09/04/2017 09:31 GMT+7

Tiệm cắt tóc 'thầy' Thành

HÀ THANH - DƯƠNG LIỄU
HÀ THANH - DƯƠNG LIỄU

TTO - Khách lần đầu đến tiệm đều thấy lạ khi không hề nghe tiếng trò chuyện rôm rả mà chỉ thấy các bạn trẻ giao tiếp bằng đôi tay, nụ cười và ánh mắt. Ít ai biết rằng bảy lớp học viên đã trưởng thành từ đây.

Nguyễn Thái Thành làm tóc cho khách - Ảnh: HÀ THANH
Nguyễn Thái Thành làm tóc cho khách - Ảnh: HÀ THANH

Hỏi tiệm cắt tóc của “thầy” Thành, bà con ở ngõ Văn Chương (Q.Đống Đa, Hà Nội) đều nhiệt tình chỉ dẫn.

Cuốn sổ đặc biệt

Chủ nhân tiệm cắt tóc là anh Nguyễn Thái Thành (26 tuổi, quê Bắc Giang) không may bị khuyết tật câm điếc bẩm sinh từ nhỏ. Vượt lên nghịch cảnh, Thành không ngừng trau dồi tay nghề mỗi ngày để nuôi sống bản thân cũng như tạo công ăn việc làm cho nhiều bạn trẻ đồng cảnh ngộ.

Ra đời từ năm 2011, tiệm tóc chủ yếu phục vụ nhu cầu làm tóc và trang điểm của khách hàng nữ. Khách đến đây đều là “mối ruột”, ưng ý với tay nghề của chủ tiệm, bởi chỉ cần ra hiệu bằng cử chỉ, nụ cười hay cái gật đầu là “thầy” Thành có thể hiểu ngay.

Nhưng chuyện sẽ khó hơn với khách hàng mới đến lần đầu khi chứng kiến cả chủ lẫn nhân viên đều không giao tiếp bằng lời nói. Thành cười, chia sẻ bằng ngôn ngữ ký hiệu: “Mới đầu họ cũng sợ chúng tôi không hiểu, làm không đúng ý sẽ hỏng tóc. Vì thế chúng tôi phải tỉ mỉ, cắt đến đâu hỏi đến đó cho vừa lòng khách”.

Anh cho biết thêm mình có quyển sổ nhỏ để giao tiếp với khách, trong đó có dòng chữ “Tôi không nghe, không nói được, cần gì khách cứ viết vào giấy hoặc điện thoại”. Khi thấy khách chưa ưng ý, anh phải hỏi bằng được lý do để làm tốt và đẹp hơn.

Nhận thấy sự chịu khó và tiến bộ về tay nghề của Thành, hầu hết khách hàng đều quay lại và rủ thêm bạn bè đến cắt tóc. “Điều tôi vui nhất là nhiều khách hàng vẫn tìm đến tiệm tôi cắt tóc dù tôi chuyển đi đâu” - Thành cười cho hay.

Cứ thế hơn sáu năm qua, cuốn sổ trò chuyện với khách cứ dày lên, có người còn vui vẻ ghi lại cảm xúc của mình. Những mảnh giấy ấy đều được Thành lưu giữ trân trọng. Bà Nguyễn Thị Minh (57 tuổi, Q.Ba Đình) chia sẻ: “Dù hoàn cảnh đặc biệt nhưng với nghề họ làm có tâm và nghị lực lắm”. Thương các bạn trẻ, bà Minh quyết định cho Thành thuê giá rẻ tầng một căn nhà của bà ở ngõ 82 Kim Mã, Q.Ba Đình làm cơ sở 2, phát triển tiệm và dạy nghề cho học viên.

Những cảm xúc được khách viết vào giấy khi đến tiệm của Thành
 - Ảnh: HÀ THANH
Những cảm xúc được khách viết vào giấy khi đến tiệm của Thành - Ảnh: HÀ THANH

Tìm mọi cách truyền nghề

Thành tâm sự: “Từ nhỏ tôi được bố mẹ cho đi học tại các trường đặc biệt. Nhưng ở quê các cô không dạy đọc, viết ngôn ngữ ký hiệu mà chỉ trông trẻ. Tôi không thể thích nghi được, lúc đó chỉ muốn học thật nhanh để có thể giao tiếp với mọi người, tự nuôi sống mình. Sau hai lần chuyển trường, bố mẹ quyết định đưa tôi lên Hà Nội”.

Anh vừa học ngôn ngữ ký hiệu vừa phải làm đủ nghề ở Hà Nội, nhưng “không sao thích thú bằng nghề cắt tóc”. Anh bảo mình từng đi khắp các salon lớn, nhỏ xin được học nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu cho đến khi có tiệm nhận vào.

So với người bình thường, Thành phải nỗ lực gấp hai, ba lần để tiếp thu bài giảng. “Thầy dạy, tôi phải căng mắt lên nhìn, lý thuyết tôi không nghe nên phần thực hành phải cố gắng hơn. Người bình thường học sáu tháng, một năm thì tôi học hai, ba năm. Nhưng tôi không hề nản chí, cứ hỏi nhiều, làm nhiều để nâng cao tay nghề” - Thành nhớ lại.

Năm năm sau đó, anh tự đứng ra mở tiệm tóc và hướng dẫn ba người bạn khác cùng hoàn cảnh. “Khó khăn với tôi là không biết phải dạy phương pháp ra sao. Mình biết nghề nhưng để truyền đạt cho người khác bằng ngôn ngữ ký hiệu, dạy kiến thức về ngành tóc càng khó. Nhưng tôi chỉ dẫn nhiệt tình, tìm mọi cách giúp các bạn ấy hiểu. Dần dần tôi tìm ra phương pháp và hình thức dạy tốt hơn” - Thành bày tỏ.

Người nọ bảo người kia, phụ huynh các bạn trẻ câm, điếc từ các tỉnh dắt con đến xin Thành dạy nghề. Không chỉ thu nhận học viên khuyết tật, anh còn nhận thêm học viên bình thường (tức nghe, nói được - PV), với điều kiện các bạn phải biết ngôn ngữ ký hiệu trước. “Tiệm tóc thầy Thành” là tên gọi mà các bạn học viên đặt cho anh.

Hết một ngày lao động, các bạn trẻ cùng nhau về nhà trọ mà Thành thuê cho, được anh chỉ bảo từng chuyện đi chợ, nấu cơm, rửa bát... Học viên Nguyễn Ngọc Quang (huyện Đông Anh, Hà Nội) tâm sự trên điện thoại: “Hoàn cảnh của tôi giống thầy nên tôi chịu khó vừa học vừa làm để nâng cao tay nghề. Thầy hỗ trợ tôi làm thợ chính ở cơ sở 2. Thầy tốt lắm, tôi biết ơn thầy rất nhiều”.

Nguyễn Thái Thành từng đoạt giải thưởng Cây cọ vàng năm 2013, gương mặt trẻ triển vọng Việt Nam năm 2015. Hiện anh phát triển hai cơ sở làm tóc và trang điểm với năm thợ chính, bốn học viên vừa học vừa làm. Tính đến nay Thành đã truyền nghề cho bảy lớp học viên bị câm, điếc với số lượng 35 bạn. Anh bộc bạch muốn giúp các bạn có cái nghề ổn định để tự lập và xóa đi các rào cản trong cuộc sống.

HÀ THANH - DƯƠNG LIỄU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên