12/01/2013 07:20 GMT+7

Chơi với con đi!

KIM DUY
KIM DUY

TT - Một bà mẹ kể chuyện cách đây khoảng 10 năm, một hôm vào phòng cô con gái 14 tuổi bà phát hiện trong tách trà có bốn mẩu tàn thuốc lá và có cả tro thuốc, loại thuốc lá bạc hà dành cho phụ nữ.

ZIDltt2a.jpgPhóng to
Cha mẹ nên dành nhiều thời gian gần gũi, trò chuyện và tâm sự để hiểu con hơn - Ảnh: Quân Nam

Bà gọi con gái lên phòng, yêu cầu con nói thật. Ban đầu cô bé chối không biết... Những câu trả lời lúng túng, không thật.

Tâm sự của những bà mẹ

Đáng suy nghĩ

“Thời gian gần đây ba hơi để thời gian ngẫm nghĩ về Bo. Vì bạn ấy hay nói buồn, không có ai chơi với bạn ấy! Tưởng là chuyện nhỏ như con thỏ mà không nhỏ tí nào vì cứ thấy Bo buồn thỉu buồn thiu. Nhiều khi Ba đang bận túi bụi mà bạn cứ sà vào lòng: Ba đừng làm nữa! Chơi với con đi!” (*).

Dòng trạng thái trên Facebook của một ông bố trẻ tuy ngắn nhưng có ý nghĩa rất nhiều cho các bậc cha mẹ.

Khi bà mẹ dọa méc bố, cô bé thú nhận một bạn trong lớp cho, cô đem về nhà hút thử. Cô bé kể: “Bạn ấy mua cả gói và phát cho nhiều bạn trong lớp”. Bà mẹ hỏi: “Khi hút con thấy thế nào?”. Cô bé trả lời: “Việc này đã xảy ra lâu rồi và bây giờ không còn nữa, bạn đó đã bị đuổi khỏi trường vì đánh nhau với bạn”.

Bà mẹ thật hoảng sợ vì thấy con khờ dại quá. Sau khi nói chuyện nhiều với con, bà tự kiểm điểm và hiểu ra con bà đang ở tuổi nhận thức đúng sai, phải trái chưa chuẩn xác như người lớn, nhưng không còn quá nhỏ để không phân biệt được thế nào là đúng, sai. Bà nhận ra thời gian chú ý đến con quá ít. Từ khi có đứa con thứ hai, sự chăm sóc dành cho con gái thưa đi. Bà nhớ lại ngày xưa nhà chật, bà ngủ với em bé, con gái ngủ riêng một giường. Cô bé thích ngủ chung với mẹ và em nhưng mẹ không cho vì sợ cô quấy rầy em. Thời gian trôi đi, không chỉ ít quan tâm đến con gái mà bà còn giao cho con nhiều việc khác như thỉnh thoảng đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa... Bà mẹ chợt hiểu lâu nay bà đã vô tình không chú ý rằng con gái đang lớn, cần người tâm sự, dễ cảm thấy cô đơn và bị bỏ rơi. Hôm ấy bà ngủ với con để hai mẹ con nói chuyện với nhau và quyết định hai mẹ con sẽ là hai người bạn. Nếu không làm được điều này, nguy cơ mất con hoàn toàn có thật!

Đó là ở thời điểm cách đây 10 năm, khi mà Internet vẫn chưa chi phối lắm đến cuộc sống của bọn trẻ như bây giờ.

Câu chuyện của một bà mẹ khác ở thời điểm hiện tại. Một hôm bà phát hiện ra cậu con trai 14 tuổi dùng máy tính của mẹ xong mà quên thoát khỏi Yahoo! Messenger. Tò mò, bà vào danh bạ trò chuyện xem cậu đã chat những gì thì bà tá hỏa vì những câu chat mà bà không thể hình dung được từ cậu con trai rất hiền lành, dễ thương. Rất khổ sở bà mới đọc được hết nội dung chat vì cậu không chỉ dùng những ký tự rất khó đọc mà còn những câu rất khó hiểu. Ví dụ như chữ i thì dùng j, không bỏ dấu trên chữ mà thêm một ký tự khác... Trong câu chuyện với một bạn, hai bên qua lại rằng cần phải trị một đứa nào đó vì dám giành bạn gái, lại còn thách đánh nhau. Trong câu chuyện khác, cậu con dùng những từ rất “thời thượng” trong ngôn ngữ chat như “hài vãi”, “vãi luyện”... và cả những câu nói tục. Đến lúc này bà mẹ hiểu ra lâu nay bà khoán trắng con với máy vi tính và không kiểm soát. Con bà thật sự thoát khỏi vòng tay của bà từ lâu lắm rồi mà bà vẫn nghĩ rằng cậu còn cần được chăm sóc như một đứa trẻ như lo từng miếng cơm, nhắc uống sữa, đi tắm...

Bà mẹ kết luận đã quá muộn để uốn nắn tư tưởng cậu con trai, nhưng muộn còn hơn không, bà quyết định sẽ theo dõi và quan tâm đến con nhiều hơn ở phần tinh thần. Bà biết từ mạng ảo bước ra ngoài đời là khoảng cách rất ngắn. Người ta đánh nhau, chém giết nhau đôi khi cũng chỉ vì những câu chat trên mạng ảo.

Câu chuyện của những người cha

Một người cha quyết định bỏ công việc tốt, lương khá để theo cậu con trai duy nhất vào thành phố khi cậu đậu đại học khiến nhiều người ngỡ ngàng. Lý do của ông đưa ra rất đơn giản, ông không thể bỏ mặc con trai nơi thành phố. Ông sẽ kiếm một công việc làm gì đó, có điều kiện gần gũi con. Dù cậu con trai học rất giỏi, thi đậu vào một trường đại học hàng top, nhưng ông không an tâm. Ông cho rằng mối nguy cơ rình rập khiến con cái sụp bẫy hoàn toàn có thật. Sự hi sinh bốn năm của ông không là gì so với việc nếu chẳng may con ông sa ngã! Có thể nhiều cha mẹ cho rằng người cha này lo lắng hơi quá, nhưng ông có lý do của ông. Ông sẽ không “úm” con nữa khi cậu tốt nghiệp đại học, lúc đó ông tin chắc con ông sẽ vững vàng, và quan trọng nhất là ông được làm bạn đồng hành cùng con thêm những năm đại học sau 12 năm phổ thông.

Một người cha khác cũng quyết định xin nghỉ công việc bận rộn và chuyển qua một công việc thư thả hơn, lương ít chỉ để đưa đón con cái đi học. “Không thể kể hết những vất vả trong việc đưa đón con cái đi học, nhưng đó là niềm vui, hạnh phúc” - ông tâm sự. Hiện mỗi ngày ông như chạy xe ôm ngoài đường vì con ông học khá nhiều lớp.

Nhiều cha mẹ có con nên người và cả cha mẹ có con hư hỏng đã chung một nhận định rằng: thời công nghệ càng cao, mối quan tâm của cha mẹ với con cái cần cao hơn nữa. Chơi với con, làm bạn cùng con, gần gũi, nói chuyện, tâm sự với con theo dần từng lứa tuổi. Nuôi và dạy cơ mà!

(*): Trang Facebook của Nguyễn Hữu Hồng Minh.

KIM DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên