02/02/2010 01:20 GMT+7

Mùa đông không lạnh

H.HƯƠNG (Báo chí K30, ĐH Khoa học Huế)
H.HƯƠNG (Báo chí K30, ĐH Khoa học Huế)

TTO - Nó không thích mùa đông, nói đúng hơn là nó ghét, nó sợ những cơn gió lạnh và cái rét thấu xương. Năm nay là năm thứ tư nó đón mùa đông ở Huế. Mùa đông Huế không khắc nghiệt như cái lạnh ở miền Bắc nhưng những cơn mưa kéo dài cũng thật đáng sợ.

s8ccG7Rd.jpgPhóng to
Ảnh minh họa, nguồn: Internet

Nó sợ nhất là những buổi sáng đi học, nó phải đấu tranh “tư tưởng” để thoát khỏi cái chăn ấm cúng. Nhưng điều nó sợ nhất là phải một mình đối diện với mùa đông. Mùa đông luôn làm người ta cảm thấy cô đơn lạnh lẽo. Hơn ai hết, nó biết rõ cảm giác này.

Suốt ba năm sinh viên, nó không hề yêu ai, hay nói chính xác là nó không có cảm xúc với chuyện yêu đương. Dù đã chia tay với Hải, nó vẫn không thể quên được hình bóng cậu ta. Tình cảm giữa Hải với nó chưa hẳn là tình yêu, có lẽ, chỉ mới là tình cảm học trò thơ ngây trong trắng.

Kỳ thi đại học năm ấy Hải rớt, nó đỗ vào một trường ở Huế. Hải quyết định vào Sài Gòn học trung cấp và đi làm thêm. Ngày nó vào Huế nhập học, Hải không nói một lời từ biệt, cũng không có cả một lời hẹn ước.

Nó vào Huế học, cuộc sống xa nhà khiến nó buồn và luôn nhớ Hải. Nó luôn hi vọng và mong ngày nào đó Hải sẽ quay về với nó. Nó hay nhắn tin hỏi thăm Hải nhưng ít khi nhận được hồi âm. Nó linh cảm Hải đã quên nó. Nhưng trong thâm tâm nó vẫn hi vọng và đợi chờ...

Đến một ngày, Hải nhắn tin báo sắp cưới vợ. Nó đau đớn nhận ra Hải sẽ không bao giờ thuộc về nó nữa. Nó buồn và khóc rất nhiều. Những tâm sự ấy nó chia sẻ với... anh. Anh ở cùng xóm trọ với nó, học trên nó hai khóa. Nó luôn xem anh như người bạn thân đáng tin cậy.

Trước đây khi kể cho anh nghe chuyện nó và Hải, anh thường cười: "Em là một người quá mơ mộng". Nó không để ý lắm lời anh nói vì nó chỉ cần có người để chia sẻ nỗi niềm.

Anh cũng không có gì đặc biệt khiến nó để ý, anh không đẹp trai, không cao to, không phải con nhà “đại gia”, chỉ có nụ cười hiền và dễ mến. Khi nó kể cho anh nghe chuyện Hải sắp cưới vợ, anh vỗ về nó: "Cuộc đời này còn nhiều người để em lựa chọn. Hạnh phúc không ở đâu xa, cái chính là mình biết nắm bắt nó".

Từ đó nó thấy anh quan tâm đến nó nhiều hơn. Anh hay rủ nó đi ăn chè - món nó thích nhất ở Huế, rủ nó đi dạo giữa trời đông buốt giá. Lúc đầu, nó không thích vì nó vốn sợ lạnh nhưng dần bị anh thuyết phục. Lần đầu tiên đi dạo phố giữa trời đông giá lạnh, nó nhận ra sự thú vị khác với những lần nó đi dạo phố mùa hè. Phố không ồn ào vì ít người qua lại, một cảm giác thật nhẹ nhàng thảnh thơi, thỉnh thoảng nó co mình khi một cơn gió ùa qua.

Đi bên anh, nghe anh kể chuyện vui, nó thấy lòng vơi đi nỗi buồn và nhận ra cuộc đời còn nhiều điều tốt đẹp. Đôi khi đang đi trên đường, anh dừng lại và bảo: "Đưa tay để anh xem nào!". Thật tự nhiên, anh cầm tay nó, xuýt xoa: "Trời ơi, tay em lạnh cóng rồi này!". Rồi anh áp bàn tay nhỏ bé của nó vào đôi bàn tay ấm áp của anh. Một cảm giác thật lạ lùng dấy lên trong lòng nó. Đã lâu lắm rồi nó không nhận được sự quan tâm yêu thương của người khác.

Chỉ một cái nắm tay thật chặt thôi mà dường như đủ xua tan cái giá rét của mùa đông. Rồi một lần, anh cầm tay nó thật chặt và nói: “Anh đã thích em từ lâu nhưng chưa dám nói. Em đừng buồn nữa nhé! Mùa đông này em sẽ không lạnh nữa đâu vì anh sẽ luôn bên cạnh em. Anh sẽ sưởi ấm cho em”.

Nó hạnh phúc, mỉm cười đón nhận mùa đông đến. Nó không ghét mùa đông nữa. Mùa đông này sẽ thôi lạnh bởi nó đã có anh.

Mời bạn tham gia Nhật ký của nhiều người

Đã bao giờ bạn thử viết nhật ký? Ghi lại một câu chuyện nhỏ, một ấn tượng trong một ngày, một giờ, một khoảnh khắc của mình, có khi bạn lại bất ngờ phát hiện được một thông điệp. Và thông điệp đó lại rất có khả năng có thể sẻ chia với mọi người để chúng ta cùng có một cuộc sống đẹp hơn.

Bạn hãy cùng chúng tôi viết thêm nhiều, nhiều thông điệp khác với những băn khoăn, trăn trở mà các bạn bắt gặp; hoặc đó là những bài học về giá trị làm người mà các bạn "học" được trên đường đời…

Mọi thư từ, bài vở xin gửi về tto@tuoitre.com.vn, xin ghi rõ tham gia mục Nhật ký của nhiều người (bài viết vui lòng dùng font có dấu tiếng Việt). Bài viết chọn đăng sẽ có nhuận bút.

H.HƯƠNG (Báo chí K30, ĐH Khoa học Huế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên