14/03/2012 12:48 GMT+7

Thời gian đi làm ngắn, có nên ghi trong CV?

NGUYỄN TRUNG THÀNH (trưởng văn phòng Công ty CP đầu tư & phát triển Sacom)
NGUYỄN TRUNG THÀNH (trưởng văn phòng Công ty CP đầu tư & phát triển Sacom)

TTO - * Em tốt nghiệp ĐH hệ liên thông chính quy vào tháng 6-2011, chuyên ngành kế toán. Thời gian qua em có đi làm vài nơi nhưng không đúng chuyên ngành. Nói chung em đi làm một thời gian họ cho nghỉ.

MN4bYoax.jpgPhóng to
Ảnh: personalbrandingblog.com
TTO - * Em tốt nghiệp ĐH hệ liên thông chính quy vào tháng 6-2011, chuyên ngành kế toán. Thời gian qua em có đi làm vài nơi nhưng không đúng chuyên ngành. Nói chung em đi làm một thời gian họ cho nghỉ.

Em làm nhân viên quầy trong một siêu thị, em làm rất nhiệt tình nhưng họ chê em không biết bán hàng, không tươi cười. Rồi em làm ở một nhà hàng, làm kế toán nhưng em kiêm luôn nhiều công việc, họ chê em chưa có kinh nghiệm.

Em muốn hỏi là với bằng kế toán, em có thể làm những nghề gì? Hiện tại em mới học một khóa thực hành kế toán. Trong sơ yếu lý lịch em có nên ghi kinh nghiệm làm việc trong nhà hàng không? Em thấy thời gian làm việc của em cũng ít, nếu nhà tuyển dụng hỏi em thấy khó trả lời. Mong chương trình tư vấn giúp em.

(huyentrang803@)

- Chào bạn. Trước tiên, tôi đề cập đến hồ sơ dự tuyển của bạn. Bạn nên tách “hồ sơ dự tuyển” của bạn thành thư giới thiệu bản thân và sơ yếu lý lịch.

Nội dung chính trong thư giới thiệu:

1. Giới thiệu đôi chút về bản thân.

2. Lý do tại sao bạn biết nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và chọn nộp đơn cho doanh nghiệp này (phù hợp với định hướng nghề nghiệp, làm việc trong môi trường năng động, vận dụng kiến thức đã được học trong công việc thực tế…) và cam kết của bản thân nếu được tuyển dụng và làm việc trong doanh nghiệp.

3. Lời kết (ví dụ: Rất mong quý công ty dành thời gian xem xét hồ sơ ứng tuyển của em và dành thời gian… Xin chân thành cám ơn. Trân trọng…).

4. Ký tên.

Do thư giới thiệu nhằm mục đích giới thiệu đôi nét về bản thân bạn, cũng như để thuyết phục nhà tuyển dụng chọn bạn tham dự phỏng vấn, thư thường được trình bày theo dạng văn viết. Tùy mỗi doanh nghiệp khác nhau, hoàn cảnh khác nhau mà bạn thay đổi, điều chỉnh thư giới thiệu cho phù hợp. Bạn có thể tham khảo mẫu thư giới thiệu trên Internet.

Sơ yếu lý lịch: là văn bản trình bày chi tiết về bản thân bạn, trình độ, kinh nghiệm, năng lực + thông tin tham khảo…

1. Thông tin cá nhân và mục tiêu nghề nghiệp: họ tên, giới tính, ngày sinh, trình độ, thông tin CMND, địa chỉ thường trú - liên lạc, thông tin liên lạc (email, di động…), tôn giáo, dân tộc, chiều cao, cân nặng… Mỗi doanh nghiệp có thể cần thông tin khác nhau nhưng đây là những thông tin cơ bản.

2. Quá trình học tập và làm việc:

- Quá trình học tập: thông tin học tập của bạn từ trung học trở lên, các chứng chỉ đào tạo có liên quan…

- Quá trình làm việc: thông tin đưa vào quá trình làm việc, vừa phải liên quan đến công việc bạn đang ứng tuyển, vừa là thông tin để doanh nghiệp phỏng vấn bạn. Do đó, bạn nên cân nhắc thông tin quá trình làm việc.

3. Năng lực + thông tin tham khảo:

- Năng lực: vi tính, tiếng Anh, giao tiếp, hoạch định…

- Thông tin tham khảo: người liên hệ để xác nhận.

Tóm lại, bạn nên dành thời gian trau chuốt lại hồ sơ xin việc của bạn để làm sao doanh nghiệp thấy có nhu cầu gặp gỡ bạn để tìm hiểu thêm. Như vậy là bạn đã thành công bước đầu.

Về câu hỏi của bạn, tôi có vài ý kiến:

Ngành học kế toán, công việc liên quan nhiều nhất là nhân viên phòng kế toán ở các doanh nghiệp (kế toán bán hàng, kế toán ngân hàng, kế toán thanh toán, kế toán vật tư, kế toán giá thành, kế toán công nợ…). Ngoài ra cũng có một số vị trí khác liên quan đến ngành học kế toán (thống kê, thủ kho…).

Tùy theo vị trí công việc và đặc thù từng doanh nghiệp, các doanh nghiệp có những yêu cầu đối với từng vị trí và đánh giá nhân sự đang thực hiện công việc đó theo các yêu cầu đó (chuyên môn, năng lực, nhiệt tình, thái độ, hòa đồng, sẵn sàng học hỏi, tư vấn cho khách hàng, hoạt động tập thể, làm việc đồng đội…).

Tổng hợp đánh giá trên các yếu tố đó, doanh nghiệp sẽ quyết định chọn nhân sự phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp (ví dụ: chịu khó học hỏi, hòa đồng với mọi người, có tinh thần hợp tác và làm việc đồng đội…). Do đó, khi doanh nghiệp nhận xét bạn như vậy, bạn cũng nên tự xem xét về bản thân xem có những điểm nào chưa hoàn thiện, cần điều chỉnh.

Về kinh nghiệm làm việc, bạn nên cân nhắc kỹ trước khi cung cấp quá trình làm việc trước đây vào hồ sơ xin việc vì các lý do sau:

Nhà tuyển dụng luôn đặt câu hỏi về các khoảng thời gian ngắt quãng của bạn (ví dụ: tháng 10 và 11-2011 bạn có làm gì không? Tại sao…). Do đó, nếu bạn không ghi thời gian làm việc tại nhà hàng vào thì nhà tuyển dụng có thể sẽ đặt câu hỏi về khoảng thời gian trống này.

Trường hợp bạn cung cấp thời gian học việc, thời gian làm việc tại nhà hàng, nhà tuyển dụng sẽ sử dụng những thông tin do bạn cung cấp để phỏng vấn bạn. Do đó, bạn phải chuẩn bị kỹ thông tin để giải đáp các câu hỏi của nhà tuyển dụng.

Nói chung, nhà tuyển dụng sẽ có phương pháp, cách thức để lấy thông tin từ ứng viên để đánh giá. Do đó, bạn cần chuẩn bị kỹ tất cả các thông tin liên quan đến kiến thức, kinh nghiệm, năng lực trước khi gửi hồ sơ, lúc phỏng vấn cũng như trong quá trình làm việc.

Chúc bạn thành công!

Mọi thắc mắc liên quan đến vấn đề lương bổng, kỹ năng nghề nghiệp, phỏng vấn xin việc... bạn đọc gửi về chương trình "Tư vấn việc làm" tại địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

NGUYỄN TRUNG THÀNH (trưởng văn phòng Công ty CP đầu tư & phát triển Sacom)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên