11/03/2010 21:12 GMT+7

Rạn da - không đáng ngại

Theo BS. NGUYỄN HOÀNG QUÂNDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo BS. NGUYỄN HOÀNG QUÂNDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Rạn da là hiện tượng rất thường gặp ở phụ nữ mang thai, bắt đầu xuất hiện từ tháng thứ tư của thai kỳ trở đi. Chính vì sự phổ biến này ở phụ nữ mang thai (theo thống kê ở Hoa Kỳ, 90% phụ nữ mang thai bị rạn da) nên hiện tượng ấy còn được gọi là vết rạn da do thai kỳ.

Cũng chính vì nhiều người nghĩ rằng rạn da chỉ xảy ra ở người có thai nên một số thiếu nữ rất lo lắng khi gặp phải, sợ người yêu… nghi ngờ. Thực ra, rạn da cũng có thể gặp ở một số thanh, thiếu nữ, thường là những người béo phì sau khi đã giảm cân, tuổi dậy thì hoặc do sử dụng một số loại thuốc.

Dù không gây bất kỳ vấn đề gì về sức khỏe , rạn da lại gây ra “nỗi đau buồn khó tả”, và khiến người mắc trở nên kém tự tin!

8Wm1Pgql.jpgPhóng to
Ảnh minh họa

Vết rạn da có bề ngoài giống như một dải dẹt, sọc vằn hoặc những đường rạn nứt nhỏ. Rạn da thường xuất hiện với những vệt song song, màu đỏ tía, mỏng, bóng, đôi khi giống những vết sẹo màu trắng hoặc nâu nhạt. Rạn da có thể hơi lõm nhẹ xuống và có cấu trúc khác với da bình thường bên cạnh.

Rạn da thường xảy ra ở một vùng nào đó trong cơ thể (thường là vùng bụng) lớn nhanh một cách bất thường (có thai, béo phì). Sự giãn nhanh của da theo sự lớn nhanh của một vùng nào đó dẫn đến thoái hóa dưỡng bào (một loại tế bào trong cơ thể liên quan nhiều đến hiện tượng dị ứng và giữ vai trò quan trọng trong việc lành vết thương, bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi sinh vật gây bệnh) cùng với tổn thương các sợi keo (sợi collagen) và sợi đàn hồi (sợi elastin) sau đó.

Lúc mới xuất hiện, vết rạn da có màu hồng cánh sen, dẹt, phẳng và có thể bị ngứa. Tiếp theo, chúng có màu đỏ tía, dài và rộng ra. Bề mặt của vết rạn có thể bị nhăn. Vết rạn được xem là “trưởng thành” sẽ có màu trắng hoặc nâu nhạt, có thể hơi lõm nhẹ, dẹt và thường cùng hướng với chiều căng da.

Thường thì vết rạn có chiều dài khoảng vài centimet và rộng khoảng 1-10mm. Dần dần, một số vết rạn da trở nên nhạt và khó thấy. Diễn tiến tự nhiên của vết rạn tương tự như diễn tiến của các vết sẹo khi lành da. Vị trí xuất hiện của rạn da tùy theo nguyên nhân gây ra, như sau:

Do mang thai: rạn da thường xuất hiện ở bụng và ngực.

Do béo phì: rạn da thường xuất hiện ở bụng và đùi. Tuy nhiên, nó cũng có thể xuất hiện ở mọi vùng phát triển kích thước nhanh.

Do sự phát triển ở tuổi dậy thì: với nam, rạn da thường xuất hiện ở mặt ngoài của đùi và vùng thắt lưng. Với nữ: rạn da thường xuất hiện ở đùi, mông và ngực.

Do uống hay chích corticoid kéo dài: thường xuất hiện lan rộng nhiều vùng rộng lớn trên cơ thể, đôi khi có thể xuất hiện ở mặt.

Như đã nói, dù không gây nguy hiểm về sức khỏe, nhưng xét về mặt thẩm mỹ, rạn da thật không… dễ chịu chút nào đối với các chị, các cô, có thể làm cho họ mất tự tin. Do đó, quan trọng nhất vẫn là dự phòng. Ngày nay, có rất nhiều sản phẩm khá hiệu quả trong việc ngăn chặn rạn da.

Một khi rạn da đã xuất hiện, nên điều trị càng sớm càng tốt. Trong giai đoạn sớm, khi vết rạn còn màu hồng, việc điều trị có cơ may thành công cao nhất. Dĩ nhiên, đối với các bà mẹ mang thai hay đang cho con bú, việc điều trị bắt đầu khi nào, với phương pháp gì là do bác sĩ trực tiếp khám quyết định.

Đối với rạn da giai đoạn muộn - vết rạn đã chuyển sang màu trắng, việc điều trị trở nên khó khăn hơn rất nhiều. May mắn thay, với sự tiến bộ của ngành dược thẩm mỹ và sự phát triển nhanh chóng của ngành laser y học, ngày nay việc điều trị rạn da giai đoạn muộn đã thu được kết quả rất tốt nhờ sự kết hợp trong điều trị:

Massage: Massage nhẹ nhàng, chậm rãi kết hợp thoa kem làm ẩm da đều đặn mỗi ngày ở những vùng da bị rạn bằng các sản phẩm có chứa vitamin A, vitamin C chiết xuất từ hoa quả để kem thấm sâu vào bên trong da. Các hoạt chất này kích thích quá trình tái tạo da, đặc biệt ở lớp biểu bì, giúp cho da luôn ẩm, cho da mềm và sáng, tạo điều kiện cho các vết rạn giảm dần.

Việc massage có hiệu quả khi kết hợp với các retinoid (dẫn xuất của vitamin A). Massage với retinoid bôi tại nơi bị rạn da giúp ích trong việc tái cấu trúc các sẹo và cũng có hiệu quả trong việc cải thiện các biểu hiện bên ngoài của sẹo như bề mặt vết rạn, độ sâu vết rạn, màu sắc cũng như độ đàn hồi của da vùng bị rạn.

Thuốc “lột da”: Sử dụng một số loại thuốc “lột da” nhẹ cho thấy có hiệu quả tốt trong việc cải thiện vết rạn da. Sử dụng đều đặn hằng tháng giúp cải thiện rạn da về độ rạn, độ săn chắc và màu da bị rạn.

Laser: Tia laser với bước sóng phù hợp sẽ xuyên thấu cả toàn bộ da, từ lớp biểu bì tới lớp bì. Tia laser giúp khôi phục tình trạng teo và nhăn của lớp biểu bì, kích thích sự hình thành các mô sợi collagen và sợi elastin trong lớp bì, giúp da căng hơn, chắc hơn. Đặc biệt, đối với điều trị rạn da, công nghệ Fractional CO2 Laser cho hiệu quả rất ngoạn mục.

Đây là hệ thống cung cấp các điểm tổn thương nhiệt nhỏ li ti và xung quanh là mô không bị tổn thương giúp mau lành vết thương và giảm thiểu tác dụng phụ. Loại laser này hoạt động dựa trên cơ chế tái tạo tế bào tự nhiên của cơ thể. Tia laser tạo ra nhiều vết thương cực nhỏ trên da, kích thích da tái tạo tế bào mới và sản sinh collagen tại vị trí vùng da bị lõm, làm đầy dần vết lõm.

Trong điều trị, nếu kết hợp cả ba phương pháp này có thể mang lại hiệu quả rất khả quan cho cả những trường hợp rạn da khó chịu nhất. Kết quả có thể đạt được là xóa đi 60-80% vết rạn, tùy thuộc vào mức độ tái tạo da nhanh hay chậm của của từng người.

Theo BS. NGUYỄN HOÀNG QUÂNDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên