28/04/2011 07:16 GMT+7

Cô đơn giữa chốn đông người

PHI LONG
PHI LONG

TT - “Người ta thấy cô đơn nhất là khi nào? Sự cô đơn có đồng nghĩa với hai chữ “một mình”?” - Hồng Phúc, một nhân viên văn phòng, tự vấn bản thân và cũng mong tìm ra câu trả lời trên blog của mình.

3VMHZmuF.jpgPhóng to

Tham gia các trò chơi tập thể, tăng cường giao tiếp với bạn bè và đồng nghiệp là một trong những cách giúp bạn trẻ tránh gặp cảm giác cô đơn - Ảnh: PHI LONG

Tâm trạng của Phúc không phải hiếm gặp trong các bạn trẻ hiện nay. Thành Trung cũng có tâm trạng như thế. Trung có công việc ổn định tại một công ty truyền thông với mức thu nhập khá, nhưng lại quyết định xin học bổng sang Canada học cao học... Tuy nhiên nhiều điều bất ngờ xảy đến khiến Trung chỉ có thể học vài khóa ngắn hạn ở Mỹ rồi về nước. Từ đó anh chàng lây lất vì chỗ cũ không nhận, chỗ mới không phù hợp: “Bạn bè xung quanh tôi rất nhiều, gia đình có đầy đủ bố mẹ... nhưng vẫn có những thời điểm tôi thấy mình như ở chốn không người”. Hồng Phúc chọn cách chơi game online thâu đêm suốt sáng, còn Thành Trung tìm đến bar, rượu giải tỏa nỗi buồn.

Trong cuốn sách nổi tiếng ở Mỹ The lonely crowd (tạm dịch Sống cô đơn giữa đám đông), ba đồng tác giả là David Riesman, Nathan Glazer và Reuel Denney khảo sát hàng trăm bạn trẻ và phụ huynh để đưa ra lời lý giải cho hiện tượng này. Cuốn sách chỉ ra một hiện tượng thực tế: nhiều người trẻ đang hoang mang không biết mình có được người khác quan tâm, chú ý hay không.

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Giàu, có những bạn trẻ sinh ra trong gia đình đầy đủ tình yêu thương của bố mẹ sẽ dễ vượt qua những lúc cô đơn, chán nản. Nhưng cũng có bạn không may mắn có đầy đủ tình thương yêu gia đình sẽ khó có sức đề kháng tốt, dẫn đến chìm sâu vào nỗi cô độc. Các bạn trẻ thường muốn thuộc về ai đó, về một nhóm nào đó để có bạn bè, nhưng lại tự mâu thuẫn với ý muốn mình là số một, duy nhất. Công nghệ thông tin cũng tác động không nhỏ đến sợi dây liên kết giữa người và người thông qua chat, điện thoại... Sự lạm dụng công nghệ càng làm mối liên kết giữa người với người kém gần gũi hơn.

“Mỗi bạn trẻ cần chủ động giải quyết vấn đề tâm lý trên. Cần xem lại những lúc buồn, cô đơn mình nên làm gì để điều chỉnh theo hướng tích cực hơn. Nếu lao vào chơi game hãy nghĩ đến chuyện làm việc nhà hoặc phụ giúp ba mẹ, nói chuyện với người thân, bạn bè. Nếu suy nghĩ tiêu cực, bi quan hãy nghĩ đến những dự định tương lai, các kế hoạch cho công việc, cuộc sống với tinh thần lạc quan. Đây là những việc làm khó khăn trong hoàn cảnh tâm lý đó, nhưng nếu cố gắng sẽ giúp giải tỏa bớt sự bi quan, thạc sĩ Ngọc Giàu đưa ra lời khuyên.

Trong cuốn sách The lonely crowd, tác giả cũng khuyên: “Chúng ta sẽ bắt đầu từ những việc rất nhỏ như nói chuyện với đồng nghiệp trên đường xuống cầu thang, không dùng điện thoại trong bữa ăn gia đình. Lao vào những hoạt động xã hội có ý nghĩa cũng là cách tốt và nên xem xét loại hình giao tiếp, thiết bị thông tin nào phù hợp với bản thân, cân bằng cuộc sống mà không bị phụ thuộc”.

PHI LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên