05/10/2013 20:54 GMT+7

Người già và đôi dép

LÊ NGỌC HẠNH
LÊ NGỌC HẠNH

TTCT - Tôi cứ nhớ hoài hình ảnh cụ ông ở khoa mắt Bệnh viện Trưng Vương hôm tôi tham gia làm tình nguyện viên trong đợt phẫu thuật mắt miễn phí cho những bệnh nhân nghèo.

1OAcK7ta.jpgPhóng to
Minh họa: Salem

Ông cụ đã ngoài tám mươi nhưng trông khỏe với tướng người cao to, tay cứ ôm khư khư đôi “sabô” mới toanh.

Lúc đưa bệnh nhân xuống cầu thang đi làm xét nghiệm, tôi bảo ông cụ đi dép vào, ông lắc đầu nguầy nguậy bảo: “Mang dép vướng víu qua đi hổng có được, ở dưới quê qua đi cẳng không quen rồi”. Vậy là cứ rao rảo chân không, vừa đi ông vừa kể chuyện tối qua thằng con đi mần về nghe nói bữa nay ông lên Sài Gòn mổ mắt nên chạy ra thị trấn sắm cho ông đôi dép, bởi ở nhà quanh năm suốt tháng ông cụ toàn đi chân đất chẳng bao giờ chịu mang dép.

Thằng con còn “hù” ông lên thành phố mà đi chưn không sẽ đạp trúng mấy con “di chùng”. Đến lúc vào phòng mổ ông cụ mới chịu buông đôi dép gửi tôi, kèm lời dặn dò kỹ lưỡng: “Cô giữ giùm qua chút hen, qua sợ để mất đôi dép dìa con nó buồn, nó rầy chết!”.

Câu chuyện đôi dép của ông cụ làm tôi nghĩ về câu chuyện ngày cũ của ba tôi ở quê. Nhớ hôm về nhà thấy đôi dép cũ mèm, lạ hoắc nằm ngoài thềm, tôi hỏi. Ông bảo bữa trước đi ăn giỗ bị người ta mang lộn mất đôi dép. Tôi kêu trời, chặc lưỡi vì tiếc đôi dép xịn mua đến mấy trăm ngàn.

Sau lần đó độ cũng gần năm, bữa về nhà tôi lại thấy ông đi đôi dép cũ mèm, gần sứt cả quai, không cần hỏi tôi đã cằn nhằn ba lại không cẩn thận để mất đôi dép. Thấy tôi giần giận, ông chỉ nhẹ nhàng: “Nhà người ta đám giỗ, sẵn mừng tân gia về nhà mới ai cũng để dép ở ngoài, hổng lẽ mình ba mang vô coi sao được. Ở quê mà con!”.

Tôi bực tức: “Nếu mang nhầm thì đôi dép phải na ná nhau, đằng này một trời một vực, mốc thếch, cũ mèm”. Thằng Út, em tôi, thấy vậy bảo từ nay chuyện giày dép của ba để nó lo, bảo tôi đừng trách ba tội nghiệp!

Mới hôm rồi về nhà, thấy đôi dép lạ trước thềm tôi biết ông lại vừa... “biếu” đi một đôi dép nữa. Nhìn hình hài hai chiếc dép cơ hàn, thống khổ đến nỗi chẳng ra được một đôi bởi một chiếc to, một chiếc nhỏ, cũ xì, mốc thếch với một màu đen, một màu nâu mà tôi phì cười.

Ba tôi nhìn hai chiếc dép lắc đầu rồi chặc lưỡi: “Thiệt tình cái cha nội này, đổi đôi dép mà cũng không ra hồn là một đôi”. Rồi như sực nhớ điều đã định sẵn trong đầu, ông quay sang tôi bảo: “Mai về dưới mua cho ba đôi dép lào màu xanh thứ hồi xưa ba hay mang nghen, đừng mua loại dép đắt tiền, thử coi còn cha nội nào dám đổi dép ba nữa không!”.

Tôi lại nhớ đến hình ảnh ông cụ ôm khư khư đôi dép ở bệnh viện vì sợ để mất dép về con la... Rồi tôi lại nhớ đến những lần tôi đã cằn nhằn ba... Bỗng dưng thấy mình nhỏ nhen!

Trên bộ, dưới sông

Dân sông nước Cái Răng - Ngã Bảy - Ngã Năm - Cà Mau... có một quy ước chung, bán hàng hóa gì thì bẹo (treo) hàng trước mũi ghe tàu. Bán khoai lang treo củ khoai, bán khóm treo khóm... Bẹo hàng để người tiêu dùng biết mà mua, người bán khỏi phải rao hàng cho mỏi miệng. Đấy là những gì diễn ra trên sông ngày trước.

Hè này tôi có dịp về quê chơi suốt ba tháng ở một huyện vùng sâu: Long Mỹ, Hậu Giang, chứng kiến cách tiếp thị mua bán không như xưa.

Trên bộ thì đủ thứ âm thanh rao bán, quảng cáo y như ở thành phố.

Còn dưới sông người dân không chỉ bẹo hàng mà ghe tàu xuôi ngược chở đầy hàng hóa được rao bán một cách “hiện đại” qua công nghệ truyền tin. Người ta rao hàng bằng băng đĩa, có loa khuếch đại âm thanh đặt ở mũi ghe. Xin ghi lại một số lời rao hàng thời hiện đại:

- Gạch ống, gạch tàu Vũng Liêm đây. Bà con cần xây nhà, lót sân đến lúa đông xuân ghé lấy tiền.

- Cá tra, cá dồ đến đây. Trả góp dài ngày.

- Khoai lang Tân Lược, Tân Quới đây. 10kg hai chục ngàn.

- Dưa hấu Long An đây. Đỏ ngọt, mỗi ký bốn ngàn.

- Bàn ghế Chợ Mới đây. Bán chịu tết lấy tiền.

Dòng sông quê tôi là giao thủy huyết mạch nối liền với các tỉnh trong vùng Tây Nam bộ, nay từ sáng đến chiều đầy ắp những âm thanh chát chúa. Nghe mà sao không vui. Nghe mà sao não ruột... Bởi cảm giác như nghe những tiếng kêu cầu cứu từ việc làm ăn ế ẩm và cảnh đời cơ cực của nông dân.

NGUYỄN LƯ

LÊ NGỌC HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên