27/06/2017 14:06 GMT+7

Để ai cũng có 'nhà mình' trong lòng

KIM ANH
KIM ANH

TTO - Tùy vào mỗi gia đình mà “giờ gia đình” có thể là giờ cùng nhau dùng bữa cơm tối, cùng con học bài hoặc cùng nhau đi xem phim, chơi thể thao, dã ngoại...

Ba cha con anh Nguyễn Phi Bằng cùng đi xe đạp để rèn kỹ năng xử lý tình huống trên đường phố - Ảnh: DOÃN ĐÀO
Ba cha con anh Nguyễn Phi Bằng cùng đi xe đạp để rèn kỹ năng xử lý tình huống trên đường phố - Ảnh: DOÃN ĐÀO

Mỗi ngày dành ít thời gian trò chuyện cùng con. Tuổi của con bây giờ xem bạn bè quan trọng hơn gia đình, chính vì thế cha mẹ không gần gũi thì con càng xa mình hơn

Anh NGUYỄN THANH AN

Những ngày hè này ba cha con anh Nguyễn Phi Bằng (Q.1, TP.HCM) đã chọn cùng nhau đạp xe trên phố vào mỗi sáng để giúp hai con trai anh xử lý các tình huống có thể xảy ra khi đi trên đường.

Những câu chuyện quanh vòng xe

Khoảng cách từ nhà đến cửa hàng của gia đình anh Bằng chừng 2km đã trở thành nơi đạp xe của cha con vào mỗi sáng. Tuấn Anh năm nay học lớp 6, còn Kỳ Anh học lớp 5 đã được cha hướng dẫn sử dụng xe đạp để có thể đạp xe đến trường học.

“Tôi hướng dẫn các con xử lý các tình huống cụ thể khi gặp phải nên các cháu sẽ nhớ lâu. Ví dụ mỗi lần muốn sang đường hay đi gần các phương tiện giao thông khác thì chỉ cho các cháu cách quan sát, xin đường và nhường đường như thế nào” - anh Bằng cho hay.

Không chỉ hướng dẫn con kỹ năng đi xe đạp mà gia đình anh Bằng thường xuyên duy trì “giờ gia đình” vào mỗi tối sau khi các thành viên trong nhà đã hoàn thành công việc.

“Chúng tôi luôn gần gũi các con để khơi gợi những câu chuyện như hỏi con về bạn bè hoặc đào sâu phân tích những câu chuyện trên mạng mà các con đang quan tâm. Mỗi lần trò chuyện mình không chỉ hiểu con hơn mà còn giúp sợi dây tình cảm trong gia đình thêm khăng khít” - anh Bằng chia sẻ.

Cùng quan tâm tạo không khí bên gia đình nhỏ của mình, anh Nguyễn Thanh An và bà xã Thúy Loan luôn tìm cách để chơi cùng con bằng cách hỗ trợ con thực hiện sở thích làm bánh của mình. Dù là con trai nhưng Nguyễn Thành Tài (lớp 6) lại rất say mê với việc làm bánh.

Thấy con say mê nên vợ chồng anh chị chở con đi siêu thị mua nguyên liệu và cùng con vào mạng tìm hướng dẫn làm bánh.

Chị Thúy Loan còn mua tặng con chiếc lò nướng. Những giờ cùng làm bánh, không khí gian bếp rộn ràng hẳn. Mới đây, Tài tự tin cùng mẹ làm bánh pizza đãi anh em họ hàng ngay dịp sinh nhật của mình.

Quý những bữa cơm gia đình

Thường ngày trong tuần anh Trần Văn Nguyên (Q.7) phải làm việc theo ca, “giờ gia đình” của nhà anh thường xuyên được tổ chức vào cuối tuần. Hai cô con gái một học lớp 9, một học lớp 5 đều mê đọc sách bởi từ nhỏ anh thường cho con đến nhà sách.

“Tối thứ bảy nào vợ chồng tôi đều chở hai con đi ăn những món con thích sau rồi cùng vào nhà sách. Nhờ thế mà các con tôi thích đọc sách. Không khí gia đình cũng vui vẻ, đầm ấm hơn sau một tuần ai cũng bận rộn” - anh Nguyên cho hay.

Chị Đặng Thị Tú (công nhân Khu chế xuất Tân Thuận, Q.7) lại cho rằng mỗi ngày gia đình đều phải có “giờ gia đình”. Đó chính là bữa cơm tối của vợ chồng chị và cậu con trai học lớp 7.

Chị Tú chia sẻ: “Tôi thấy bữa cơm gia đình rất quan trọng vì khi đó không chỉ cùng ăn mà còn trò chuyện, hỏi han nhau những việc xảy ra trong ngày. Ai vui thì mừng còn ai gặp chuyện không vui cũng được lắng nghe, chia sẻ. Vợ chồng tôi thường nghe con kể chuyện trường lớp để hiểu con đang cần gì vì tuổi cháu đang dậy thì rất cần được uốn nắn kịp thời”.

Chuyên viên tâm lý Tuyết Mai (Trung tâm Tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình - Trung ương Hội LHTN VN) cho rằng: “Giờ gia đình rất cần thiết vì chính những thời khắc đó mới tạo cảm giác gia đình cho nhau. Để ai cũng thấy “nhà mình” trong lòng mỗi người. Giờ gia đình dễ nhất là bữa cơm tạo không khí gắn kết tình thân”.

Còn tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, chuyên gia tâm lý, gợi mở: “Ngoài giờ ăn, chúng ta có thể có “giờ xem phim”, “giờ thể dục”, “giờ karaoke”.

Những giờ này khó có thành viên nào có thể cắm mặt vào chát, chít trên điện thoại. Ngoài ra có thể thực hiện vào các giờ cùng nhau đi chơi ở ngoài, tổ chức sinh nhật, lễ tết”.

Bạn Nguyễn Thành Tài cùng mẹ và người thân làm bánh pizza đãi mọi người - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
Bạn Nguyễn Thành Tài cùng mẹ và người thân làm bánh pizza đãi mọi người - Ảnh: Nguyễn Công Thành

Đừng để con cô đơn trong gia đình

Trong quá trình tư vấn, các chuyên gia đã gặp các ca phải xử lý vì thường xuyên không có “giờ gia đình”.

Bà Tuyết Mai kể: “Người trẻ thường than chán, người già thường than buồn. Vì thế, tất cả những người trong nhà phải hiểu, thậm chí được phân công hoặc xung phong nhận một số việc để tạo bầu không khí gia đình bằng cách tổ chức “giờ gia đình”.

Ví dụ nhà có trẻ em thích hát thì cha mẹ gợi ý bé hát karaoke, cả nhà vỗ tay hoặc múa minh họa. Như vậy, việc giữ gìn và xây dựng tổ ấm thông qua “giờ gia đình” hiệu quả hơn”.

Tiến sĩ Hữu Nguyên thì cho biết: “Tôi từng gặp vài ca buồn. Một số em chuyển sang trầm cảm hoặc sa đà vào ma túy, bài bạc, chơi game vì thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình”.

KIM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên