21/05/2017 11:23 GMT+7

Ghé thăm Nhà của thời thanh xuân

TƯỜNG HÂN
TƯỜNG HÂN

TTO - “Nhà của thời thanh xuân” do anh Võ Thành Luân (30 tuổi) và thầy giáo Võ Duy Quang (30 tuổi, câm điếc) thành lập tại Đà Lạt vào năm ngoái.

Khách và người thợ điếc câm tại Nhà của thời thanh xuân - Ảnh: TƯỜNG HÂN
Khách và người thợ điếc câm tại Nhà của thời thanh xuân - Ảnh: TƯỜNG HÂN
“Luân rất tâm huyết với mô hình doanh nghiệp xã hội và qua mạng xã hội, nhìn thấy mục tiêu nghiêm túc của các bạn nên tôi có lòng tin
Anh NGUYỄN TUẤN ANH (một trong những mạnh thường quân Nhà của thời thanh xuân)

Mỗi thanh niên câm điếc đến nhà có hai năm để trải nghiệm nghề nghiệp, rèn luyện tác phong làm việc, tích lũy vốn để có thể tự lập. 

Đón khách bằng cái gật đầu và nụ cười dung dị, những người thợ câm điếc thường mời khách ấm trà thảo mộc tự rang xay và một ít bánh quy tự làm.

Vừa thưởng trà, khách vừa được giới thiệu về dự án Nhà của thời thanh xuân, tham quan phòng trưng bày tinh dầu, xà phòng được duy trì trong hơn nửa năm qua. 

“Làm xà phòng, tinh dầu không khó nhưng để truyền đạt cho các bạn hiểu và làm thì cần nhiều thời gian. Trước khi vận hành dự án, mình phải học ngôn ngữ ký hiệu, tìm hiểu tâm lý người câm điếc, tìm hiểu những mô hình điều phối nhân viên hạnh phúc.

Ở đây không có chủ, mọi người chia sẻ cùng nhau làm việc” - Thành Luân nói. Luân và Võ Duy Quang - người câm điếc, giáo viên Trường khiếm thính Lâm Đồng - từng bước hiện thực hóa dự án cộng đồng bằng tâm huyết và tích cóp của bản thân. 

Chị Nguyễn Hoàng Dung, một thợ ở đây, nhà ở Bảo Lộc, ra dấu: “Làm việc ở nhà rất vui, mọi người cùng nhau nấu ăn, “nói” cho nhau nghe những điều tốt đẹp, lịch sự. Tôi muốn người nghe nói học ngôn ngữ ký hiệu để giao tiếp với người điếc câm”. 

Rời Sài Gòn lên Đà Lạt, Luân cầm cố cây đàn guitar của mình được 140 triệu đồng để xây dựng Nhà của thời thanh xuân.

Luân nói: “Khi đó, nơi đây chỉ là một căn nhà hoang tàn, cỏ cây mọc kín lối đi. Mình phải đạp xe gửi bán từng bánh xà phòng, vậy mà giờ có thể trả lương, nuôi được bốn bạn đồng hành cùng với nhà”. Tùy vào thời gian gắn bó, mỗi nhân viên nhận lương từ 2,5-4 triệu đồng/tháng.

Thời gian còn lại, cả nhà trồng rau, nuôi cá để trang trải bữa ăn. Hiện tại, xà phòng và tinh dầu do nhà sản xuất được bỏ sỉ cho 15 đầu mối ở Nha Trang, Đà Nẵng, Sài Gòn và một số homestay quanh Đà Lạt. 

Để các bạn điếc câm tiếp xúc nhiều công việc, Luân mời một số nghệ nhân, thợ lành nghề đến nhà nói chuyện, hướng dẫn vẽ tranh vải, trang trí tiểu cảnh trong lọ thủy tinh, mời tình nguyện viên nước ngoài đến giúp đỡ nhằm khơi gợi nguồn năng lượng, sự tự tin ở họ.

“Cuộc sống ở Nhà của thời thanh xuân trôi qua êm đềm, đôi khi làm các bạn quên rằng cuộc đời thật ở bên ngoài cánh cổng. Tôi thường xuyên nhắc các bạn đây chỉ là chốn tạm, các bạn phải học hỏi, nhẫn nại để học nghề, hiểu người nghe nói để tự kiếm sống, xây dựng cuộc sống cho riêng mình” - Luân tâm sự.

TƯỜNG HÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên