08/10/2013 14:06 GMT+7

30 tuổi có nên chuyển sang ngành nghề khác?

CÔNG NHẬT (ghi)
CÔNG NHẬT (ghi)

TTO - * Tôi năm nay 30 tuổi, tốt nghiệp ĐH Kinh tế ngành thương mại và đã đi làm cho nhiều công ty ở vị trí kinh doanh, tư vấn. Dù được đánh giá cao trong công việc nhưng tôi luôn có cảm giác không hài lòng với những gì mình đã làm, có vẻ tôi còn làm được nhiều hơn thế.

kAMT9XdR.jpgPhóng to
Ảnh: newdelhi.olx.in
TTO - * Tôi năm nay 30 tuổi, tốt nghiệp ĐH Kinh tế ngành thương mại và đã đi làm cho nhiều công ty ở vị trí kinh doanh, tư vấn. Dù được đánh giá cao trong công việc nhưng tôi luôn có cảm giác không hài lòng với những gì mình đã làm, có vẻ tôi còn làm được nhiều hơn thế.

Tôi rất thích kỹ thuật, đặc biệt là máy móc, máy tính và phần mềm. Tôi muốn làm trong công việc mình yêu thích nhưng muốn chuyển sang kỹ thuật là cả một vấn đề vì phải học lại ngành kỹ thuật 4,5 năm (hệ vừa học vừa làm).

Tôi đang tìm một công việc sales (kinh doanh) trong lĩnh vực kỹ thuật máy móc, song song đó học bổ sung ngành cơ điện tử. Tuy nhiên, việc này khá khó khăn vì đa phần công ty kinh doanh máy công nghiệp đều yêu cầu tuyển kỹ sư bán hàng. Không biết có trường hợp nào giống tôi không, và họ đã chọn giải pháp nào? (richardtduy@)

- Tư vấn củaThS Nguyễn Thị Thanh Hằng - trưởng phòng phát triển bền vững Holcim VN: Trường hợp của bạn không phải cá biệt. Có rất nhiều người cảm thấy không hài lòng với hoàn cảnh hiện tại và muốn thử sức, tìm kiếm cơ hội mới sau một thời gian đi làm dù họ đang có công việc ổn định, lương tốt.

Ở độ tuổi của bạn, tâm lý ngại làm lại từ đầu là điều dễ hiểu, vì vậy chọn cách chuyển tiếp này là giải pháp thông minh. Ngoài ra, tinh thần luôn trăn trở và phấn đấu để phát triển bản thân của bạn cũng là một điểm cộng.

Tuy nhiên, điểm trừ của bạn là hơi tham lam dẫn đến sự mơ hồ, gây khó khăn trong quyết định. Cụ thể ở phần trên, bạn cho rằng bạn muốn làm nhiều hơn những gì bạn đang làm (theo tôi hiểu là bạn muốn mở rộng phạm vi, trình độ chuyên môn…) nhưng ở dưới lại thể hiện rằng bạn muốn chuyển hướng từ kinh doanh sang làm chuyên sâu về kỹ thuật và bước trung gian của bạn sẽ là sales kỹ thuật?

Như bạn cũng tìm hiểu là sales kỹ thuật thường chọn người tốt nghiệp ngành kỹ thuật. Ngoài ra, bạn cũng chưa nói rõ điều gì khiến bạn không dám bỏ hết tất cả để đi học lại một lĩnh vực mới từ đầu: Phải chăng đó là vấn đề phải bảo đảm kinh tế ổn định cho gia đình, hay vì bạn cũng không chắc ý muốn đó đã đủ chín muồi? Điều này khiến việc tư vấn khó chính xác.

Mỗi nghề nghiệp có những khía cạnh thú vị lẫn không thú vị. Bạn hãy thử liệt kê ra những điều mà nghề nghiệp hiện tại của bạn khiến bạn hứng thú và cả những điều khiến bạn khó thể thích nghi. Tương tự, bạn hãy thử đi trò chuyện cùng những người đang làm nghề nghiệp mà bạn mơ ước (sales kỹ thuật) để thu thập, tham khảo những thông tin về ngành nghề cũng như sự tư vấn chính xác nhất từ họ. Từ đó bạn sẽ có sự so sánh và phát hiện ra những khiếm khuyết, kỹ năng cần bổ sung hoặc những thử thách mà bạn chắc chắn sẽ gặp phải, từ đó quyết định sẽ hợp lí hơn.

Mỗi người có những sở trường, năng khiếu, hoàn cảnh, giá trị và mục đích sống riêng, và những điều này lại thay đổi theo từng giai đoạn trong cuộc đời. Nếu chúng ta chọn nghề theo cảm tính nhất thời mà không xác định rõ mục đích cuối cùng là gì thì ắt hẳn một lúc nào đó trong đời, chúng ta lại hối hận sao lại đi hướng này mà không đi hướng kia. Để không mắc phải sai lầm này, bạn cần dành thời gian để xác định một số điều sau:

1) Xác định tầm nhìn và mục đích của cuộc đời mình. Để làm được việc này, bạn cần hiểu rõ năng lực cốt lõi của bản thân và bạn muốn dùng chúng đi theo cách nào để tạo nên giá trị cho xã hội và những người xung quanh. Đây là việc khó, nhưng nếu bạn dành thời gian để nghĩ về điều này, bạn đã giải được 50% bài toán nghề nghiệp của mình.

2) Đâu là điều có ý nghĩa quan trọng với bạn: sức khỏe, uy tín, kiến thức, ảnh hưởng xã hội hay gia đình…? Thử tìm hiểu xem công việc hiện tại, công việc mơ ước trong tương lai sẽ có thể mang lại và lấy đi ở bạn những giá trị nào.

3) Nguồn công việc trong xã hội là vô cùng đa dạng nhưng hiếm có công việc nào thỏa mãn hết tất cả sở thích, mong đợi từ chúng ta. Hãy mạnh dạn chia sẻ tầm nhìn và giá trị của bạn với những người bạn tin cậy. Nếu bạn đủ kiên định với tầm nhìn và trung thành với những giá trị của mình, một ngày nào đó giấc mơ của bạn sẽ thành hiện thực theo cách mà bạn chưa từng nghĩ đến. Bạn càng hình dung rõ ước mơ và đích đến của mình, bạn sẽ càng mau đạt đến đó.

Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề lương bổng, kỹ năng nghề nghiệp, phỏng vấn xin việc... bạn đọc gửi về chương trình "Tư vấn việc làm" tại địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn. Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

CÔNG NHẬT (ghi)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên