27/03/2017 16:32 GMT+7

Dẹp bỏ các trung tâm dạy nghề kém hiệu quả

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Trao đổi với đại diện 31 trung tâm (TT) dạy nghề, dịch vụ việc làm thanh niên (TN) tại Hội nghị giao ban các TT sáng 27-3, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh như vậy.

Bí thư TƯ Đoàn Nguyễn Anh Tuấn chủ trì hội nghị giao ban các TT dạy nghề, dịch vụ việc làm TN toàn quốc sáng 27-3 - Ảnh: Đ.Bình
Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn chủ trì hội nghị giao ban các TT dạy nghề, dịch vụ việc làm TN toàn quốc sáng 27-3 - Ảnh: Đ.Bình

Nên dẹp các TT kém

Trong năm 2016, theo báo cáo chưa đầy đủ (23/31 TT), hệ thống các TT dạy nghề, dịch vụ việc làm TN của Đoàn đã đào tạo nghề cho hơn 24.000 người, giới thiệu việc làm và cung ứng 53.000 lao động cho các doanh nghiệp. 

Chị Vũ Thị Hương Giang, trưởng ban TN công nhân và đô thị Trung ương Đoàn, cho biết kết quả năm 2016 đạt cao hơn năm 2015 rất nhiều, và đây là số liệu thật, đã được kiểm định qua nhiều cấp, trong đó có Bộ LĐ-TB&XH…”.

Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn ghi nhận kết quả năm 2016 là nỗ lực, cố gắng của các TT, trong bối cảnh các TT đang băn khoăn, trăn trở với những quy định mới nhằm sắp xếp lại các TT để hoạt động thực chất, hiệu quả hơn.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Giám đốc TT dịch vụ việc làm TN Hà Nội phát biểu tại hội nghị sáng 27-3 - Ảnh: Đ.Bình
Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, giám đốc TT dịch vụ việc làm TN Hà Nội, phát biểu tại hội nghị sáng 27-3 - Ảnh: Đ.Bình

Theo anh Nguyễn Anh Tuấn, chức năng, nhiệm vụ của Đoàn là bảo vệ, chăm lo quyền, lợi ích hợp pháp của TN. Đoàn phải mang lại lợi ích cho TN, đó là việc học, việc làm, có thu nhập, vui chơi. Nếu không giải quyết câu chuyện việc làm cho TN thì ta sẽ mất và đang mất dần vị trí, vai trò của Đoàn trong TN. Vậy chăm lo việc làm cho TN là bắt buộc, không làm được thì Đoàn sẽ mất vị trí, và TN sẽ tìm đến các tổ chức khác.

Anh Tuấn cho rằng hiệu quả hoạt động của các TT trong thời gian, có thể vì lý do này lý do khác, nhưng công bằng mà nói thì hiệu quả rất kém, không thể hiện rõ vai trò của Đoàn. Ngay các hoạt động tình nguyện cũng đang mất dần vai trò của Đoàn.

Quy mô đội hình, số lượng đội hình tăng nhưng ta không bao phủ được hết. Các bạn trẻ giờ hoạt động là tự thành lập, tự quyên góp để làm chứ đâu như tổ chức Đoàn, Hội muốn làm thì lúc nào cũng đòi hỏi tiền đâu. Cái mạnh nhất của ta là tình nguyện thì nay cũng đang mất dần.

“Các TT dạy nghề, dịch vụ việc làm của Đoàn cần phải đổi mới, nhưng để đòi hỏi “chuyên nghiệp” như các văn bản quy định thì cũng khó. Có văn bản yêu cầu TT phải có ít nhất 15 biên chế, nhưng nghị quyết của trung ương lại yêu cầu phái sắp xếp, đổi mới bộ máy, tinh giản biên chế.

Xu thế thu hẹp khu vực công, phát triển khu vực tư nên ngân sách nhà nước không thể mãi chi trả cho hoạt động của các đơn vị. Vì thế đến lúc này dù chỉ còn 31 TT dạy nghề, dịch vụ việc làm TN, nhưng chúng ta cũng cần mạnh dạn: TT nào làm không tốt, không hiệu quả thì buồn đến mấy cũng phải tính toán xem TT đó liệu có chuyên nghiệp hóa được không, hoạt động hiệu quả được không. Nếu không thì cần mạnh dạn dẹp bỏ…” - bí thư Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.

TT dạy nghề, việc làm TN phải do trung ương quản lý?

Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, giám đốc TT dịch vụ việc làm TN Hà Nội, bày tỏ băn khoăn vì các TT dạy nghề, việc làm của Đoàn phải thay tên đổi họ liên tục, và số lượng liên tục giảm từ 48-50 TT này chỉ 31 TT, và tới đây sắp xếp tiếp thì chỉ còn 22 đơn vị.

Sắp tới theo quy định mới của Bộ LĐ-TB&XH, Hà Nội phải sắp xếp lại, gộp ba TT giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm TN Hà Nội và TT dạy nghề TN thành một.

“Tôi đồng tình nếu đơn vị nào hoạt động dài, không đủ sức thì cũng cần tính toán, sắp xếp lại. Tuy nhiên việc sắp xếp phải làm sao, có cơ chế hoạt động thế nào để vẫn thuộc là TT của Đoàn, để hoạt động hiệu quả hơn, chuyên nghiệp hơn. Chứ không sắp xếp lại, bàn giao cho UBND các tỉnh thì anh em rất băn khoăn”, bà Trinh nói.

Ông Hồ Quốc Huy, Giám đốc TT dạy nghề TN tỉnh Kiên Giang phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Đ.Bình
Ông Hồ Quốc Huy, giám đốc TT dạy nghề TN tỉnh Kiên Giang, phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Đ.Bình

Ông Hà Quốc Huy, giám đốc TT dạy nghề TN Kiên Giang, cũng đồng tình với bà Trinh, “cứ 1-2 năm lại thay tên đổi họ, đây là nỗi trăn trở mà với bản thân tôi thấy rất bùi ngùi. Hôm nay là TT giới thiệu việc làm và mai mốt lại là TT khác, nay thuộc Trung ương Đoàn, mai lại thuộc tỉnh. Bây giờ phải xác định tổ chức Đoàn có cần giải quyết việc làm cho TN không? Nếu cần thì phải đặt cái tên vĩnh cửu và để trung ương quản lý”.

Ông Huy đề nghị Trung ương Đoàn cần làm rõ các quy định hiện hành để tạo cơ chế, điều kiện cho các TT hoạt động. Ví như  hiện nay các TT đều rất khó khăn về kinh phí, nhưng TT có đất đai rất rộng thì liệu có thể thế chấp đất lấy vốn đầu tư cho hoạt động được không?

Ông Trần Hữu Hiệu, giám đốc TT dạy nghề và giới thiệu việc làm TN Bình Định, cũng nêu: Có những quy định, như nghị định 196 là vật cản và xóa bỏ toàn bộ hệ thống các TT của Đoàn. Theo nghị định này, Đoàn lấy đâu tiền để đầu tư một TT, chắc chỉ có các TT của Bộ LĐ-TB&XH đầu tư cả chục tỉ đồng thì mới trụ được. Chứ trung tâm của Đoàn, tài sản vài trăm triệu, một năm được 1-2 tỉ đồng thì hoạt động làm sao, đất đai rộng thì không được thế chấp.

“Tôi thấy nhục nhã vô cùng khi một người chết trên đống tài sản kếch sù. Tài sản của TT chúng tôi từ đất đai, đến cơ sở hạ tầng hơn 40 tỉ, nhưng tôi đâu được thế chấp cái gì đâu. Tôi có dự án mà không có vốn, ba năm xin vài tỉ không được, trong khi tôi có thể thế chấp tài sản để lấy vốn. 10 năm nay trung tâm tôi tự chủ về kinh tế, nhưng cũng muốn “tự chủ” về tài sản, sai đâu tôi chịu” - ông Hiệu nói.

Theo ông Hiệu, “không việc gì phải ép các TT dạy nghề, việc làm TN phải thay tên đổi họ. Mãi mãi tổ chức Đoàn cần mô hình dạy nghề, việc làm TN, vì TN luôn gắn với hai nội dung này. Tôi tha thiết đề nghị giữ lại hệ thống này, nên đầu tư hỗ trợ các TT yếu, thậm chí phải mở thêm TT chứ từ 48-50 đơn vị nay chỉ còn 31 TT, và tới đây chỉ còn 22 TT. TT yếu có thể do cơ chế, do người lãnh đạo, vậy nếu lãnh đạo nào yếu thì thay lãnh đạo chứ sao phải cơ cấu, sắp xếp lại thay tên đổi họ các TT?”.

Ông Trần Tân Định, giám đốc TT giới thiệu việc làm TN Bình Dương, cũng bức xúc: giờ đặt chỉ tiêu phải có ít nhất 15 biên chế là vô lý, khi nhà nước thì có quy định tinh giản biên chế.

Theo báo cáo của 23/31 TT, năm 2016 các TT dạy nghề, dịch vụ việc làm của Đoàn đã tổ chức tư vấn hướng nghiệp, tư vấn nghề, việc làm cho trên 300.000 lượt người; đào tạo nghề cho gần 25.000 người; giới thiệu việc làm và cung ứng lao động cho trê 53.000 người.

Năm 2017, Trung ương Đoàn đặt chỉ tiêu cho các TT là tư vấn, hướng nghiệp việc làm cho 400.000 lượt người; đào tạo nghề cho 25.000 người; giới thiệu, cung ứng 55.000 lao động.

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên