26/04/2017 09:26 GMT+7

Bị cả làng lên án, vẫn đăng ký hiến tạng

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TTO - Khi câu chuyện về cô gái 19 tuổi Nguyễn Thị Sáng ở Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh hiến tạng mẹ để cứu người rộ lên thì tại Trường ĐH Quảng Bình, ba sinh viên của trường cũng vừa đăng ký hiến mô tạng của mình để cứu người sau khi qua đời.

Ba sinh viên Nguyễn Mạnh Hùng (giữa), Trần Ngọc Hải Hà và Hoàng Trung Đức trong lễ kết nạp đảng viên cho Hùng - Ảnh: Quốc Nam

Đó là ba bạn Nguyễn Mạnh Hùng, sinh viên năm 4 khoa kỹ thuật điện - điện tử, Hoàng Trung Đức và Trần Ngọc Hải Hà, sinh viên năm 3 và năm 4 khoa sư phạm ngữ văn.

Để cái chết có ý nghĩa

Ba sinh viên này cũng là một trong số rất hiếm người đã đăng ký hiến tạng của tỉnh Quảng Bình. “Ai chết đi cũng sẽ thành cát bụi nên khi mình cho đi là mình sẽ còn mãi” - Đức nói.

Đức tuy mới là sinh viên năm 3 nhưng lại là người lớn tuổi nhất trong ba sinh viên và cũng là người đầu tiên của Trường ĐH Quảng Bình quyết định đăng ký tự nguyện hiến mô tạng sau khi chết. Đức đã nhận được thẻ ghi nhận hiến mô tạng cách đây đúng một năm, nhưng Đức nói sẽ không thể quên được cái cảm giác của ngày đầu tiên cầm tấm thẻ này.

“Nó như một bước ngoặt của cuộc đời. Mình đã quyết định một điều vô cùng trọng đại” - Đức bắt đầu câu chuyện.

Đức tham gia hoạt động tình nguyện từ khi rời ghế phổ thông. Ngoài các hoạt động tình nguyện tại trường, Đức hiện còn là chủ nhiệm câu lạc bộ Nét bút xanh của tỉnh Quảng Bình. Câu lạc bộ này nhiều năm qua đã vận động giúp đỡ hàng trăm trường hợp khó khăn trên toàn tỉnh. Đức biết đến hiến tạng cũng chính nhờ những ngày tháng đi làm tình nguyện cùng bạn bè.

“Khi đó nhiều người trong nhóm bắt đầu kể về chuyện hiến tạng. Đây là chuyện rất mới ở một tỉnh lẻ như Quảng Bình, nên mọi người kể về những trường hợp hiến tạng mà mình được nghe như là một câu chuyện xã giao. Nhưng khi về nhà gác tay lên trán, mình tự nhiên bị ám ảnh. Ám ảnh cứ như một cơ duyên” - Đức nhớ lại.

Đức mày mò lên mạng tìm thông tin về hiến mô tạng. Qua nhiều mối quan hệ, Đức biết được nơi đăng ký ở tận Hà Nội. Và Đức cũng biết mô tạng của một số người hiến những năm qua đã cứu giúp được cho rất nhiều người khác. Đó là lúc Đức quyết định đăng ký hiến mô tạng của mình.

Hùng và Hà đều là sinh viên năm cuối nhưng cũng có “cơ duyên” như Đức. Hai bạn tham gia hoạt động xã hội nhiều. Đã từng mang hàng cứu trợ đến những nơi khó khăn nhất trong tỉnh khi bão lũ.

Càng đi nhiều càng thấy có nhiều người vô cùng cần được cứu sống bằng mô tạng của người khác. Không hẹn mà gặp, hai bạn cùng đăng ký hiến mô tạng sau khi chết chỉ với một mong muốn để cái chết của mình còn có chút ý nghĩa.

“Ai rồi cũng phải chết. Nếu khi mình chết đi rồi mà một phần thân thể của mình còn có thể giúp người khác được sống thì cũng là một cái chết có ý nghĩa” - Hùng nói.

Thức cả đêm viết thư cho cha mẹ

Trước khi có quyết định trên, Hùng đã suy nghĩ cả tuần liền rồi gọi về nói chuyện với cha mẹ. Cha mẹ Hùng là nông dân, sống ở vùng ven sông Gianh (thuộc huyện miền núi Tuyên Hóa).

Khi nghe con mình đăng ký hiến tạng, cả hai đều phản đối. Việc hiến tặng mô, tạng là điều chưa từng có trong tiền lệ ở miền quê này. Quan niệm “chết phải toàn thây” đã ăn sâu vào trong nếp nghĩ bao đời nay. Phải mất một thời gian giải thích, thuyết phục, cha mẹ Hùng mới xuôi theo quyết định của con.

Tuy nhiên, chuyện sau đó mới là rào cản lớn nhất. Không biết từ đâu những người trong làng, trong xóm nghe chuyện mình hiến mô tạng. Theo “nếp” ở quê, cả làng cả xóm xôn xao bàn tán như chuyện “động trời”.

Chưa hết, có nhiều người còn đến nhà gây áp lực với cha mẹ Hùng nói sao để cho con làm việc trái lệ làng như thế. Một người rồi nhiều người nói. Cha mẹ Hùng nghe làng xóm nói mãi cũng không chịu nổi. Hùng lại thêm một lần nữa thuyết phục. Có những thời điểm áp lực quá lớn, Hùng như buông xuôi.

Nhưng rồi hình ảnh những người bị tai nạn, những người bị dị tật lại giúp em có thêm sức mạnh để vượt qua. Cuối cùng, cha mẹ Hùng cũng hiểu và chia sẻ với quyết định của con.

Hà có dáng người rất mảnh khảnh nhưng cô sinh viên này có đôi mắt rất sáng và cương nghị. Tuy không phải chịu những áp lực đến mức “khủng khiếp” như Hùng, nhưng quyết định hiến mô tạng của Hà cũng phải vượt qua những rào cản lớn. Hà là con gái út trong một gia đình ở xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa.

Cô sinh viên này “liều lĩnh” tự ý đăng ký hiến mô tạng, và cho đến khi cầm được thẻ ghi nhận trong tay, gia đình Hà vẫn không hề biết về quyết định của con gái.

Đến mới vài tuần gần đây Hà mới dám nói với gia đình. Hà thức cả đêm để soạn một bức thư dài nói rõ việc mình hiến tạng và lý do.

Bức thư được gửi đến tất cả mọi người trong gia đình qua mạng xã hội Facebook.

“Suốt một ngày sau đó mình “nín thở” chờ phản hồi. Khi mới biết tin, cha mẹ và anh chị trong nhà cũng giật mình. Nhưng sau khi em giải thích việc hiến tạng là để cứu người thì mọi người đều ủng hộ” - Hà mỉm cười hạnh phúc.

Nghĩ cho người khác

Thầy Vương Kim Thành, trưởng phòng công tác sinh viên Trường ĐH Quảng Bình, nói ngay chính thầy cũng khá bất ngờ với quyết định của ba sinh viên. Tuy nhiên, quyết định hiến mô tạng của ba sinh viên này đã làm thay đổi rất nhiều suy nghĩ của sinh viên trong trường.

“Các em đã biết nghĩ cho người khác. Đó là việc mang lại cuộc sống cho nhiều người. Các em đã làm thay đổi suy nghĩ của rất nhiều sinh viên trường này bằng hành động của mình” - thầy Thành nói.

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên