21/06/2006 11:12 GMT+7

Hàng vải "độc" được ưa chuộng

Theo Quốc tế thị trường & Tiêu dùng
Theo Quốc tế thị trường & Tiêu dùng

Mặc dù các loại sản phẩm quần áo may sẵn luôn chiếm ưu thế về lượng lẫn chất, song không vì thế mà mặt hàng vải sợi bị "chết".

WgaK2E9C.jpgPhóng to

Chúng vẫn tồn tại trong "một khoảng trời riêng" và vẫn tạo được ấn tượng với người tiêu dùng nhờ có hàng "độc" với những chất liệu vải tưởng chừng như rất khó kiếm, song lại có thể "săn" được ở các chợ, cửa hàng...

Hàng "độc" không hiếm

Chị Quách Muội, một chủ sạp kinh doanh mặt hàng sợi vải cao cấp tại chợ An Đông (Q.5) nhận định, do thị hiếu của khách hàng ngày càng cao nên những loại vải "độc" và lạ luôn được khách hỏi mua. Chính vì thế, các tiểu thương thường sưu tầm những loại vải lạ và cao cấp từ chất liệu, cách dệt đến màu sắc, đồng thời luôn cập nhập hàng mới... để "kéo" khách mới và giữ chân khách cũ. Đây chính là cách để luôn có lượng khách ổn định.

Hàng "độc" thường được khách nước ngoài, những người thích mua vải về "lên đồ", các cửa hàng, các shop "lên" hàng thời trang cao cấp mua sắm... Bà Trần Huỳnh- nhà thiết kế thời trang cho biết: Bà thường tìm kiếm những loại vải độc đáo, cao cấp để thể hiện ý tưởng sáng tạo của mình. Lúc trước khó chọn được loại ưng ý vì trong nước chưa có vải lạ, đẹp... nên phải nhờ mua ở nước ngoài, nhiều khi rất bị động.

Hiện nay chỉ việc ra các chợ như Bến Thành, Tân Định, An Đông, Soái Kình Lâm ở TP.HCM hay chợ Đồng Xuân, Phùng Khắc Khoan, chợ Hôm, chợ Ninh Hiệp ở Hà Nội... là có đủ từ lụa Ấn Độ, gấm ngũ sắc Hàng Châu (TQ), thổ cẩm, voan Thái Lan, tơ lụa Việt Nam....đến các loại phụ kiện kèm theo.

Theo đại diện ban quản lý chợ vải Soái Kình Lâm thì việc nhập các loại vải cao cấp theo nhiều đường, chủ yếu do tiểu thương "tự mở đường" khai thác nguồn hàng hoặc theo nhu cầu khách hàng sẽ nhập khẩu chính thức hay đặt hàng qua các "kênh" từ nước ngoài, các công ty chuyên gia công may mặc hay xách tay từ nước ngoài về.

Các mặt hàng được nhiều người ưa chuộng hiện nay là những loại vải lạ về chất liệu, màu sắc như: tơ, lụa, voan ánh bạc... do các làng nghề thủ công nổi tiếng ở Ấn Độ, TQ sản xuất; gấm tia ngũ sắc, tơ tằm thiên nhiên của Tô Châu, Hàng Châu (TQ), vải đũi Thái Lan, vải dệt từ lông cừu của vùng Nội Mông (TQ)... để may trang phục dạ hội, áo khoác, áo kiểu... Ngoài ra, một số mặt hàng khác dùng để may veston, bộ đầm vest cao cấp dùng mặc trong những buổi dạ tiệc sang trọng như: Tejin của Nhật Bản, Dormeuil của Anh, lụa Hàn Quốc... cũng được ưa chuộng.

Tơ lụa Việt Nam "lên ngôi"

Tơ lụa từ các làng nghề được xếp vào loại sang trong bậc nhất của hàng dệt may Việt Nam. Các tuyến đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Lê Thánh Tông, Phạm Ngũ Lão...(TP.HCM) hay Hàng Bông, Hàng Gai, Đồng Xuân, Hàng Đào, Hàng Da, Phùng Khắc Khoan (HN) là những phố nổi tiếng bán vải tơ lụa. Những người có điều kiện thì đến tận làng Lụa Vạn Phúc (Hà Tây) để chọn mua, cũng là một thú vui.

Tơ lụa truyền thống Việt Nam nổi tiếng với những sản phẩm được dệt từ làng nghề Vạn Phúc, thổ cẩm Chăm... là những "đặc sản" không chỉ được khách trong nước mà cả khách nước ngoài chọn mua. Những loại vải như tơ tằm in hoa, sử dụng hai mặt, đũi, thổ cẩm tuy có mặt từ lâu nhưng luôn mang nét mới trong lối trang trí hoa văn hoặc với các kiểu thêu tay sang trọng.

Hiện, người tiêu dùng có xu hướng quay về với tơ lụa do các làng nghề trong nước sản xuất và giá cũng rẻ hơn hàng ngoại nhập. Mua vải ở các cửa hàng "tên tuổi" thường đảm bảo về chất lượng và giá cả niêm yết rõ ràng. Trong khi mua ở những chỗ khác, có thể rẻ hơn 10-20%, nhưng dễ bị nhầm phải loại vải rạn mặt, pha sợi tổng hợp hay hàng nhái. Theo bà Lâm Bích Nguyệt, Ban quản lý chợ Bến Thành, nên chọn mua các mặt hàng vải cao cấp ở những nơi quen biết hoặc phải có kinh nghiệm ít nhiều về vải sợi để tránh bị lừa gạt.

Theo Quốc tế thị trường & Tiêu dùng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên