09/03/2017 10:04 GMT+7

Cu Reo của bố! ​Ra đây bố bế nào

ĐAN PHƯỢNG
ĐAN PHƯỢNG

TTO - "Cu Reo! Cu Reo của bố đâu! Bố về đây rồi. Ra đây bố bế nào". Khác với sự tưởng tượng và khát khao, mong đợi của tôi, Cu Reo không sà vào lòng tôi, không ôm lấy cổ tôi...

Ảnh: Father And Son


Năm đó, tôi là đội trưởng đội vũ trang của một đồn biên phòng đóng quân ở biên giới Tây Nam. Do yêu cầu nhiệm vụ mà đứa con trai đầu lòng của tôi từ khi sinh ra cho đến khi biết gọi bố vẫn chưa hề biết đến hơi ấm của bàn tay tôi.

Cứ mỗi tối, sau khi vợ tôi đã làm xong việc nhà, việc quân của tôi cũng tạm ổn là cả gia đình tôi lại “sum vầy” qua sóng điện thoại. Anh em trong đơn vị vẫn thường nói vui đó là khung giờ tôi giao ban trực tuyến với vợ con.

Cu Reo dường như biết được điều đó nên háo hức đón chờ điện thoại của bố không kém gì bà xã tôi. Cái tên Cu Reo cũng từ đó mà ra.

Một lần tôi được nghỉ phép về thăm Cu Reo. Về gần đến sân nhà, tôi vừa chạy vừa gọi:

- Cu Reo! Cu Reo của bố đâu! Bố về đây rồi. Ra đây bố bế nào.

Nghe tiếng gọi của tôi, bà xã bế con từ nhà ngoại về:

- Đây! Cu Reo đây! Cu Reo của bố đây!

Khác với sự tưởng tượng và khát khao, mong đợi của tôi, Cu Reo không sà vào lòng tôi, không ôm lấy cổ tôi mà cũng chẳng nũng nịu. Nó tròn xoe mắt nhìn tôi như một “vật thể lạ” rồi mặt chuyển từ đỏ sang tái và chạy thẳng vào nhà, nép vào xó giường khóc: “Không, không, không phải bố”, mặc cho vợ chồng tôi dỗ sao cũng không được.

Lúc đó tôi không sao chịu nổi và cũng không còn đủ bình tĩnh để suy xét mọi chuyện nữa. Bao nhiêu bực tức tôi trút hết lên vợ: “Cô ở nhà dạy con kiểu gì mà tôi về cả ngày rồi nó cũng không nhận bố hả?”.

Vợ tôi bật khóc, mặc dù rất hiểu tôi là người nóng tính, bộc trực, nhưng luôn yêu thương vợ con hết mực. Không khí trong gia đình tôi nặng nề, thời gian như đặc quánh lại.

Thế rồi đột nhiên Cu Reo gọi to: “Bố! Bố ơi!” khi nghe điện thoại của vợ tôi đổ chuông.

Lúc này thì tôi đã hiểu ra mọi vấn đề, Cu Reo chỉ nhận điện thoại là bố. Còn tôi, người bố bằng xương bằng thịt đang đứng sờ sờ trước mặt nó thì nó không nhận ra. Cũng phải thôi, vì hai năm nay nó đã quen với bố là điện thoại.

Chiếc điện thoại là bố nó, đã nói chuyện, vỗ về giấc mộng trẻ thơ của nó. Còn tôi vẫn cứ miệt mài với những cung đường tuần tra, những đêm thức trắng đánh án.

Tôi sau hai năm làm bố giờ phải học làm bố lại từ đầu.

Tôi lấy điện thoại gọi và nói chuyện với con qua một bức tường ngăn, sống mũi cay xè. Vợ tôi ôm con ra để nó thấy bố bằng xương bằng thịt chứ không phải chiếc điện thoại vô tri vô giác nó đang cầm trên tay. Hai hàng nước mắt của cô ấy cũng chảy dài trên má.

Cu Reo lúc này vòng tay ôm cổ tôi và gọi: “Bố, bố ơi!”.

ĐAN PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên