21/03/2017 13:57 GMT+7

Đoàn là 'men xúc tác' để thanh niên tình nguyện, lập nghiệp

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Đoàn không kỳ vọng có thể làm hết mọi thứ, nhưng với vai trò nòng cốt chính trị của mình, Đoàn sẽ là “men xúc tác” để mọi thanh niên (TN) có nhu cầu được tình nguyện, khởi nghiệp, lập nghiệp một cách tốt nhất.

Ca sĩ Mỹ Dung chia sẻ tại cuộc giao lưu trực tuyến của Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong sáng 21-3 - Ảnh: Đ.Bình

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong khẳng định như vậy tại buổi giao lưu trực tuyến sáng 21-3, một hoạt động thường niên của người đứng đầu tổ chức thanh niên nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đoàn 26-3.

Phong trào tình nguyện sẽ xuyên suốt nhiệm kỳ 2017-2022

Đánh giá về hoạt động TN tình nguyện, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khẳng định trong suốt thời gian qua, hoạt động này đã có nhiều đổi mới, thật sự mang lại hiệu quả thiết thực. Hoạt động TN tình nguyện đã để lại những bài học quý để tổ chức Đoàn rút kinh nghiệm, học hỏi.

Theo anh Lê Quốc Phong, thời gian tới, công tác tổ chức, nội dung của hoạt động tình nguyện cần sát hơn với thực tiễn, góp phần khắc phục những điểm chưa hoàn thiện. Trung ương Đoàn đang định hướng phong trào TN tình nguyện sẽ trở thành hoạt động xuyên suốt trong nhiệm kỳ sắp tới.

Trả lời câu hỏi làm gì để phong trào lan tỏa, thu hút nhiều hơn TN tham gia, kể cả đối tượng ở ngoài tổ chức Đoàn, anh Lê Quốc Phong cho biết phong trào TN tình nguyện là phong trào có tỉ lệ rất đông đoàn viên, TN tham gia, kể cả những người chưa phải đoàn viên, hội viên.

Và để thu hút nhiều hơn nữa đối tượng tham gia, anh Phong cho biết Đoàn đang hướng tới các nhóm giải pháp: hoạt động tình nguyện phải đi vào chiều sâu, với nhiều phương thức tổ chức đa dạng; hoạt động tình nguyện phải gắn với nhu cầu cụ thể, như: hoạt động bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, chăm lo cho những hoàn cảnh khó khăn, chăm lo trẻ em...

“Chúng tôi không kỳ vọng mình có thể làm tất cả mọi thứ. Tổ chức Đoàn mong muốn cố gắng làm tốt vai trò nòng cốt chính trị của mình, làm tốt chất men xúc tác này để TN có nhu cầu làm tình nguyện sẽ đến với tổ chức Đoàn, các bạn đến để chia sẻ muốn làm tình nguyện, tìm được thông tin để làm tình nguyện, tổ chức Đoàn sẽ hướng dẫn, hỗ trợ các bạn phương thức tổ chức thông qua các công cụ mà chúng tôi đang có, ví dụ như: Trung tâm tình nguyện quốc gia, các trung tâm công tác xã hội, câu lạc bộ...

Từ đó, các bạn có thể tham gia với Đoàn hoặc có thể tự tổ chức các hoạt động tình nguyện”- Bí thư Lê Quốc Phong nói.

Sẽ quan tâm hơn đến TN công nhân, trường nghề

Tại buổi giao lưu, các câu hỏi đều tập trung cho rằng tại các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm có rất đông lao động trẻ. Tuy nhiên, so với bình diện chung, các hoạt động dành cho TN công nhân tại các khu vực này chưa được quan tâm thường xuyên. Trung ương Đoàn sẽ có giải pháp gì để khắc phục thực trạng này?

Anh Lê Quốc Phong thừa nhận có tình trạng này khi các khu công nghiệp, chế xuất có rất đông đoàn viên, TN nhưng ở khu vực này vẫn chưa có tổ chức Đoàn, Hội nên việc duy trì sinh hoạt Đoàn bị nhiều hạn chế, gián đoạn.

Đoàn đã thấy hạn chế, và hiện tổ chức Đoàn, Hội đang rất tập trung để khắc phục. Trung ương Đoàn, Trung ương Hội LHTN Việt Nam đã có những kế hoạch, chương trình riêng để tập trung vào các nội dung này, như: tổ chức các hoạt động chăm lo các đối tượng TN; hình thành tổ chức Đoàn, Hội tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để các bạn có nơi gặp gỡ, chia sẻ và phát huy được chính mình.

Phương thức thành lập tổ chức Đoàn, Hội rất linh hoạt, tùy theo điều kiện cụ thể của từng vùng, có thể vào thẳng công ty, hoặc thành lập tại các khu trọ.

“Tinh thần chung chúng tôi mong muốn nơi nào có các bạn đoàn viên, TN thì tổ chức Đoàn, Hội đều tiếp cận và thiết kế các hoạt động cụ thể để đáp ứng được nhu cầu, tập hợp được các bạn.

Nếu các bạn thấy ở nơi nào có nhu cầu, mong muốn tham gia hoạt động TN mà chưa có tổ chức Đoàn, Hội thì điểm đến của các bạn là các xã, phường, huyện đoàn để chúng tôi có các kênh hỗ trợ các bạn.

Đây là vấn đề dù còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ đầu tư tích cực và mạnh mẽ trong thời gian tới để làm chuyển biến chất lượng, hoạt động thật hiệu quả tại các khu vực này” - Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khẳng định.

Cũng liên quan đến nội dung trên, một thanh niên tại Hà Nội, hỏi: “Hình như các hoạt động Đoàn của TN khối các trường trung cấp hơi ít hơn các khối như phổ thông, hay các trường ĐH, CĐ?”. Anh Lê Quốc Phong thừa nhận “câu hỏi của bạn nói đến đúng điểm yếu của Ban TN trường học Trung ương Đoàn".

"Bản thân tôi thấy các trường trung cấp cũng có nhiều hoạt động tiêu biểu, đặc sắc, nhưng chắc chắn các bạn sẽ thích các hoạt động tầm Trung ương Đoàn tổ chức hơn.

Chúng tôi đang ấp ủ nhiều dự định. Tại TP.HCM thì công tác này thực hiện rất tốt, có rất nhiều chương trình, hoạt động, giải thưởng dành cho khối học sinh các trường trung cấp, trường nghề.

Tới đây, cách làm của TP.HCM sẽ được nhân rộng, và chúng tôi sẽ triển khai giải thưởng 3 rèn luyện cho học sinh các trường trung cấp, trường nghề”.

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong đối thoại trực tuyến với thanh niên tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ sáng 21-3 - Ảnh: Đ.Bình

Hỗ trợ để thanh niên khởi nghiệp

Theo anh Lê Quốc Phong, năm 2016 là điểm nhấn, cột mốc đáng nhớ đối với hoạt động khởi nghiệp của TN Việt Nam, khi Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các ngành, các cấp đã có những chính sách cụ thể hỗ trợ khởi nghiệp. Đoàn với trách nhiệm của mình cũng triển khai chương trình TN khởi nghiệp.

Đoàn xác định nhiều nhóm nội dung để hỗ trợ TN khởi nghiệp, đó là: hỗ trợ TN những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết trong quá trình khởi nghiệp.

Thứ hai, có công cụ hỗ trợ hiệu quả thực tế cho các bạn, và cụ thể cách đây mấy ngày Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đã ra đời. Đây chính là điểm đến để các TN mong muốn khởi nghiệp có thể tìm kiếm thông tin, những cơ hội và sự hỗ trợ, đồng hành giúp sức của Đoàn.

Trung ương Đoàn cũng đang xúc tiến thành lập Quỹ hỗ trợ TN khởi nghiệp để chúng ta chủ động một phần về nguồn vốn. Bên cạnh đó là cố gắng kết nối với các quỹ đầu tư và các nguồn lực khác trong xã hội để có thể đa dạng phương thức hỗ trợ cho các TN về nguồn vốn.

“Chúng tôi đã và sẽ có những hoạt động để thúc đẩy và hỗ trợ các TN khởi nghiệp. Đối tượng mà chúng tôi hướng tới là các bạn sinh viên, TN nông thôn khởi nghiệp và doanh nhân trẻ đã bắt đầu khởi nghiệp 3-4 năm…

Thông qua hoạt động như vậy, Đoàn sẽ thực hiện thêm nhiệm vụ tham mưu với Chính phủ, các cơ quan chức năng về những cơ chế chính sách và các điều kiện để giúp cho môi trường, hệ sinh thái khởi nghiệp tiếp tục phát triển và hoàn thiện, giúp cho TN Việt Nam khởi nghiệp có điều kiện thuận lợi hơn” - anh Lê Quốc Phong trả lời.

Vậy trước thực trạng một số bạn trẻ được đào tạo ở nước ngoài nhưng không hoặc chưa về nước để cống hiến cho đất nước, Đoàn sẽ có các biện pháp, giải pháp gì để vận động, thuyết phục các bạn trở về xây dựng đất nước?

Bí thư thứ nhất Lê Quốc Phong cho rằng nguồn lực TN Việt Nam ở nước ngoài được đào tạo bài bản, có kiến thức tốt, chuyên sâu là rất lớn. Đoàn đang hình thành các kênh để kết nối hoạt động sinh viên ở nước ngoài với các hoạt động trong nước.

Năm 2017, Đoàn sẽ xây dựng dự thảo về nội dung này và sẽ tổ chức Hội nghị trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu. Chúng tôi sẽ mời về các bạn về Việt Nam, lắng nghe ý kiến, mong muốn của các bạn; tạo điều kiện để các bạn đóng góp, cống hiến cho đất nước.

Thông qua các chuyến đi công tác nước ngoài, chúng tôi cũng luôn ưu tiên gặp gỡ, tiếp xúc với các bạn du học sinh ở nước ngoài. Tổ chức Đoàn luôn mong muốn các bạn trí thức trẻ Việt Nam trong nước và nước ngoài bắt tay hỗ trợ nhau và cùng nhau đưa đất nước phát triển.

Bạn Lê Minh Xuân Thanh (ĐH Quốc tế - ĐHQG TP.HCM) hỏi: dư luận bức xúc về tình trạng học sinh bị xâm hại tình dục. Học sinh là đội viên của tổ chức Đội nhưng sao không thấy tổ chức Đoàn, Hội vào cuộc lên tiếng?

- Anh Lê Quốc Phong: "Khi tiếp nhận thông tin về những sự việc như vậy, chúng tôi rất đau lòng. Thiếu nhi là đội viên của Đội TNTP Hồ Chí Minh, được Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ tổ chức hoạt động, chăm lo.

Ngay khi có những sự việc xảy ra, chúng tôi đều giao nhiệm vụ cho tổ chức Đoàn, Đội ở địa phương xác minh, theo dõi sự việc để bảo vệ quyền lợi cho các em, tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả cho các em và gia đình.

Các sự việc cho thấy đó là những hành vi phạm pháp, không thể chấp nhận mà tổ chức Đoàn, Đội cần lên tiếng để nghiêm trị.

Đây cũng là tiếng chuông cảnh báo chung cho các tổ chức Đoàn, Đội ở các địa phương cần phải tăng cường tập huấn kỹ năng, kiến thức cho các em học sinh, tổ chức Đội để phòng tránh, mục tiêu là ngăn ngừa, không để xảy ra các sự việc đau xót nêu trên.

Nhưng khi có sự việc xảy ra, thì tổ chức Đội, Đoàn cần phải có quy trình để xử lý kịp thời. Đối với các vụ việc xâm hại trẻ em hiện nay, chúng tôi vẫn theo dõi sát sao để có biện pháp cụ thể".

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên