15/04/2017 14:35 GMT+7

Luyện tiếng Anh, tránh làm người nước ngoài... stress

NGUYỄN THỊ CẨM TIÊN, (Hội Tâm lý giáo dục)
NGUYỄN THỊ CẨM TIÊN, (Hội Tâm lý giáo dục)

TTO - Nhiều năm nay, tôi quan sát thấy công viên 23-9 (quận 1, TP.HCM) luôn là điểm đến rất đông đúc của các bạn trẻ nói chung, sinh viên các trường ĐH, CĐ nói riêng.

Du khách nước ngoài vui vẻ nói tiếng Anh với các bạn trẻ tại công viên 23-9 (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: N.C.T.
Du khách nước ngoài vui vẻ nói tiếng Anh với các bạn trẻ tại công viên 23-9 (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: N.C.T.

Khu vực này cũng thường có nhiều khách du lịch nước ngoài, người nước ngoài học tập, làm việc tại Việt Nam ra đây dạo chơi, tập thể dục, hóng mát...

Những người nước ngoài này được xem là “giáo viên” trong việc học hỏi, giao tiếp để trau dồi vốn ngoại ngữ của các bạn trẻ.

Việc các bạn trẻ, sinh viên tập trung đông đúc tại công viên để học ngoại ngữ thông qua người nước ngoài là một phong trào, một phương cách học tập rất hay.

Tôi từng tiếp xúc với khá nhiều bạn ra đây học ngoại ngữ, họ cho rằng chỉ cần trò chuyện, giao lưu, học ngoại ngữ trực tiếp với du khách nước ngoài tại công viên khoảng chừng vài ba tháng là trình độ ngoại ngữ, khả năng giao tiếp của bất cứ ai cũng đều... “lên” trông thấy.

Hầu như ngày nào ở công viên này (cả khu A và B) cũng có tới cả trăm, thậm chí vài trăm bạn trẻ, sinh viên ra đây để tìm người nước ngoài trò chuyện, học ngoại ngữ.

Đông hơn cả là vào buổi sáng và buổi chiều tối. Những chiếc ghế đá, bãi cỏ có tới cả chục, thậm chí vài chục bạn trẻ ngồi quây quần quanh vài người nước ngoài để trò chuyện.

Thành, sinh viên năm 2 Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật, tâm sự: “Mặc dù ở tận Thủ Đức nhưng hầu như những lúc không phải tới trường là em lại bắt xe buýt lên đây tìm người nước ngoài để học ngoại ngữ.

Gần 1 năm lên đây, từ lúc tiếng Anh của em nói ấp úng vậy mà giờ đã lưu loát. Không những vậy, em còn quen được khá nhiều bạn bè nước ngoài, khi họ về nước rồi nhưng các cuộc trò chuyện qua Facebook, email, điện thoại vẫn thường xuyên”.

Tuy vậy, cũng có vấn đề mà tôi nghĩ nó thực sự là “mặt trái”. Đó là trong lúc tìm người nước ngoài để giao lưu học ngoại ngữ, nhiều bạn trẻ đã thiếu lịch sự trong cung cách làm quen, thậm chí còn làm phiền khiến họ cảm thấy khó chịu trong khi đang cần sự yên tĩnh, thư giãn.

Tôi không ít lần chứng kiến cảnh một vài sinh viên tỏ ra thiếu lịch sự với người nước ngoài trong cách tiếp cận.

Chẳng hạn có vị khách nước ngoài đang ngồi ghế đá chăm chú đọc sách thì một cậu sinh viên khoác balô tới chào.

Người khách nước ngoài này rất lịch sự chào lại. Khi cậu sinh viên kia nhã ý muốn nói chuyện với họ, họ đã ra dấu và giải thích đang đọc sách để khước từ.

Thế nhưng cậu sinh viên ấy không chịu đi chỗ khác mà cứ nán lại, thậm chí ngồi xuống phần ghế đá còn trống bên cạnh để nói chuyện.

Không muốn tỏ ra là người bất lịch sự, người khách nước ngoài đã vội vã đứng dậy rời đi và không quên buông lời chào với vẻ mặt không vui.

Thiết nghĩ, các bạn trẻ, các sinh viên khi ra công viên học ngoại ngữ nên thể hiện mình là người có văn hóa và có học thức trong phương cách tiếp cận làm quen với người nước ngoài.

Nếu khi mở lời chào hỏi mà nhận thấy sự từ chối của đối tác thì mình cũng nên lịch sự chào tạm biệt để không làm phiền họ.

Với những du khách đang ngồi đọc sách, đang trò chuyện với bạn bè, làm việc riêng..., các bạn trẻ, sinh viên không nên tiếp cận làm quen, bởi họ đang cần không gian riêng để giải quyết chuyện của mình. Nếu cố tình đạt cho được “mục đích”, rất có thể các bạn đã làm phiền họ!

NGUYỄN THỊ CẨM TIÊN, (Hội Tâm lý giáo dục)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên