03/02/2015 09:26 GMT+7

Bị khiếm thính, làm sao tìm được việc phù hợp?

TTO
TTO

TTO - * Em sống tại TP.HCM, tốt nghiệp cao đẳng ngành quản trị kinh doanh từ năm ngoái, đến giờ chưa có việc làm. Tai em một bên bị lãng, một bên bị điếc.

Em có đeo máy trợ thính hỗ trợ nhưng nghe không rõ bằng người thường (một phần do máy trợ thính không được tốt), lại bị cận thị nên không ai tiếp nhận em vào làm việc.

Theo anh chị thì em nên làm những việc gì? Em thích làm đóng gói sản phẩm (liên quan lao động tay chân, hoặc kiểm tra chất lượng sản phẩm cũng được) nhưng nhiều lần nộp hồ sơ người ta nói em học cao đẳng mà đi làm phổ thông nên không nhận... (T.T)

Khi đi phỏng vấn, cần tự tin vào năng lực của mình - Ảnh minh họa: mainstreet.com

- Tư vấn của bà Huỳnh Ngọc Ánh - Tổng giám đốc công ty Career Vision: Trước mắt bạn nên tìm một chiếc máy trợ thính thật tốt, đo độ cận và làm kính thật tốt để cải thiện khả năng nghe nhìn.

Để bổ khuyết cho những hạn chế của mình, nếu làm việc văn phòng, bạn nên tập trung rèn luyện kỹ năng vi tính, đánh máy nhanh bằng mười ngón không cần nhìn màn hình máy vi tính hoặc tiếng Anh đọc viết thật giỏi, hoặc có thêm một ngoại ngữ khác để tạo được lợi thế cạnh tranh.

Bạn cũng có thể học thêm kỹ năng thiết kế đồ họa, hoặc những kỹ năng tương tự tạo sự khác biệt nổi trội hơn những bạn khác trong những nghề không cần phải có một đôi tai rất thính và một đôi mắt rất tinh.

Nếu bạn nhận thấy mình có đôi tay khéo léo, thao tác nhanh nhẹn có thể làm tốt các công việc tay chân thì cũng có thể chuyển hướng sang công việc tay chân như cắm hoa, nấu ăn, bán hàng qua mạng.

Điều cần nhất là bạn cần phải tập trung nhìn nhận lại năng lực bản thân, những điểm khuyết về tai và mắt ở mức độ nào, bạn có thể làm tốt được những việc gì, bạn có những khả năng và thiên hướng nào đặc biệt... Bạn hãy tự liệt kê tất cả lên giấy để có một sự hình dung về mình một cách rõ ràng.

Thực tế cho thấy, khi một người có một khiếm khuyết nào đó, thì các giác quan hoặc các cơ quan khác sẽ khỏe lên để bổ trợ, do đó bạn cũng sẽ có những năng lực mạnh tiềm ẩn nào đó mà bạn cần phải nhận ra để phát huy.

Để thuyết phục nhà tuyển dụng về năng lực làm việc của mình, bạn nên đưa ra một số minh chứng cụ thể.

Ví dụ, mặc dù mắt bạn cận nhưng bạn vẫn có thể đánh máy nhanh chính xác bằng cả mười ngón tay; dù tai bạn không rất thính nhưng bạn vẫn có thể nắm bắt được thông tin và trả lời nhanh nhạy trong suốt buổi phỏng vấn...

Khi đi phỏng vấn, bạn cần tự tin vào năng lực của mình, đừng quá lo lắng mặc cảm về những khiếm khuyết. Chính vì sự lo lắng mặc cảm của bạn mà nhà tuyển dụng không thể tin là bạn có thể làm được việc. Do đó hãy nghĩ về những điểm mạnh của mình và tự tin thể hiện.

Đồng thời bạn thuyết phục nhà tuyển dụng bằng nhiều ưu điểm khác có thể hỗ trợ hiệu quả cho công việc, ví dụ như siêng năng cần cù, không ngại khó, kiên trì, chịu khó học hỏi, khéo tay, nhanh nhẹn, giao tiếp tốt, biết đối nhân xử thế...

Điều quan trọng nhất là bạn không tự xem mình là một người khuyết tật, mà phải tự xem mình là một người khỏe mạnh đầy đủ năng lực như mọi người khác, để ý chăm sóc đến ngoại hình, diện mạo, sức khỏe, cách ăn mặc của mình.

Hãy tìm cách thu hút người khác bằng nụ cười dễ mến, cách nói dễ nghe, cử chỉ tác phong nhanh nhẹn, lịch thiệp, thái độ lễ phép nhiệt tình thân thiện… Nếu chú ý, bạn sẽ thấy có rất nhiều điều khác khiến bạn trở nên hoàn thiện hơn trong mắt mọi người.

Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề lao động việc làm, kỹ năng nghề nghiệp... bạn đọc có thể gửi về chương trình "Tư vấn việc làm" tại địa chỉ vieclam@tuoitre.com.vn (vui lòng gõ tiếng Việt có dấu).

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên