18/12/2006 05:06 GMT+7

Dùng thuốc mọc tóc, lông mày, râu… có hiệu quả?

NGUYỄN QUANG thực hiện
NGUYỄN QUANG thực hiện

TT - * Nhiều nơi quảng cáo có thuốc thoa giúp lông mày, tóc, râu… mọc nhiều hơn với giá 300.000đ/ống. Lông mày của tôi rất ít và thưa, tôi rất muốn mua thuốc này về dùng nhưng không biết có hiệu quả và tác hại gì? Nếu không dùng thuốc thoa, có cách nào giúp lông mày mọc nhiều hơn? Nguyễn Thị Ngọc (Q. Phú Nhuận, TP.HCM)

Bác sĩ Lý Hữu Đức - Bệnh viện Da liễu TP.HCM:

Thuốc mọc lông mày, tóc, râu... chứa những chất cần thiết cho sự phát triển của lông, tóc, râu. Tuy nhiên, thuốc không có khả năng làm tăng số lượng lông, tóc, nghĩa là không thể giúp phát sinh thêm sợi lông, tóc mới làm cho nhiều, cho dày như mong muốn được. Lông mày thưa và ít là do số lượng nang lông ít, chỉ có thể điều trị bằng cấy lông mày, tạo những cọng lông mày mới với những nang lông mới. Thuốc giúp mọc tóc, râu, lông mày cũng có thể gây viêm da dị ứng.

Cứ trăng mọc là bệnh?

* Em tôi 40 tuổi, thể trạng rất gầy (cao 1,55m, cân nặng 35kg). Không hiểu vì sao từ nhỏ đến nay, cứ mỗi khi đến ngày rằm (15 âm lịch) khi trăng mọc là bị nổi những mụt trắng, tròn, nhỏ đầy miệng, nhất là dưới lưỡi, gây đau đớn khi ăn, hôi miệng, chảy nước miếng. Mỗi lần như vậy lại phải mua thuốc về bôi miệng. Thế nhưng qua rằm, khi trăng lặn thì hết. Bệnh cứ diễn tiến như vậy. Em tôi đã cữ ăn cá biển, thịt bò, xoài, mít, sầu riêng… nhưng không hết. Xin hỏi đó là bệnh gì, có chữa hết không? Nguyễn Thị Diệp (Q. Gò Vấp, TP.HCM)

Bác sĩ Lý Hữu Đức:

Em của chị bị bệnh Aphtes, dân gian thường gọi là bệnh “đẹn trăng” và có câu “Trăng lên thì nổi, trăng lặn thì chìm” để nói về sự tái phát của bệnh này. Đây là bệnh liên quan đến tình trạng rối loạn miễn dịch ở vùng niêm mạc miệng lưỡi. Bệnh không thể chữa khỏi hẳn, thường hay tái phát, nhất là khi cơ thể suy yếu như bị cảm sốt, tiêu chảy... Bệnh thường kéo dài 5-7 ngày, nhưng cũng có thể kéo dài hơn trong trường hợp mãn tính, thể trạng suy kiệt. Thuốc uống có thể dùng là sinh tố PP, sinh tố C, kháng sinh phổ rộng nếu có bội nhiễm, thuốc kháng viêm giảm đau không có corticoit. Trong trường hợp bệnh nặng, lở loét, chảy nước miếng nhiều, không ăn uống được, có thể dùng thuốc có corticoit. Tuy nhiên, cần cẩn thận vì thuốc có nhiều tác dụng phụ. Trong ngày có thể ngậm mật ong nguyên chất giúp mau lành vết loét.

Bệnh không liên quan đến thức ăn nên không cần kiêng cữ. Tuy nhiên, cần ăn thức ăn nguội, ít gia vị (tiêu, ớt...) để tránh làm thương tổn trong miệng, gây đau thêm. Trước khi ăn độ nửa giờ, nên thoa thuốc tê giảm đau tại chỗ hoặc corticoid kháng viêm tại chỗ (loại dùng trong miệng) để tạo thuận tiện cho việc ăn uống.

NGUYỄN QUANG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên