27/07/2017 15:51 GMT+7

Bác sĩ ở Thổ Chu

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Khi chúng tôi hoàn thành bài viết này thì anh đã rời Thổ Chu vào đảo Phú Quốc (Kiên Giang) công tác. Nhưng ký ức về những năm tháng ở Thổ Chu - một đảo tiền tiêu phía Tây Nam Tổ quốc - thì không thể quên trong tâm khảm người bác sĩ ấy.

*** Error ***
Bác sĩ Trần Đình Dũng và binh nhất đồn biên phòng 770 Lê Văn Hồng - người đã được anh cứu sống trong ca phẫu thuật chỉ có anh là bác sĩ, một y sĩ và hai y tá phụ việc - Ảnh: MY LĂNG

“Mong muốn lớn nhất của tôi là được cung cấp đủ dụng cụ y tế, thiết bị máy móc phục vụ điều trị cho bệnh xá hiện đã quá cũ kỹ và thiếu thốn".

Bác sĩ TRẦN ĐÌNH DŨNG

Anh là đại úy, bác sĩ Trần Đình Dũng, từng là bệnh xá trưởng bệnh xá quân - dân y đảo Thổ Chu. Bệnh xá vốn là nơi ở của bộ đội được cải tạo, máy móc dụng cụ y tế thiếu thốn, cái có thì lại cũ và hỏng, nhân lực quá ít nhưng luôn đảm bảo trực 24/24 giờ. Anh và các y bác sĩ - trong những tình huống quá cấp bách - đã chế tạo ra những dụng cụ y tế để xoay chuyển tình hình, giành lại sự sống cho bệnh nhân.

Trắng đêm, khản giọng vì bệnh nhân

Khi chúng tôi đến Thổ Chu, bệnh nhân Mai Thành Trung, 40 tuổi, vừa được chuyển vào Phú Quốc an toàn lúc 11h trưa bằng tàu cao tốc của biên phòng và buổi chiều sẽ bay về TP.HCM tiếp tục điều trị.

“Bệnh nhân uống rượu suốt 10 ngày, không ăn uống gì, bị kiệt sức và kéo theo những diễn biến vô cùng phức tạp. Sáng 4h kiểm tra mạch huyết áp chỉ số vẫn bình thường nhưng 5h20 thì không bắt được mạch nữa. Mạch huyết áp không đo được” - bác sĩ Dũng kể. Anh gọi điện vào cho các thầy mình ở Bệnh viện 175 để hỗ trợ.

Bệnh nhân lại bị ói khan, cứ năm phút ói một lần, bụng căng cứng rất đau đớn do bị trướng hơi. Phải có thiết bị đặt thông hậu môn để giảm áp lực giúp bệnh nhân bớt đau. Nhưng bệnh xá lại không có.

“Anh Dũng đã dùng ống cao su hấp sạch chế ra ống thông hậu môn để giảm áp lực bụng cho bệnh nhân đỡ đau. Một lát sau thì bệnh nhân đỡ đau, bụng xẹp đi. Nếu không có ống thông ấy, bệnh nhân sẽ rất đau đớn và việc cứu chữa còn khó khăn hơn rất nhiều” - trung úy - y sĩ Nguyễn Văn Thùy kể.

Sau hai ngày cấp cứu, sáng 22-1 anh Trung đã được chuyển vào đảo Phú Quốc. “Anh Dũng luôn nói với chúng tôi phải xác định bệnh nhân là số 1. Ảnh viêm họng, mất giọng vì bệnh nhân này đấy. Hai ngày nay nhiều người gọi hỏi quá, cứ 10 phút phải báo cáo một lần, trả lời điện liên tục”.

Trong suốt hai năm ở đảo Thổ Chu, người bác sĩ ấy đã gặp không ít tình huống đầy thử thách như thế. Vừa ra đảo ngày 7-11-2011 thì 4h chiều 9-11 anh đã mổ ca sản đầu tiên. Sản phụ thai con so già tháng (10 tháng), cơn chuyển dạ kéo dài nên không còn sức rặn. Nếu để quá ba tiếng nữa sẽ chết cả mẹ lẫn con.

“Không quyết định mổ không được dù tôi chưa mổ sản bao giờ” - anh Dũng cho biết. Vừa làm, bác sĩ Dũng vừa gọi điện cho cô giáo là bác sĩ Bệnh viện 175 “cầu cứu”. Không biết dụng cụ sản khoa mặt mũi như thế nào, anh đành phải lấy dụng cụ phẫu thuật ruột thừa tùy cơ ứng biến. “Bệnh xá hoàn toàn không có dụng cụ nào chuyên khoa về sản! Tôi phải lấy dụng cụ mổ ruột thừa chế làm dụng cụ mổ sản dù rất khác nhau” - anh Dũng cho biết. Anh kể thêm: “Khi đưa được đứa bé ra, vỗ một phát nó khóc thấy sướng lắm, người mình nhẹ bẫng”.

Trăn trở của người bác sĩ

“Đây thật ra không thể gọi là bệnh xá vì ban đầu xây cho một đơn vị ở đã gần 40 năm nên kiến trúc phòng ốc sai hoàn toàn quy củ ngành y” - anh Dũng cho biết. Khó khăn nhất hiện giờ của bệnh xá là thiếu người khi chỉ có hai bác sĩ, hai y sĩ, hai y tá và hai công nhân viên. Máy móc chỉ có một máy siêu âm cũ nhưng đã hỏng. Dụng cụ toàn đồ cũ, không ra tên gọi cụ thể, chính xác. Có cái han gỉ phải bỏ.

Đảo có 420 hộ với 1.639 nhân khẩu nhưng bệnh xá chỉ có một máy tạo oxy, một máy hút dịch. Cửa kính nhiều phòng đã bị vỡ. Trong phòng phẫu thuật chỉ có chiếc bàn mổ cũ và một bàn inox.

Y sĩ Thùy cho biết thêm: “Nhờ ca sản vừa rồi mới xin được cái bàn mổ này đấy. Giàn bóng đèn mổ mới cấp nhưng sản xuất từ năm 1985, bốn bóng thì hết ba bóng bị cháy, bóng còn lại mờ. Phòng mổ bệnh xá mấy tháng trước còn không có máy lạnh. Mổ một ca cả tiếng, quần áo trùm kín nóng hầm hập. Phẫu thuật xong anh em y bác sĩ ướt hết.

Chạm vào chiếc máy chụp X-quang, anh Dũng có vẻ phấn chấn hơn: “Đơn vị có cái này là mới tinh, mới cấp tháng 5-2012, hoạt động rất tốt. Máy mới đập hộp, hàng của Mỹ đấy”.

Các y bác sĩ túc trực 24/24 giờ. “Ở đây không bỏ trực, nếu có là bị kỷ luật nên dân rất tin” - bác sĩ Dũng bảo. Đón mấy cái tết ở đảo nhưng năm nay anh Dũng mới tranh thủ được 10 ngày về thăm vợ con do không có người ra thay.

Trước khi ra đảo Thổ Chu, anh Dũng được gửi về Sài Gòn học lớp sơ bộ ngoại bụng. Quá trình ấy, người bác sĩ quê Hải Phòng này chủ động liên hệ với một số bệnh viện tuyến huyện, tuyến quận có mổ hở để học, bởi trong đất liền toàn mổ nội soi hiện đại, còn ngoài đảo không có máy nên phải mổ hở. Cứ có ca mổ ruột thừa nào là bác sĩ Bệnh viện Gò Vấp gọi, anh lại đón xe ôm chạy từ Bệnh viện 175. Mấy ca đầu anh chỉ được đứng phụ, sau đó được làm luôn. Chỉ một tuần sau khi học xong, anh nhận quyết định biên chế ra Thổ Chu công tác.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên