13/04/2009 02:45 GMT+7

Sinh viên cờ bạc...

Nhóm PV Nhịp sống trẻ
Nhóm PV Nhịp sống trẻ

TT - Cờ bạc, cá độ bóng đá… những tệ nạn hủy hoại sự nghiệp và cả nhân cách người trẻ. Với giới sinh viên, môi trường xa nhà và sống tập trung nguy cơ càng lớn hơn.

1KxkTgvj.jpgPhóng to
Từ những “casino” quanh các trường ĐH tại TP.HCM - Ảnh: Trần Huỳnh

Nhịp sống trẻ đã thử khảo sát ở nhiều ký túc xá, quán cà phê… những nơi giới sinh viên (SV) thường lui tới.

Quán cà phê nằm trước cổng Trung tâm Giáo dục quốc phòng - ĐHQG TP.HCM (P.Linh Trung, Q.Thủ Đức) hơn hai tháng nay nhiều nhóm SV thường xuyên tụ tập đánh bạc. Chiều 9-3 tại quán này, chúng tôi chứng kiến gần 10 nam SV vây quanh một chiếc bàn đánh bài cào với mỗi lượt đặt tiền 10.000-20.000 đồng. Một nam SV ta thán: “Hôm nay trúng cái gì mà đen quá!”. Bốn SV còn lại chuyển sang đánh bài cactê, 10.000 đồng/ một “hội”, vừa đánh vừa hò hét.

Anh Ba Thanh, một người bán vé số dạo hay đi qua khu vực này, lắc đầu: “SV giờ máu mê thiệt. Hôm nọ tui thấy có một đứa thua đến hơn 500.000 đồng mà mặt mày tỉnh bơ, còn định đi “cắm” giấy tờ xe đánh tiếp”.

Dae6MSY7.jpgPhóng to
... cùng những con bạc sinh viên trong quán cà phê bóng đá tại Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Thành Chung

“Casino” tiến sát trường học

Nhìn quanh các quán cà phê Phương Vy, MTV, Tre, Sơ Ri nằm xung quanh Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM (cơ sở Linh Trung, Thủ Đức) phải có hơn chục sòng bài của SV và cả dân lao động. Cánh SV trong làng ĐHQG TP.HCM gọi khu này là “casino SV”. Giờ học vẫn thấy hàng chục SV say sưa sát phạt. Ng.N. - SV ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM - thú thật: “Lúc trước mấy đứa trong trường rủ đánh bài ghi điểm uống nước cho vui, riết rồi tụi nó “tiến lên” đánh bài ăn tiền... mình ham vui dính luôn”.

Gần 18g, mấy sòng bài trong quán vẫn xôm tụ. Các chủ quán cà phê đều làm lơ trước nạn cờ bạc của SV vì muốn giữ khách.

Ở nội thành, các quán cà phê xung quanh các trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, Văn Hiến, Kỹ thuật công nghệ, Công nghiệp TP.HCM, Ngoại ngữ - tin học... sòng bài SV cũng không kém xôm tụ. Nhưng SV nội thành thường đánh bài ghi điểm, không chơi “tiền tươi”. Mấy quán cà phê đối diện cổng sau ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM thông báo: “Khách vui lòng không đánh bài ăn tiền”.

Một chủ quán cho biết: “SV vô uống nước đánh bài ăn tiền, công an đến phạt tụi tui nên phải dán giấy như vậy. Chơi bài ghi điểm trả tiền nước vui thì được...”. Tuy nhiên, một SV tiết lộ: “Bọn tôi chơi ghi điểm rồi cộng sổ thanh toán sau. Có đứa sau buổi ăn thua cả triệu bạc”. Hôm chúng tôi đến ĐH Giao thông vận tải TP.HCM thấy nhóm SV mặc áo đồng phục trường này lục tục rời quán cà phê gần ĐH Văn Hiến kéo nhau đến góc đường... “tính sổ”. Có người móc vài tờ polymer loại 100.000 đồng đưa nhau...

Quán cà phê là sòng!

Dường như đã thành lệ, sáng nào quán cà phê ngay trước cổng Trường ĐH Duy Tân, Đà Nẵng cũng đón hàng chục SV. Sau khi nhâm nhi ly cà phê và mấy ván tiến lên ai thua nấy trả, khi đã đủ tụ thì bắt đầu đánh bài ăn tiền. Nhìn những tiếng la hét, cãi cọ vang lên, ít ai có thể hình dung được họ là SV. Đáng nói là cảnh tượng ấy kéo dài từ sáng đến tối, từ ngày này sang ngày khác.

Nhà trọ thành sòng bạc

SV còn thường xuyên nghỉ học chơi bài trong phòng trọ. Chiều 19-3, chúng tôi vào xóm trọ SV ở ấp Tân Lập (xã Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương) thấy cả chục sòng bài. Trong mấy phòng trọ SV chơi bài rôm rả. N.T.V., một SV năm 1 ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM đang trọ ở đây, cho biết: “Khu trọ chỗ mình từ lúc qua tết vào học đến nay SV đánh bài như cơm bữa. Ban đầu chỉ đánh độ ăn trái cây, hủ tiếu nhưng sau đó chuyển sang đánh ăn tiền. Nhiều SV sau khi thua hết tiền học còn đem cả xe máy, máy tính đi cầm”.

Phần lớn xóm trọ SV Huế nằm sâu trong các con hẻm nên việc lập sòng đánh bạc từ sáng tới tận khuya mà không có người phát hiện cũng là điều dễ hiểu. Xóm trọ của Đình Hoạt, SV Trường đại học Khoa học (Huế), nằm lọt thỏm trong hẻm 131 Trần Phú với bốn phòng toàn là nam SV luôn trong tình trạng kín cổng cao tường, khóa cửa để đảm bảo an toàn cho việc “nằm ổ” chơi bài ăn tiền. Căn phòng chỉ rộng chừng 8m2, giường được xếp lại, trải chiếu rồi bốn người quây tròn đánh bạc.

Khu xóm trọ SV nằm trên đường Xuân Diệu, các nhà trọ san sát, nam nữ xen kẽ. Chủ không quản lý trực tiếp nên SV tự do lập sòng. Thậm chí họ còn thuê người canh cổng cho chắc ăn khi có dân phòng, công an kiểm tra.

Để sát phạt, không ít SV còn liên kết mở sòng với các nhóm bên ngoài trường dưới hình thức “giao lưu ăn tiền”. Các cặp đánh đôi sẽ thay nhau tráo bài đánh với giá chung từ vài trăm ngàn đồng. “Muốn đánh bạc trước tiên phải có tiền, ít thì 500.000 đồng, nhiều thì vài “chai” (triệu), muốn đánh lớn, nhỏ gì cũng có miễn là chịu chơi”, một SV cho hay.

Không ít bạn vì nghiện cờ bạc mà cầm cả đồ đạc có giá trị để lấy tiền chơi bạc. Do vậy sinh viên lúc nào cũng lủng lẳng điện thoại, đồng hồ, máy tính, iPod... bên mình, “sẵn sàng ứng chiến” ngay tại trận. Càng thua càng cay cú, càng thắng càng máu chơi nên các canh bạc đen đỏ SV cứ luân phiên từ sáng tới tận khuya.

UzriN1cB.jpgPhóng to

... đến những sòng bạc trong nhà trọ tại Huế -Ảnh: Phan Bá Mạnh

Trắng tay vì bóng đá!

Những tối cuối tuần, tại các quán cà phê quanh các trường đại học ở Hà Nội luôn đông đúc SV. Từ lâu, cá độ bóng đá luôn có sức hút, những hôm có bóng đá SV thức thâu đêm vừa coi vừa cá độ.

Cuối tuần, tôi ghé một quán cà phê gần khu Phương Mai, Đống Đa - nơi có rất nhiều trường đại học như Kinh tế quốc dân, Bách khoa, Xây dựng... Mới 8 giờ tối quán đã đông khách, chủ yếu là SV. Họ bàn tán về kèo chấp, tiền ăn ra sao, tài- xỉu thế nào... khá rôm rả.

Không khí bóng đá tại một quán cà phê trong khu Cổ Nhuế, gần Trường đại học Mỏ - địa chất cũng “xôm” không kém. Gần 30 SV ngồi chăm chú theo dõi trận đấu thuộc giải vô địch Tây Ban Nha khi đã về sáng. Hỏi, một SV trả lời: “Cá chứ! Đi xem bóng mà không “chơi” một chút thì còn gì là hứng thú…”. Bạn cho biết ở khu xóm trọ, ngày nào có bóng đá là họ tụ tập nơi quán cà phê thâu đêm. Nhiều trận đá muộn thường diễn ra lúc 3-4 giờ sáng, vậy mà các “đệ tử trung thành” vẫn cố bám trụ để xem và… “cày”! Tất nhiên, chuyện họ đến giảng đường hầu như không bao giờ có. Trở về phòng trọ để ngủ và ai “bình minh” sớm cũng phải đến chiều...

Một nhóm SV Đại học Giao thông, trọ tại khu Quan Hoa, Cầu Giấy. Không biết con nhà giàu, hay nghèo, nhưng cái khoản cá độ thì họ chơi triền miên và ai cũng “máu” lắm. Những hôm không dư dả họ cũng phải cố xoay lấy nửa quả (500.000đ) đánh cho đỡ “vật”.

“Khi máu ăn thua đã nổi lên thì bắt đầu đánh lớn. Chuyện SV thua bài một vài triệu đồng là bình thường”.

(V.T., SV ĐH Thể dục thể thao 2)

Ở khu vực Phùng Khoan, Trung Văn, Từ Liêm không ai xa lạ với Nguyễn Văn T., một tay cá độ “chuyên nghiệp”. Có lần T. “đi đứt” 10 triệu đồng. Muốn cứu vãn, T. “cắm” cả máy tính, xe máy… để tiếp tục lăn theo trái bóng. Việc T. có được thi tốt nghiệp hay không vẫn còn là một... ẩn số.

Lê Văn H., SV Trường đại học Khoa học tự nhiên, cũng “cày” đêm ngủ ngày. Bao nhiêu tiền cha mẹ còng lưng dưới quê gửi lên H. đều “nướng” vào bóng đá. Tiền vay ngân hàng đóng học phí H. cũng “mượn” để dùng cho việc cá cược. Thua nhiều nên tức, H. quyết “sống chết” cùng trò chơi may rủi này với số tiền vay “nóng” từ các bạn… Nhưng thần “may mắn” không mỉm cười với cậu. Không có tiền trả bạn, bị cấm thi, H. bỏ trốn! Thế là sự nghiệp học hành “đứt gánh”, dang dở.

Nhiều SV cho biết “cá độ là cách kiếm tiền nhanh nhất”. Không biết phụ huynh hằng tháng vẫn gửi tiền cho con ăn học có hay con mình đêm đêm vẫn thức nhưng không phải để học hành mà đốt thời gian, tiền bạc, trí lực... vào trò đỏ đen đầy hiểm nguy?

Còn ít tiền mới nhận của ba mẹ, tôi cho D. mượn 500.000đ. D. hứa chắc mai trả. Đúng 8 giờ, D. gọi điện cho tôi sang phòng cậu ấy. Ngoài D. còn có bốn người bạn khác. Mọi người tranh luận sôi nổi. D. đưa tôi tờ báo Bóng Đá rồi nói: “Mi xem, thích “đi” trận nào thì nói. Không thì cứ “đi” theo tao, tao tính kỹ rồi”.

Ngồi cạnh tôi là Q., SV năm 2 ĐH Sư phạm. Q. cho biết trước khi vào đại học không biết cá độ là gì nhưng bạn bè rủ nên chơi. Chơi rồi ham và không bỏ được. “Dạo này xui quá, em “đi” mấy trận tuần trước thua cả, mất gần hai chai (2 triệu đồng). Hôm nay vừa cầm cái điện thoại được 5 xị (500.000đ) chơi tạm, không biết ông trời cho “ăn” không”.

Mọi người “bắt kèo” xong, D. chạy qua nhà bên chuyên ghi cá độ bóng đá để ghi tỉ số. Người ít tiền thì chơi 200.000đ, nhiều thì 1 triệu và hơn thế.

Hậu quả là tiền ba mẹ gửi cho D. ăn học tháng này không còn. Q. thì không chuộc lại được điện thoại. M. nợ tiền bạn bè. Trước đó ba mẹ của M. đã phải từ Quảng Bình vào Huế đem tiền chuộc lại máy tính do M. cầm quán lấy tiền cá độ. Sau vụ đó ba mẹ M. cũng đem máy về quê luôn.

Nhóm PV Nhịp sống trẻ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên