tờ báo và tivi đến khi chị nấu nướng xong mới “bứng rễ” dậy ăn cơm. Ăn xong lại điệp khúc dọn dẹp đến gần 8g tối chị mới được nghỉ ngơi. “Bận bịu là vậy nhưng chẳng bao giờ thấy ổng đỡ cho mình việc gì, thậm chí vài lời hỏi han đại loại như “em có mệt không?” cũng không thấy” - chị N. chia sẻ.

Theo chị N., chồng chị thuộc típ người “dễ chiều”, nấu gì thì ăn nấy, ít khi chê nhưng hiếm khi phụ vợ làm việc nhà. Vì vậy chị phải “tự bơi”. Nếu hôm nào chị mệt, cả nhà cùng kéo ra quán ăn và việc đó chỉ xuất hiện vài lần vì “ăn hàng, ăn quán không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, không bảo đảm sức khỏe để các con học tập” - chị N. thừa nhận.

Do vậy chị từ “bơi” đến “lặn ngụp”. Không chỉ có chồng không biết chia sẻ với vợ, mà con cái cũng vậy, “đứa lớn thì ngoài công việc ở công ty cứ ru rú trong phòng, học hay lên mạng gì đó. Khi mẹ nấu cơm nước xong gọi mới xuống ăn, ăn xong lại về phòng.

Đứa nhỏ đang học cấp III nhưng từ nhỏ chỉ biết học, “hết học ở trường rồi đến học thêm nên vợ chồng tôi chẳng để con làm gì” - chị cho biết thêm.

Rồi chính chị cũng thừa nhận “bé chẳng biết làm gì ngoài học” nên mọi việc trong nhà chị đều tự giải quyết.

Trường hợp chồng/vợ, con “vô cảm” đối với vợ/chồng, mẹ không phải hiếm, đặc biệt trong các gia đình có “truyền thống” gia trưởng. Qua trò chuyện với chị N. có thể nhận ra nguyên nhân dẫn đến sự “vô cảm” của chồng, con chị rằng: ban đầu xuất phát từ tình thương (thương chồng, thương con) và trách nhiệm (làm vợ, làm mẹ) nên chị cứ âm thầm giải quyết việc nhà mà không cần suy bì, tính toán.

Lâu dần, việc nhà coi như đã được các thành viên trong gia đình mặc định cho chị và bản thân chị cũng vì thương chồng con quá nên không trao đổi thẳng thắn với chồng về các vấn đề cần được chia sẻ; không dạy con cách đỡ đần ba mẹ; không hướng dẫn con cách quan tâm, chia sẻ, san sẻ cho nhau giữa các thành viên trong gia đình.

Do đó, việc các thành viên trong nhà hình thành tư tưởng hưởng thụ mà ít khi quan tâm đến việc cơm do ai nấu, quần áo do ai giặt ủi...

Áp lực cuộc sống có thể làm nhiều cặp vợ chồng độc lập hơn trong công việc nên thái độ quan tâm, chia sẻ công việc của nhau lu mờ dần. Bên cạnh đó, tư tưởng gia trưởng cùng với tình thương thái quá có thể khiến trẻ ngày càng “nghèo” kỹ năng lao động, kỹ năng quan tâm, chia sẻ công việc cũng như nắm bắt tâm tư, tình cảm với người xung quanh, đặc biệt là người thân. Có lẽ sự “vô cảm” trong gia đình được hình thành trên cơ sở đó.

THS NGUYỄN QUẾ DIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên