04/02/2012 06:23 GMT+7

Đặt tên cho "rồng"

MINH TÂM
MINH TÂM

TT - Việc đặt tên cho con rất được các bậc cha mẹ quan tâm. Đó là món quà thể hiện sự yêu thương, niềm hi vọng của cha mẹ đối với con cái.

lBAWqr8r.jpgPhóng to

Cái tên là một món quà cha mẹ tặng cho con - Ảnh: Quân Nam

Và năm Thìn, xung quanh chuyện đặt tên cho “rồng con” cũng chộn rộn hẳn bởi nhiều cặp vợ chồng “canh” năm Thìn sinh quý tử...

1. Đối với anh Tiến ở Q.Bình Thủy, TP Cần Thơ, việc chọn tên cho con là tối quan trọng nên anh lên mạng tham khảo, rồi đến nhà sách mua quyển Bách khoa thư cách đặt tên. Khi xem đến mục đặt tên cho con theo 12 con giáp, anh thấy rồng thuộc loài giỡn mây, đạp nước, thích ánh sáng ngọc minh châu, mặt trăng, mặt trời... nên những tên thích hợp với tuổi rồng là Trân, Châu, Nhật, Nguyệt, Minh, Kỳ, Xuân, Thái, Huy, Vân, Thủy, Giang, Tuyền, Triều (nước dâng)... Lựa chọn, cân nhắc, cuối cùng anh quyết định đặt tên cho con trai là Nguyễn Huy Nhật. Nhật là mặt trời. Huy là sáng. Huy sẽ làm nền sáng cho mặt trời chiếu sáng rực khiến nội tâm đứa trẻ phong phú, thông minh, thành đạt.

Anh phấn chấn đem khoe với người thân, nhưng không ngờ cha anh không đồng ý bởi theo ông, gia đình có truyền thống đặt tên theo dây. Ông tên Quyết. Con trai là Nguyễn Quyết Tiến thì cháu phải là Nguyễn Tiến Sĩ. Vả lại ông ước mơ cháu phải học hành đỗ đạt cao, mà cao thì có ai bằng tiến sĩ. Chứ đặt tên con với chữ đệm như vậy, khi phát âm nghe nặng trình trịch, làm sao đường công danh đỗ đạt được. Anh Tiến không chịu, bởi rồng là vua muôn loài, nay đặt tên Tiến Sĩ chẳng khác nào bị giáng xuống thấp, địa vị, đường công danh thế nào cũng bị giáng xuống theo. Và vì vậy khoảng một tháng nữa là sinh mà tên bé vẫn chưa được chọn bởi ai cũng cho mình đúng.

Ly hôn vì tên của con

Ông Trương Hoài Bình, thẩm phán TAND TP Cần Thơ, cho biết có người lấy tên người yêu đặt tên con mình. Điều này có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Lần đó người chồng lấy tên người yêu cũ đặt tên cho con gái đầu lòng. Sau đó vợ biết được cớ sự. Mỗi lần gọi tên con là chị chịu không nổi bởi cảm giác có người phụ nữ khác đang hiện diện khắp trong gia đình mình. Sợi dây tình cảm mỏng dần. Và cuối cùng cái tên đặt cho con gái đầu lòng đã bứt người vợ ra khỏi chiếc giường phu thê, đẩy họ ra tòa ly hôn. Đứa trẻ lúc đó 3 tuổi nên chưa biết gì nhưng khi lớn lên sẽ khó tránh những tổn thương, mặc cảm...

Trường hợp gia đình anh Hiếu ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ cũng tương tự. Ngay từ thuở nhỏ, anh rất thích đặt tên con gái là Thảo bởi như thế tên cha con sẽ nối tiếp nhau rất có ý nghĩa. Nhưng vợ anh cho rằng Thảo có nghĩa thảo nguyên, rồng không thích hợp với nơi cạn như vậy. Chị chọn tên con là Vân bởi theo chị Vân là mây, mà rồng thích cưỡi mây đi trên không trung, đặt như thế mới hợp, cuộc đời con sẽ thuận lợi như diều gặp gió. Và chị quyết liệt bảo vệ quan điểm khiến anh phải nhượng bộ dù trong lòng không vui.

2. Chị Liên sắp sinh con vào tháng 3 âm lịch, nghe đồn có thầy bói đặt tên cho trẻ mỗi quẻ 50.000 đồng nên chị đến xin một tên đẹp mang đầy vận may cho con. Thầy bảo rằng tên trẻ phụ thuộc tháng sinh và ngũ hành tương sanh với cha mẹ. Rồi xủ quẻ bấm tay, thầy phán nếu “khai hoa nở nhụy” vào tháng 3 âm lịch là tháng Thìn. Sinh tháng này rồng đích thực là vua, vì vậy con trai nên đặt tên là Vương. Con gái nên mang tên Hoàng, đồng nghĩa với nữ hoàng hoặc hoàng hậu. Chị nghe thầy bói nói rất chí lý nên quyết định đặt tên con gái mình là Hoàng.

Sau đó, chị đem khoe với đồng nghiệp và hàng xóm thì bất ngờ với ai ông thầy cũng cho hai cái tên như vậy. Nếu sinh tháng 1, 2 âm lịch thì thầy cho rằng sinh đầu năm, rồng này đứng đầu sẽ cai quản tất cả. Còn sinh tháng 4, 5, 6 âm lịch chắc cú là chân mạng đế vương bởi ở trung tâm. Tháng 7, 8 âm lịch là mưa gió, rồng thả sức quấn mây vờn thủy, rồng như vậy mới đáng mặt là vua rồng. Và theo kiểu phân tích như vậy, tất tần tật trai đều mang tên Vương, gái mang tên Hoàng...

3. Theo GS Trần Văn Khê: “Nhiều người khi đặt tên chẳng những gửi gắm ước mơ mà còn muốn con cái gắn bó, thương yêu nhau. Song thân cô Năm Phỉ đặt tên các con rất hay: Công, Thành, Danh, Toại, Phỉ, Chí, Nam, Nhi. Tuy nhiên có không ít bậc cha mẹ yêu ghét cái gì thì lấy đó đặt tên cho con một cách tùy tiện. Chẳng hạn có người thích bóng đá, tennis thì đặt tên con là Bóng, Tennis. Có người ghét uống trà, vậy là đặt tên các con tuần tự là Đừng, Uống, Trà. Đặt như vậy không hay cho đứa trẻ. Tên sẽ theo con mình suốt đời. Vì vậy khi đặt tên phải chú ý về ngữ âm lẫn ngữ nghĩa”.

PGS.TS Lê Trung Hoa, cán bộ giảng dạy Trường đại học Khoa học xã hội - nhân văn TP.HCM, người đã có hơn mấy chục năm nghiên cứu, sưu tầm, đã xuất bản quyển sách Họ và tên người Việt Nam, cho biết tương lai một người phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không phải vào tên. Thực tế có hàng triệu người tên giống nhau nhưng cuộc sống khác nhau hoàn toàn. Có người sôi động, người trầm tính, người là quan chức, người là thường dân, có người giàu, có người nghèo khó...

Tuy nhiên tên rất quan trọng bởi dùng để giao tiếp, thể hiện sự tồn tại của một sinh mệnh, mang ý nghĩa tâm linh rất sâu rộng. Đặt sao cho dễ nhớ, dễ đọc, và một cái tên hay dễ gây ấn tượng tốt người nghe cũng như tạo tâm lý tích cực cho con mình. Đồng thời nên dùng thêm chữ đệm để tránh trùng họ tên. Thường lập ý trước chọn từ sau. Ngoài ra cần có sự bàn bạc, thống nhất nhau chọn một cái tên mà tất cả cùng hài lòng...

PGS.TS Hoa khuyên đặt tên nên tránh đa nghĩa, khó đọc, thô tục, cũng như tránh việc thù oán ai thì đặt tên con là tên người đó gọi cho bõ ghét. Làm như vậy người thiệt thòi đầu tiên chính là con bạn. Bởi tên là món quà thể hiện sự yêu thương, niềm hi vọng của cha mẹ đối với con chứ không phải để gánh trên mình sự thù ghét. Ngoài ra cũng lưu ý tới chuyện nói lái. Chẳng hạn có một bạn trẻ tên Bá Nhàn, bạn học cứ gọi là Bán Nhà. Nhiều khi khiến em bực. Vì vậy tốt nhất nên tránh những từ nói lái có nghĩa không hay, dễ bị chế giễu.

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên