01/04/2017 10:16 GMT+7

Học sinh làm tỏi đen bằng nắng

LAM GIANG - XUÂN VƯƠNG
LAM GIANG - XUÂN VƯƠNG

TTO - Làm tỏi đen bằng thiết bị lên men ứng dụng năng lượng mặt trời dùng cho hộ gia đình là đề tài của hai học sinh vùng “rốn lũ” Tân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình), đã đoạt giải ba Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm 2017 dành cho học sinh THCS.

Thầy Cao Hùng Thọ cùng em Trương Tân Hóa (bìa trái) và Đinh Ngọc Thanh đoạt giải ba cho thiết bị làm tỏi đen bằng nắng - Ảnh: X.VƯƠNG
Thầy Cao Hùng Thọ cùng em Trương Tân Hóa (bìa trái) và Đinh Ngọc Thanh đoạt giải ba cho thiết bị làm tỏi đen bằng nắng - Ảnh: X.VƯƠNG

Trương Tân Hóa (lớp 9B) và Đinh Ngọc Thanh (lớp 9A), Trường THCS Tân Hóa, cho biết Tân Hóa trồng tỏi rất nhiều, nhưng tỏi trắng bán giá không được cao.

“Tân Hóa hằng năm phải chịu nhiều đợt lũ lụt nên điện hay bị cắt. Trong khi các thiết bị lên men tỏi đen có trên thị trường mỗi khi mất điện máy không hoạt động được, dẫn đến tỏi khi đang lên men bị hư hỏng. Tụi mình nghĩ phải chế thiết bị làm tỏi đen bằng ánh nắng mặt trời, dùng trong mỗi gia đình” - Ngọc Thanh bộc bạch.

Thiết bị làm tỏi đen sử dụng năng lượng mặt trời gồm một hộp (bằng tôn hoặc nhôm alu) dài 1m, cao 0,7m, rộng 0,5m, mặt trên của hộp là một tấm kính trong, ngay dưới kính là tấm tôn phẳng sơn màu đen. Trừ mặt trên là kính thì năm mặt khác trong hộp được lót bằng xốp cách nhiệt.

Trong hộp đặt một chậu nước nhằm tạo độ ẩm ở mức 75-90% cho quá trình tỏi lên men, và treo các bóng đèn nhỏ thắp sáng bằng ăcquy 12V (được nạp điện bằng tấm pin mặt trời) để tạo nhiệt cho tỏi lên men về ban đêm.

Ngọc Thanh cho biết từ tháng 3 đến tháng 8 là thời gian có lượng nắng mặt trời cao và dài ngày nên sẽ bảo đảm cho việc tích nạp điện vào ăcquy (có lúc vẫn phải nạp bằng điện lưới) và quá trình lên men cho tỏi luôn được duy trì thường xuyên.

Quy trình làm tỏi là xếp tỏi trắng vào hộp thật đều, không nén quá chặt, rồi đưa hộp ra dưới ánh nắng. 65-70oC là mức nhiệt độ cần thiết để tỏi lên men đều, hiệu quả nhất.

Nhiệt độ và độ ẩm này được duy trì thường xuyên trong khoảng 35-50 ngày thì tỏi trắng, bình thường có vị hăng và cay nồng, sẽ biến thành tỏi đen có vị chua thanh, ngọt và mùi thơm nhẹ nhàng, giá trị dinh dưỡng của tỏi tăng gấp nhiều lần.

Thiết bị của Hóa và Thanh có thể làm được 15kg tỏi tươi mỗi mẻ. “Khi tỏi đang lên men mà có mất điện đột ngột thì cũng không sợ hư hỏng vì điện ăcquy duy trì nhiệt độ tối thiểu. Qua thử nghiệm mấy mẻ rồi, thấy thành công 100%” - Hóa nói.

Thầy giáo môn hóa Cao Hùng Thọ, người trực tiếp hướng dẫn Hóa và Thanh thực hiện đề tài, cho biết: “Tôi đã lấy mẫu sản phẩm tỏi đen của các em gửi tới các cơ sở kiểm nghiệm có uy tín để kiểm tra về hóa học và vi sinh, đều có kết quả đạt yêu cầu dùng cho tiêu dùng, rất đáng mừng”.

Theo thầy Thọ, tổng chi phí cho một thiết bị làm tỏi đen ứng dụng năng lượng mặt trời này tốn khoảng 2 triệu đồng, chỉ bằng 1/10 giá của một máy làm tỏi đen chạy bằng điện đang bán trên thị trường, nhưng công suất làm tỏi lại bằng nhau.

Mỗi ký tỏi đen hiện có giá bán khoảng 1 triệu đồng, gấp ít nhất 5-7 lần giá tỏi trắng bình thường.

“Nếu thiết bị làm tỏi đen của các em được nhân rộng sẽ rất có ích cho các hộ trồng tỏi ở những vùng quê nghèo như Tân Hóa và các vùng có trồng tỏi nhiều ở huyện Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Lệ Thủy... Ngoài ra, cái hay của thiết bị này là còn có thể dùng để ấp nở trứng gà, ngan, vịt” - thầy Thọ nói.

Thầy Thọ cũng cho biết thêm tới đây cả nhóm sẽ xem cải tiến lại mẫu mã thiết bị cũng như một số bộ phận để thiết bị hoạt động tốt và hiệu quả cao hơn. Thầy trò cũng đang làm hồ sơ đăng ký bản quyền cho thiết bị này.

LAM GIANG - XUÂN VƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên