18/03/2017 11:04 GMT+7

Người trẻ hãy lên tiếng nếu thấy xả rác, chạy xe ẩu

TT
TT

TTO - Cái biểu hiện hồn nhiên đầu tiên ở nhiều người trẻ hiện nay chính là đặt cái “tôi” của mình lên trên cái “ta” của cộng đồng.

Nhiều người trẻ đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều và leo vỉa hè trên đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: CHÂU ANH
Nhiều người trẻ đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, đi ngược chiều và leo vỉa hè trên đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: CHÂU ANH

Đó là một trong những phản hồi từ bạn đọc trong diễn đàn “Ứng xử văn minh qua góc nhìn giới trẻ”. Tuần qua, diễn đàn này khá nhộn nhịp với nhiều đóng góp gửi về. Nhịp sống trẻ trích đăng một số ý kiến.

Người trẻ nên bớt “hồn nhiên”

Nhiều người có tâm lý sợ mất đi lợi ích của mình. Ví dụ đơn giản thôi, họ hồn nhiên chen lấn, không chịu xếp hàng khi mua đồ hay đi thang máy vì sợ khi tới lượt mình sẽ hết chỗ. Thậm chí, mỗi khi có đợt hàng miễn phí nào đó, rất nhiều người, nhất là người trẻ sẵn sàng lao vào cuộc chiến giành giật. Rồi khi kẹt xe, dừng đèn đỏ, nhiều thanh niên hồn nhiên bấm còi inh ỏi, quát người đi trước...

Người trẻ sống ở đô thị... vô tư quá! Vào quán cà phê thấy họ tụ tập vô tư chém gió với những câu nói tục, rồi vô tư hút thuốc, gác chân lên ghế...

Các đô thị có đang văn minh lên không? Tôi nghĩ là có, điển hình là ở Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng... Vấn đề còn lại là ở cách chúng ta có hành xử văn minh để theo kịp sự phát triển đó không. Mà đi đầu trong câu chuyện này phải là những người trẻ.

KHÁNH HƯNG (dangducloc91@...)

Học ứng xử văn minh từ khi còn nhỏ

Để mỗi người hình thành thói quen tốt và đúng mực trong giao tiếp xã hội, theo tôi khi trẻ ở tuổi mẫu giáo, các giáo viên phải rèn cho trẻ các thói quen như biết để giày dép đúng chỗ quy định, lễ phép khoanh tay chào khi gặp người lớn, biết cảm ơn khi được khen hay được tặng quà, biết xin lỗi khi phạm lỗi.

Lên cấp tiểu học, giáo viên cần dạy thật tốt môn đạo đức cho học sinh, rèn thêm kỹ năng sống để các em giao tiếp và ứng xử trong xã hội bằng những việc làm cụ thể. Giáo dục học sinh biết yêu thương đồng bào, giúp đỡ người tàn tật, cơ nhỡ, trẻ em có hoàn cảnh bất hạnh bằng cách trích tiền ăn quà của mình để tham gia những hoạt động giúp các bạn khó khăn trong trường.

Hay chuyện ăn uống các thức ăn miễn phí, cũng cần giáo dục các em lấy vừa đủ mình dùng. Chính từ những việc nhỏ đó, người lớn đã hình thành nhân cách tốt cho các em. Để khi lớn lên trẻ có hành vi văn minh mọi lúc, mọi nơi.

TRẦN VĂN TÁM (H.Củ Chi, TP.HCM)

*** Error ***
Bạn trẻ ra đường kêu gọi ý thức mọi người không xả tờ rơi bừa bãi

 

 

Ứng xử văn minh để nâng mình lên

Hành vi không đẹp chốn tâm linh (chùa hoặc nhà thờ) cũng là biểu hiện của sự hiểu biết sai lệch về văn hóa. Theo đó, các bạn nhiều khi ham mê chụp hình nên đã tạo dáng bên những bức tượng - là biểu tượng tôn kính của một tôn giáo nào đó, hoặc ăn mặc hở hang khi đi chùa lễ Phật chẳng hạn... Sự ngộ nhận giữa cái đẹp khi đi dạo phố, đi bar với đi tới chốn tâm linh đã làm cho người trẻ có ứng xử thiếu văn minh.

Đôi khi nói chuyện trên xe buýt hay chốn đông người mà nói những chuyện riêng tư, oang oang đến mức khó tả cũng khiến người khác nghe không lọt tai. Tất nhiên như thế là làm phiền người khác, thiếu văn minh, lịch sự rồi. Tiếng điện thoại reo giữa buổi nói chuyện nghiêm túc hay hội thảo cần sự tập trung cũng là âm thanh tối kỵ nhưng lại bị quên hoài, khiến khổ chủ nhiều khi ngượng ngùng bởi bao ánh mắt xoáy vào mình...

Ứng xử văn minh (trước tiên và trên hết) thực ra cũng để hướng tới việc khẳng định mình là người lịch sự, có văn hóa và biết tôn trọng mọi người. Có câu: muốn được người khác tôn trọng mình thì mình phải tôn trọng người khác.

Học cách tôn trọng mọi người chính là học ứng xử văn minh, nhất là khi càng ngày chúng ta càng được tiếp xúc với nhiều người nước ngoài. Họ đến Việt Nam để tham quan, tìm hiểu và quan sát chúng ta từ nhiều góc nhìn.

TẤN KHÔI (Q.3, TP.HCM)

Hãy lên tiếng!

Mỗi lần bước ra đường, tôi gặp khá nhiều hành vi khó coi. Từ chuyện một số người chạy xe máy trên vỉa hè đến đi ngược chiều, vượt đèn đỏ. Chưa cần nói đến việc phạm luật, chỉ riêng về mặt ý thức đã đủ khiến người khác ngao ngán. Tuy nhiên, thái độ tiếp thu phê bình của mỗi người có sự khác nhau.

Tôi nghĩ rằng sở dĩ những chuyện không hay vẫn tồn tại và còn có chiều hướng gia tăng bởi một phần do thói quen “im lặng đáng sợ” của chúng ta.

Tâm lý “an phận thủ thường” vô tình khiến cái sai được đà lấn tới. Không hiếm gặp những tình huống mà “người trong cuộc” thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh.

Theo tôi, những người trẻ không nên thụ động, càng đừng như “rùa rụt cổ”, bởi nếu ai cũng sợ phản ứng, sợ trả thù thì tất cả vẫn mãi dừng lại ở mức độ ta thán, kêu ca mà chẳng giải quyết được vấn đề.

Thấy có người xả rác, nếu chỉ đơn thuần mang bịch rác bỏ vào nơi quy định thì mới giải quyết được phần ngọn. Điều cần thiết nhất (cái gốc) là nói để người ta nhận ra cái sai và không tái phạm. Quả ngọt của tuyên truyền giáo dục chính là giúp người làm sai biết nhận lỗi và sửa chữa.

HỮU CHƠN (Q.9, TP.HCM)

TT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên