17/09/2006 16:13 GMT+7

Phòng trọ sinh viên - không gian sống "hành xác"!

Nguồn: THU HƯƠNG - MẠNH TÂN - VietNamNet
Nguồn: THU HƯƠNG - MẠNH TÂN - VietNamNet

Theo quy định của Bộ Xây dựng có quyết định từ 22-6-2006, điều kiện tối thiểu nhà ở cho người lao động, học sinh, sinh viên các trường đào tạo, dạy nghề thuê để ở thì hầu hết nhà trọ trên địa bàn TP.HCM đều vi phạm.

grKPVSEx.jpgPhóng to

Những căn bếp rộng không quá 1m2 là nguy cơ cháy nổ cao.

Nhà ở "công nghệ cá mòi"!

Để biết không gian sống của sinh viên hiện nay co hẹp cỡ nào thì cứ qua mấy con hẻm đối diện trường học của họ là hiểu. Một người bạn “mách nước”, chúng tôi bước chân vào “trận đồ bát quái” những nhà trọ sâu hút trong hẻm đối diện trường ĐHKHTN. Hẻm 253B Nguyễn Văn Cừ, Q.5.

Từ đường Nguyễn Văn Cừ nhìn hai phía là những nhà sách, trường học hiện đại, nhà cửa sang trọng. Nhưng sau đó là trận đồ bát quái với những nhà cấp 4 lợp tôn quá đát, vách ngăn bằng ván gỗ tạm bợ. Hẻm vào như thử thách khả năng khéo lách của các khổ chủ. Lỡ chạy xe quá lố, muốn quay lại cách tốt hơn cả là dẫn lùi, vì nhìn vào con hẻm dài cả trăm mét chỉ có chiều rộng khoảng 1m, không hẹn lối trước có… chỗ quay xe!

“Dân SV thành phố vẫn gọi chỗ ở của chúng tôi là “khu ổ chuột”, nghe “khi dễ nhau”, nhưng mà…cũng giống vậy thật. Ngõ này ngách nọ, sâu như hang! Mình ở lâu thì quen, thì chấp nhận, chứ như mẹ mình, thương con lắm lên ở được hai bữa, nấu được bốn bữa cơm là đòi về vì ngột ngạt, chịu không được”. - Hoàng Tùng, Khoa Sinh ĐH KHTN (đang ngụ ở đó, nhận xét). Với kinh nghiệm ba lần tìm nhà, Tùng cho biết đa phần các khu trọ có giá khoảng 200.000 mỗi người đều như vậy, ở đây đi học còn gần, không tốn chi phí gửi xe vì đi bộ được. Tính qua tính lại thì ngột ngạt một chút cũng chịu được.

“Giải pháp” thoát khỏi tình trạng ngột ngạt, nóng nực của các phòng trọ - có không ít chỉ là gác xép với chiều cao không quá 1m50, đi luôn phải khom lưng - cánh sinh viên ngày lấy trường học, thư viện là nhà và chỉ trở về khi nắng tắt, đêm xuống.

Rất hiếm phòng trọ dành cho sinh viên có diện tích bằng 9m2 trong khu vực nội thành. Đi thực tế, không khó để chứng kiến “công nghệ cá mòi” và công nghệ nhà trọ sinh viên chẳng khác nhau xa bao nhiêu (người xếp vào phòng nằm có khi như cá xếp hộp!).

Căn phòng 6m2 nằm ngay trong khu chợ Bùi Phát (Q3) là “tổ ấm” của 4 bạn Huỳnh, Nghĩa, Trung, Hoà. 4 cậu sinh viên Khoa Văn này lãng mạn gọi phòng của mình là tổ ấm vì không có cửa sổ, phòng lúc nào cũng hừng hực… như hâm nóng. Chỉ vừa vặn đủ kê chiếc chiếu trúc và giá sách, máy tính. Buổi ngày còn có thể vươn vai còn buổi tối chúng nó về nhà hết thì… đừng mơ. Những căn phòng hàng xóm cũng y chang vậy, cách nhau bởi phên gỗ mỏng.

Cầm lòng ở với những nguy cơ

Đa phần sinh viên không biết tới quy định người ở trọ cần bao nhiêu m2 và phòng trọ bao nhiêu thì đủ. Họ không ngại ở trong những căn phòng ngăn vách gỗ, cửa nẻo có khi chẳng cần khoá, chốt cẩn thận và nhu cầu có một cái cửa sổ lấy ánh sáng tự nhiên được coi là “xa xỉ” vì rất hiếm nhà trọ có cửa sổ.

Chủ cho thuê trọ cũng không cần biết tới quy định, luật lệ. Tất cả đều thua... lệ nhà trọ, cơi nới thu xếp được càng nhiều chỗ ở họ càng hài lòng vì tăng thêm vài trăm ngàn. Nhưng cũng vì thế, nguy cơ càng tăng lên theo tỉ lệ thuận.

Thông thường, do diện tích đất có hạn, các phòng trọ tận dụng tối đa không gian nhỏ hẹp như nâng gác bằng gỗ, trải simili tạm bợ cho SV. Khu Lý Thường Kiệt gần ĐH Bách khoa, những con hẻm đường Đinh Tiên Hoàng đường Nguyễn Thi Minh Khai gần trường ĐH KHXH&NV, hẻm Ngô Tất Tố, đường D2, Ung Văn Khiêm gần trường ĐH Kỹ thuật công nghệ, ĐH Văn Hiến, ĐH Giao thông Vận tải, khu Cô Giang gần KTX ĐHQG, TH Cao Thắng...

Hàng tháng, nhiều SV vẫn phải trả tiền ra thuê mướn không gian sống theo kiểu “hành xác”. Không ít chủ nhà yêu cầu SV không kèm theo xe máy, vi tính để tránh chiếm dụng không gian. Và những cái giá 120 000/người tưởng rẻ mà không rẻ khi chủ nhà dồn cả 5-6 sinh viên không quen biết lại với nhau với câu nói xởi lởi “Bốn bể là nhà mà”.

Ở đông, toàn những người không quen biết nên học rất khó tập trung. Bạn bè không có sự nhường nhịn nhau tối thiểu mà mạnh ai nấy sống. T.Hà, ĐHKHXH&NV cho biết về chỗ ở của mình như thế. Khó chịu nhưng tìm nhà không dễ, Hà “đành lòng” nhịn, chỉ khi không biết tại sao từ máy phone, điện thoại… cứ không cánh mà bay thì cô không đành lòng nổi. Chủ nhà không giải quyết, chỉ nhắc nhở chiếu lệ qua loa. Hà đành ra đi không hẹn ngày quay lại với những căn phòng thiếu an toàn đến cả không gian sống.

Hoàng Lan - ĐH Bách Khoa thì có kinh nghiệm xương máu với "bà hoả". Chia tay người yêu, cô đưa hết thư tình, ảnh kỷ niệm ra đốt lúc đang nấu ăn. Một mồi lửa rơi ra, bám vào tủ quần áo gần kề. Cũng may ngọn lửa còn yếu nên chỉ hai chậu nước là dẹp được. Khói bốc lên nghi ngút, chủ nhà phạt 100 000 tiền "mất trật tự" rồi thôi. "Nghĩ lại thấy mình ngu, lúc đó thay vì lửa bám tủ quần áo mà nổ bếp ga thì mình "tèo đời". Từ đó chừa hẳn "đùa với lửa".

Sinh viên mơ chỗ ở ký túc xá

Hầu hết ký túc xá (KTX) SV tại TP.HCM đã kín chỗ. Năm học mới, Ký túc xá 135B Trần Hưng Đạo, quận 1 đón 250 sinh viên chuyển từ cơ sở Linh Trung, Thủ Đức lên. Giá phòng ở ký túc xá Trường Tự Nhiên là 70.000 đồng/sinh viên/tháng.

Ký túc xá Trường ĐH Nông Lâm dành 1.200 chỗ cho tân sinh viên (nhiều hơn năm ngoái 200 chỗ) với giá 400-600 ngàn đồng/sinh viên/học kỳ. Sư phạm thể dục thể thao TP.HCM năm nay, đủ chỗ cho 110 sinh viên khóa mới với giá 700 ngàn đồng/sinh viên/năm. Ký túc xá Trường ĐH Sư phạm có hơn 370 chỗ cho sinh viên, 70 ngàn đồng/tháng/sinh viên. So với năm ngoái, “leo thang” giá KTX 10.000.

Ban quản lý KTX Trường ĐHQuốc gia TP.HCM, Linh Trung có chỉ tiêu dành cho tân sinh viên là hơn 4.000 suất, ngoài sinh viên thuộc diện ưu tiên, sinh viên ĐH Quốc gia và sinh viên 11 tỉnh xây dựng ký túc xá ĐH Quốc gia cũng được ưu tiên...

Mặc dù các trung tâm, ký túc xá có nhiều nỗ lực đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho sinh viên, song nếu so với con số trên dưới 200.000 sinh viên các tỉnh, thành đang học tập tại TP.HCM thì nhà trọ vẫn là nỗi lo hàng đầu của sinh viên. Hầu hết sinh viên khi được hỏi đều cho biết, ký túc xá vẫn là nơi lý tưởng. Không chỉ vì giá tiền phù hợp mà những hoạt động tập thể cùng với sự "giám sát" của BQL khiến các bạn an tâm hơn về môi trường sống. Ông Văn Thành, KTX Đại học KHTN cho biết "nâng cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần phòng cháy chữa cháy, vệ sinh tập thể... là việc thường xuyên được lưu tâm ở KTX này, để hướng tới một mái nhà chung KTX sạch - đẹp - an toàn".

Tuy vậy, vẫn có không ít KTX có nguy cơ hỏa hoạn cao, nhất là khi các sinh viên vẫn thường nấu cơm chui, trái với quy định cuả BQL.

Điều kiện tối thiểu đối với một phòng ở: diện tích sử dụng phòng ở không được nhỏ hơn 9m2; diện tích sử dụng bình quân cho mỗi người thuê để ở không nhỏ hơn 3m2 (không tính diện tích khu phụ); phòng ở phải có cửa đi, cửa sổ đảm bảo yêu cầu thông gió và chiếu sáng tự nhiên.

Cửa đi phải có chiều rộng lớn hơn hoặc bằng 0,75m. Cửa đi phải có chốt khoá, cửa sổ phải có chấn song đảm bảo an toàn, an ninh trong sử dụng; phải đảm bảo cho mỗi người thuê có giường để ngủ; phải có đèn đủ ánh sáng chung cho cả phòng; phòng ở được xây dựng khép kín; các khu vực vệ sinh, phòng tắm phải có tường ngăn cách với chỗ ngủ và phải đảm bảo hợp vệ sinh.

Nguồn: THU HƯƠNG - MẠNH TÂN - VietNamNet
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên