21/12/2014 09:52 GMT+7

​Bay trong dông bão

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Nhiều năm nay, hàng trăm chuyến bay của trung đoàn 917 (Sư đoàn không quân 370) cất cánh âm thầm trong vội vã, xuyên mưa gió lao ra biển thực hiện nhiệm vụ cứu người.

Tổ bay của trung đoàn 917 đưa ngư dân Bùi Văn Việt (bị nhiễm trùng uốn ván khi đang đánh bắt cá ở đảo Trường Sa Lớn) lên trực thăng cứu hộ cứu nạn chuẩn bị cất cánh về đất liền - Ảnh: phi công Lê Quý Hưng
Tổ bay của trung đoàn 917 đưa ngư dân Bùi Văn Việt (bị nhiễm trùng uốn ván khi đang đánh bắt cá ở đảo Trường Sa Lớn) lên trực thăng cứu hộ cứu nạn chuẩn bị cất cánh về đất liền - Ảnh: phi công Lê Quý Hưng

16g ngày 15-10-2013, ngư dân Bùi Tấn Việt (41 tuổi, Bình Định) đã được trực thăng Mi-171 đưa về sân bay quân sự của trung đoàn 917. Anh Việt là ngư dân tàu BD95371 TS, bị sốt cao do nhiễm trùng uốn ván khi đang đánh bắt gần đảo Trường Sa Lớn.

Tham gia gần trăm chuyến cứu hộ cứu nạn, thượng tá Nguyễn Danh Đoan là một trong những phi công có giờ bay tích lũy nhiều nhất trung đoàn 917: gần 3.000 giờ bay.

Đã 16 năm trôi qua, anh vẫn không quên được ký ức về cơn bão Linda khủng khiếp năm 1997. Tổ bay của anh phải làm nhiệm vụ ngay khi bão chưa dứt: chở ông Lê Huy Ngọ - bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn kiêm trưởng Ban phòng chống lụt bão T.Ư - ra Côn Đảo thị sát.

Thời đó máy bay chưa có rađa, phi công phải quan sát bằng mắt. Sau bão vẫn còn hoàn lưu sao bão, trời vẫn còn mưa, gió lớn. Họ phải chờ từ sáng đến đầu giờ chiều bớt mưa mới cất cánh đi Côn Đảo được dù “cất cánh lên trời mù không nhìn thấy gì”.

Bay biển - đặc biệt bay trong mưa gió và vừa dứt bão - là một trong những nhiệm vụ rất nguy hiểm, mỗi lần bay là một lần thử thách, đòi hỏi bản lĩnh của người phi công. Không chỉ cứu người, họ còn phải đảm bảo an toàn cho cả tổ bay và trực thăng trong khi Mi-171 là trực thăng quân sự chứ không phải trực thăng chuyên dụng cứu hộ cứu nạn.

“Điều đó đòi hỏi sự quyết đoán, dũng cảm, thông minh ở người phi công. Thế nên bay cứu hộ cứu nạn luôn là lực lượng tinh nhuệ nhất, gọn nhẹ nhất”, đại tá Trần Văn Quang cho biết.

Thượng tá Đoan chia sẻ: “Có một nguyên tắc là dù gió lớn đến đâu, chúng tôi phải giữ máy bay không được rung xóc, tránh nhào lộn để không ảnh hưởng đến vết thương của nạn nhân. Cứu họ lên được rồi mà không giữ máy bay ổn định, cứ rung xóc hoài sẽ ảnh hưởng đến vết thương, thậm chí có thể gây nguy hiểm tính mạng bệnh nhân. Nếu bay cao, bệnh nhân sẽ chóng hôn mê và mất máu nhiều nên chúng tôi chỉ bay từ 1.500m trở xuống. Nhưng đa số chuyến bay này đều gặp dông gió nên chúng tôi phải vừa bay vừa tránh mây, tránh dông, không để sét đánh”.

“Vất vả, nguy hiểm là vậy nhưng anh em đã làm nhiệm vụ này ai cũng rất quyết đoán, sẵn sàng dấn thân - thượng tá Đỗ Thanh Hồng nói - Phi công không bản lĩnh thì không dám làm nhiệm vụ này”.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên