28/09/2014 10:30 GMT+7

​Gia đình cung thủ

TẤN VŨ - TRƯỜNG TRUNG
TẤN VŨ - TRƯỜNG TRUNG

TT - Có một gia đình người Bhnoong mà ở đó mỗi thành viên bất kể nam hay nữ đều là cung thủ.

Anh Hồ Văn Đế biểu diễn bắn tên vào mục tiêu - Ảnh: Tấn vũ
Anh Hồ Văn Đế biểu diễn bắn tên vào mục tiêu - Ảnh: Tấn vũ

 

 

​Họ đi thi đấu khắp nơi từ các giải cấp xã, phường, huyện, tỉnh đến cấp quốc gia và đều đoạt huy chương. Cư dân trong ngôi làng này còn đi “bắn thuê” cho các tỉnh xa để kiếm tiền mua xe máy thay vì vác cuốc lên nương...

Vũ khí gia truyền

Thật ra, những người Bhnoong ở Phước Sơn có kỹ năng bắn cung tên, nỏ, ná rất kỳ diệu. Một phần năng khiếu, một phần là họ sử dụng các công cụ này thành thạo từ nhỏ nên khi thi bắn thì người Kinh khó sánh kịp. Tiếc nhất là chưa có cơ hội để đào tạo, bổ sung một cách bài bản để chọn ra những người thật sự tài năng, giúp họ tiến xa hơn trên con đường thi bắn...
Ông NGUYỄN THÀNH TỰ (phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Quảng Nam)

Căn nhà tôn nằm bên trái sân bay dã chiến thời Mỹ của thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) treo từng chùm huy chương đủ màu vàng, bạc, đồng. Có chiếc đã cũ mèm, có chiếc còn mới tinh.

Các bức tường cũng bị che kín với giấy khen các loại từ cấp xã phường, quận huyện đến cấp quốc gia. Cửa sổ bên hông nhà từng đống cung tên treo lủng lẳng như một niềm kiêu hãnh.

Ông Hồ Văn Út, 62 tuổi, ngồi xổm trước hiên nhà gọt lại chiếc cung vừa chặt từ trên rẫy về chiều hôm trước. Anh Hồ Văn Đế, con trai ông, ngồi bên cạnh cha cầm rựa vót tên. Ông Út bảo tranh thủ những ngày mưa ngồi đẽo lại những chiếc cung để trên giàn bếp cho thật khô chờ giải đấu năm tiếp theo vào mùa nắng.

Ông Út có sáu  người con, mỗi năm ông đều làm sáu chiếc cung hoặc nỏ mới cho các con và khắc tên họ vào mỗi sản phẩm.

“Cũng như cha ông mình, gia sản để lại cho con cháu cũng chỉ là cung tên. Cha tôi dạy cho tôi cách làm cung, nỏ, cách chạy nhanh hơn con thú, vừa chạy vừa bắn tên, cách chế thuốc độc để bắn hạ con mồi nhanh nhất, có như vậy dòng tộc mới tồn tại” - già Út bình thản tiết lộ.

Người Bhnoong sống trong các cánh rừng già, di chuyển như những con sóc trên cành cây, ngày nay dù không còn được phép săn bắn thú rừng nhưng cung tên, giáo mác họ vẫn lưu giữ như những bảo vật trong nhà.

Ông Út không phải là người duy nhất của làng biết làm cung tên nhưng những cây cung, cây nỏ ông làm ra, những mũi tên ông vót bao giờ cũng chuẩn xác nhất vùng.

Khó nhất là tìm cho ra cái cây để làm cánh cung. Cây làm cung phải cứng nhưng dẻo, uốn cong không gãy và phải có lực đàn hồi rất mạnh. Để làm được một cây cung hoặc cái nỏ, ông Út phải bỏ ra hàng tháng trời đẽo gọt.

“Cây làm cung theo tiếng địa phương là lốcbnưa, nhưng tiếng Kinh thì tôi không biết. Làm cung không được cho phụ nữ bước qua và cung thì tuyệt đối không bắn rắn. Rất xui và nếu cung gãy thì người sẽ chết” - ông Út quả quyết.

Từ bàn tay tài hoa của người cha, sáu người con ông Út, bốn trai, hai gái, đều sử dụng thành thục cung tên từ bé. Bây giờ họ không những trở thành những xạ thủ số một của làng mà là niềm tự hào của người Bhnoong ở Phước Sơn.

Ôm gần 40 bộ huy chương lấp lánh ra khoe với khách, ông Út nói: “Ngày xưa treo đầu heo, nai trong nhà như một chiến tích của người thợ săn. Ngày nay chiến tích đó là các huy chương của con mình”.

Cung thủ của núi rừng

Chưa chế tác được cung, nỏ, nhưng người con trai lớn của ông Út là Hồ Văn Đế đã có thể vót những mũi tên ưng ý nhất cho mình. Mũi tên phải thẳng và đều, khô cứng để độ dính vào đích cao. “Nó được làm từ những lóng tre lồ ô già trong rừng. Không được phơi nắng mà phải xông khói bếp cho khỏi bị cong và chống mọt” - anh Đế nói.

Không nhớ hết bao nhiêu lần thi đấu cấp huyện, anh Đế chỉ nhớ mình được 13 huy chương vàng, 5 huy chương bạc và 4 huy chương đồng về bắn cung, nỏ tại đại hội thể dục thể thao toàn quốc từ năm 2010 đến nay. Thành tích cao nhất của anh là ở Đại hội thể dục thể thao các dân tộc miền núi toàn quốc năm 2013 tại Gia Lai: anh Đế bắn 10 mũi tên đạt 90 điểm.

“Em bắn chín mũi tên lọt vào vòng 10 và một mũi bị rơi do tên không dính vào bảng” - anh Đế tiếc nuối. Không đạt 10/10 nhưng với số điểm đó cũng đủ làm cho ban giám khảo và các vận động viên khác ngả mũ kính phục.

Tập luyện ở đâu để có được những cú bắn tài tình như vậy? Chỉ tay lên cánh rừng già trước mặt, anh Đế bảo: “Đó là một rừng chuối ở khe Nước Trẽo. Ở đấy chuối bạt ngàn. Lúc rảnh rỗi em mang một lon sơn lên đó, vẽ mục tiêu vào thân cây chuối rồi ngắm bắn cả ngày”.

Anh Đế bảo ngắm bắn thân cây chuối rất thú vị vì mình nghe được tiếng găm “phập” của mũi tên bay tới đích. Hơn nữa, khỏi phải mất công vót tên vì thân chuối mềm cứ việc ngắm bắn rồi rút tên ra sử dụng lại được. Nếu bắn vào các thân cây khác tên sẽ gãy hoặc cong nên không tái sử dụng được.

Ngừng tay rựa, anh Đế kể tiếp về cú bắn đầu đời khi đi thi đấu của mình: “Năm đó em học lớp 6. Thị trấn Khâm Đức tổ chức thi bắn nỏ. Em theo bố đăng ký dự thi. Vì sức yếu nên căng dây cung gài tên không được, bố phải gài tên giúp, ai thấy cũng cười. Vậy mà sau ba lần bắn em về nhất toàn đoàn. Từ đó mỗi lần thi em đều có mặt. Sau này lớn lên thi cho huyện rồi đi thi tỉnh...”.

Nhà có sáu anh em, mỗi lần lên rẫy, ngoài các vật dụng cuốc, rựa, sáu người đều mang theo cung tên lủng lẳng trên lưng.

Hồ Văn Đà, 19 tuổi, em ruột của anh Đế, cũng là vận động viên đoạt nhiều huy chương cấp huyện, kể: “Mang cung, nỏ lên nương lúc đầu là để bắn sóc, chim và chuột rừng phá lúa thôi. Bắn miết thành quen tay. Bắn con vật khó hơn nhiều so với bắn tấm bia thi đấu vì chúng di chuyển liên tục”.

Vì đi thi trong huyện hoặc tỉnh chỉ có một đại diện nên Đà để dành suất cho người anh. Ngược lại, khi các huyện khác tổ chức thi bắn thì anh Đế lại nhường suất đi thi đấu cho người em.

Đà kể: “Ngày xưa quân lính cưỡi ngựa bắn tên. Bây giờ bọn thanh niên tụi em tập bằng cách chạy xe máy bắn tên. Vừa chạy vừa bắn, ai bắn trúng có thưởng, vậy mà cũng có đứa bắn trúng vòng 10”.

Học theo những người anh trai, hai cô em gái của anh Đế cũng là những xạ thủ có tiếng của vùng. Không những tập luyện cho các em gái, vợ của anh Đế, chị Hồ Thị Hường cũng được chồng huấn luyện thành vận động viên bắn nỏ.

Mới đây nhất, tỉnh Quảng Nam tổ chức giải thể thao các tỉnh miền núi cấp huyện tại Bắc Trà My, vợ anh Đế đoạt huy chương đồng.

Anh Hồ Văn Đế khoe chùm huy chương các loại của gia đình - Ảnh: Tấn vũ
Anh Hồ Văn Đế khoe chùm huy chương các loại của gia đình - Ảnh: Tấn vũ

“Lính bắn thuê”

Chỉ chiếc xe máy mới coóng dựng trước sân, anh Đế hồ hởi khoe: “Đó là thành tích mới nhất của em đấy. Được huy chương vàng toàn quốc năm 2013, giải thưởng 20 triệu đồng. Thêm mấy huy chương bạc, dồn tiền em mua cái xe 40 triệu đồng. Cả nhà đều vui”.

Năm 2010, lần đầu tiên môn bắn nỏ, ná được đưa vào đại hội thể dục thể thao toàn quốc. Tỉnh Quảng Nam có hơn 30 vận động viên có trình độ vượt trội để thi đấu các môn này. Hầu hết họ là người Bhnoong tại Phước Sơn.

Vì quá nổi trội về thành tích cũng như sự nổi tiếng của gia đình nên anh em nhà Hồ Văn Đế phải thi đấu cho tỉnh Quảng Nam. Hơn 15 vận động viên còn lại ở làng được các tỉnh khác tuyển dụng làm “lính bắn thuê”.

Hồ Thị Đáy, người bà con của anh Hồ Văn Đế, kể lại chuyện cũ: “Mấy anh ở tỉnh Bình Phước lo cho em hết, ăn ở, đi lại. Em chỉ việc thi đấu. Họ treo giải cứ huy chương vàng là 10 triệu đồng, huy chương bạc là 7 triệu đồng.

Bọn em ở đây bắn vô tư, giấy khen đoàn mang về, huy chương vàng, bạc em mang về nhà làm kỷ niệm. Tiền thưởng lúc đó mua được chiếc xe máy”. Đáy đi thi và dẫn luôn những người bà con mình đi thi cho những đoàn khác như: Nguyễn Văn Dem, Hồ Văn Đào, Vũ Thị Kiều, Hồ Văn Bảo...

Anh Hồ Văn Mách, người Phước Sơn, thi đấu cho đoàn Thanh Hóa kể lại: “Mình trước đây chỉ bắn chim, chuột thôi, được đi thi đấu là vui rồi. Được bắn là vui, còn giấy khen hay huy chương bọn em cũng không quan tâm lắm”.

Buổi thi đấu bắn nỏ, ná ở Quảng Nam năm đó trở thành cuộc thi nội bộ giữa những cung thủ trong làng của huyện Phước Sơn.

Các vận động viên biết tiếng nói, biết mặt nhau, biết cả trình độ và đường tên của từng cung thủ. Nhưng giải đấu vẫn diễn ra một cách bình thường như hội làng ở Phước Sơn vẫn thường tổ chức. Sau giải đấu toàn bộ huy chương toàn quốc mang hết về làng.

Đêm đó núi rừng lại vui say...

 

TẤN VŨ - TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên